MÀU CỦA
HOÀNG QUA KHÔNG VÀNG,
SAO LẠI GỌI
LÀ “HOÀNG QUA”
Hoàng qua 黄瓜 (dưa leo) là loại củ quả thường thấy, có thể xào hoặc
trộn rất tươi ngon. Hoàng qua ngoài chợ đa phần đều xanh tươi, gọi là “thanh
qua” 青瓜 tựa hồ thích hợp hơn gọi “hoàng qua”; khắp cả thân nó
có gai, gọi là “thích qua” 刺瓜cũng không sai,
nhưng tại sao lại gọi là “hoàng qua”?
Có một
câu chuyện mà ít người biết đến. Hoàng qua không phải là thổ sản của Trung Quốc,
mà đến từ Tây vực, ban đầu gọi là “hồ qua” 胡瓜.
Thời Nam Bắc triều, người kiến lập chính quyền Hậu Triệu là Thạch Lặc 石勒vốn là người tộc Yết 羯.
Sau khi đăng cơ làm hoàng đế ở Tương quốc 襄国,
đối với việc người trong nước xưng hô người tộc Yết là Hồ nhân, ông ta rất giận.
Thạch Lặc ban bố pháp lệnh: bất luận nói hay viết, nhất luật nghiêm cấm xuất hiện
chữ “hồ”, ai vi phạm sẽ bị chém chết không tha.
Có một
lần, Thạch Lặc triều kiến quan viên địa phương tại sân triều Thiền vu, bấy giờ
Quận thú Tương quốc là Phàn Thản 樊坦áo quần lam lũ bước
vào. Thạch Lặc nhìn thấy như thế, liền hỏi:
- Phàn Thản, y quan của khanh không chỉnh tề
sao lại đến triều kiến trẫm?
Phàn Thản
trong lúc lo sợ không biết phải như thế nào, đành thuận miệng nói:
- Đó là trách người Hồ không có đạo nghĩa, cướp
đi quần áo đồ vật của thần, hại thần đến nỗi y quan lam lũ mà đến triều.
Vừa dứt
lời, Phàn Thản lập tức ý thức được mình đã phạm vào điều cấm, liền vội khấu đầu
tạ tội. Thạch Lặc thấy ông ta biết lỗi cũng không chỉ trích nữa. Sau buổi triệu
kiến, “ngự tứ ngọ thiện” 御赐午膳 (ban bữa ăn
trưa), Thạch Lặc lại chỉ hồ qua cố ý hỏi Phàn Thản:
- Đây là quả gì?
Phàn Thản
biết Thạch Lặc có ý khảo mình, thế là cung kính đáp:
- Đó là hoàng qua.
Thạch Lặc
nghe xong mới hài lòng.
Từ đó về
sau, hồ qua được gọi là hoàng qua, truyền khắp trong triều ngoài nội. Thời Đường,
hoàng qua đã trở thành loại củ quả thường thấy cả nam bắc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
11/12/2018
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật