Dịch thuật: Mặt trời gần, Trường An xa

MẶT TRỜI GẦN, TRƯỜNG AN XA

          Minh Đế Tư Mã Thiệu 明帝司马绍thời Đông Tấn lúc nhỏ vô cùng thông mĩnh dĩnh ngộ, rất được phụ thân là Tấn Nguyên Đế Tư Mã Duệ 晋元帝司马睿yêu quý.
          Năm Tư Mã Duệ lên 8 tuổi, có một lần ngồi trên đùi Nguyên Đế Tư Mã Duệ, vừa lúc có sứ giả từ Trường An 长安đến. Nguyên Đế bèn hỏi Tư Mã Thiệu:
          - Con nói thử, mặt trời và Trường An nơi nào xa hơn?
          Tư Mã Thiệu đáp rằng:
          - Trường An gần hơn, mặt trời thì xa, chưa thấy ai từ chỗ mặt trời đến cả, do đó có thể biết được.
         Nguyên Đế Tư Mã Duệ và sứ giả sau khi nghe vô cùng kinh ngạc, mà cũng vô cùng vui mừng. Ngày hôm sau, Nguyên Đế bày yến tiệc đãi quần thần, muốn khoe bảo bối của mình với các đại thần. Trước mặt các đại thần, Nguyên Đế một lần nữa hỏi. Tư Mã Thiệu không ngần ngừ, đáp rằng:
          - Mặt trời thì gần, Trường An thì xa.
          Nguyên Đế nghe qua, giật mình thất sắc, đây chẳng phải là đáp án ngược với hôm qua sao? Nguyên Đế liền hỏi:
          - Sao không giống với đáp án hôm qua vậy?
          Tư Mã Thiệu thong thả đáp rằng:
          - Ngẩng đầu lên thì nhìn thấy mặt trời, mà lại không thấy Trường An, do đó có thể biết được.
          Nguyên Đế và các đại thần không ai là không kinh ngạc thán phục.
          Về sau, dùng “nhật cận Trường An viễn” 日近长安远 (mặt trời thì gần, Trường An thì xa) để chỉ việc không thể đi đến đế đô và đi về cố hương.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 24/12/2018

Nguồn
HOÀNG TRIỀU ĐIỂN CỐ KỈ VĂN
皇朝典故纪闻
Tác giả: Hướng Tư 向斯
Bắc Kinh: Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post