Dịch thuật: Tên của Biển Thước và Hóa Đà bắt nguồn từ thần y và dược thần trong truyền thuyết

TÊN CỦA BIỂN THƯỚC VÀ HÓA ĐÀ BẮT NGUỒN TỪ
 THẦN Y VÀ DƯỢC THẦN TRONG TRUYỀN THUYẾT

          Hai vị danh y cổ đại của Trung Quốc, y thuật cao siêu, y đức cao thượng, rất được nhân dân kính trọng, mọi người lấy thần y và dược thần trong truyền thuyết để gọi họ, lâu dần, tên thật của họ đã bị mọi người quên mất, họ chính là Biển Thước 扁鹊 thời Chiến Quốc và Hóa Đà 华佗 (1) thời Tam Quốc.
          Nói đến Biển Thước, mọi người liên tưởng đến thành ngữ “Bệnh nhập cao hoang” 病入膏肓 (bệnh tình nguy kịch, hết phương cứu chữa), thành ngữ này có được là lúc Biển Thước xem bệnh cho Tề Hoàn Công 齐桓公. Biển Thước đến đô thành Lâm Tri 临淄của nước Tề, thấy khí sắc của Tề Hoàn Công không được tốt, liền nói với ông ta rằng:
          - Chúa công có bệnh, bệnh mới đang ở ngoài da, mau kịp thời chữa trị đi.
          Tề Hoàn Công co tay và chân xem qua và nói rằng:
          - Ta chẳng có bệnh gì.
          Sau khi tiễn Biển Thước ra về, Hoàn Công còn nói với tả hữu rằng:
          - Làm thầy thuốc muốn kiếm tiền, muốn được tiếng, người ta không có bệnh cũng nói là có bệnh.
          Qua 5 ngày sau, Biển Thước lại gặp Tề Hoàn Công, nói rằng:
          - Bệnh của chúa công đã vào huyết mạch rồi, không chữa trị sẽ nghiêm trọng đấy!
          Hoàn Công có chút không vui. Lại qua thêm 5 ngày nữa, Biển Thước cố ý gặp Hoàn Công, nói rằng:
          - Bệnh của chúa công đã vào tới ruột và bao tử rồi, không chữa trị rất nguy hiểm.
          Hoàn Công vẫn không tin, Biển Thước đành ra về. Lại qua 5 ngày nữa, khi Biển Thước gặp Tề Hoàn Công, ông không nói câu nào liền thoái lui. Hoàn Công sai người đi hỏi, Biển Thước nói rằng: bệnh ở da, chườm nóng một lát có thể khỏi, bệnh vào huyết mạch, có thể dùng châm cứu để trị, bệnh đã vào đến ruột và bao tử, dùng tửu dược còn có thể kịp. Hiện bệnh đã ngấm vào cốt tuỷ, không còn cách nào nữa. Quả nhiên, mấy ngày sau, Hoàn Công bệnh nặng, chẳng bao lâu qua đời. Về sau, mọi người đem sự kiện này tổng kết thành thành ngữ tán dương Biển Thước, đó chính là câu “Bệnh nhập cao hoang”.
          Biển Thước nguyên tên là Tần Việt Nhân 秦越人, người đất Mạo quận Bột Hải (nay là trấn Mạo Châu鄚州 phía bắc Nhậm Khâu 任丘 Hà Bắc 河北). Nhân y thuật cao siêu, đậm màu sắc truyền kì, lại khiến mọi người kính phục về y đức cao thượng, thế là mọi người bèn lấy thần y Biển Thước thời thượng cổ trong truyền thuyết để gọi ông. Lâu dần, tên Biển Thước phổ biến, tên gốc Tần Việt Nhân lại rất ít người biết đến.
          Biển Thước từng đi qua nhiều nước để trị bệnh cho người, chữa khỏi rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh tưởng như không chữa được, danh tiếng của ông vang xa. Biển Thước đến nước Tần. Nước Tần có quan thái y tên Lí Ê 李醯 đố kị y thuật của Biển Thước, sợ danh tiếng của Biển Thước ảnh hưởng đến địa vị của mình, nên đã sai người giết ông.
          Sau khi Biển Thước chết, kinh nghiệm y học và lí luận y học của ông được người sau chỉnh lí thành bộ y thư tên Nan kinh 难经, bộ sách trở thành văn hiến trân quý của y học Trung Quốc.
          Hóa Đà thời Tam Quốc là người cùng thời với Tào Tháo 曹操, và cũng là đồng hương, cả hai đều là người huyện Tiều nước Bái (nay là huyện Bạc An Huy 安徽).
          Hóa Đà tinh thông các khoa nội, ngoại, phụ, nhi, châm cứu, nhất là giỏi về ngoại khoa, có danh xưng là “thần y”. Hóa Đà đã phát minh ra “ma phí tán” 麻沸散 dùng gây mê trong phẫu thuật. Ông còn sáng tạo “ngũ cầm hí” 五禽戏 để rèn luyện thân thể mạnh khoẻ, bắt chước động tác và tư thái của 5 loài là hổ, nai, gấu, vượn, điểu để tiến hành vận động, đạt đến mục đích tăng cường thể chất, ngăn ngừa bệnh tật.
          Trong Tam quốc diễn nghĩa 三国演义mà mọi người đều biết, có tình tiết Hóa Đà cạo xương trị độc cho Quan Vũ 关羽.
          Tên gọi Hóa Đà vốn không phải là tên gốc của ông, theo khảo chứng của Sử học gia Trần Dần Khác 陈寅恪, ông vốn tên Hóa Phu 华旉, tự Nguyên Hoá 元化. “Phu” có nghĩa là mở rộng, phổ biến khắp. Từ “Hóa Đà” xuất phát từ cách dịch âm “A già đà” 阿伽佗ở Phạn ngữ, có nghĩa là dược thần. Hóa Phu y thuật cao minh, lại quan tâm đến bách tính. Thế là dân gian bèn so sánh ông với dược thần trong thần thoại Phật giáo Ấn Độ, dùng tên dược thần “Hóa Đà” để gọi ông. Lâu dần, tên gọi này phổ biến, nhiều người không biết đến tên gốc của ông.
          Hóa Đà cuối cùng bị Tào Tháo sát hại. Tào Tháo có bệnh đau đầu, lại không để cho Hóa Đà khai đao trị từ gốc, mà muốn trường kì giữ Hóa Đà bên cạnh mình để tuỳ thời trị bệnh. Trong lòng Hóa Đà nghĩ đến bách tính, không muốn phục vụ riêng một mình Tào Tháo, bèn mượn cớ mẫu thân tại quê nhà có bệnh. Tào Tháo sau khi biết được, rất giận bèn hạ lệnh sát hại ông.

 Chú của người dịch
1- Về tên gọi nhân vật 华佗:
          Theo Giản hoá tự, phồn thể tự đối chiếu tự điển, chữ () có 2 âm đọc:
*- Hua với thanh điệu 2 (âm Hán Việt là “hoa”)
* - Hua với thanh điệu 4 (âm Hán Việt đọc là “hoá”)
Ở âm này ghi rằng:
          1- : 华佗
     2- 山名: 华山
     1- Họ: Hoá Đà.
          2- Tên núi: Hoá sơn.
       (Chủ biên: Giang Lam Sinh 江蓝生, Lục Tôn Ngô 陆尊梧
Thượng Hải – Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 1998)
Trong Hán điển 漢典, ở âm đọc hua (thanh điệu 4) có ghi rằng:
1-     見華山 (华山) .
2- : 如漢代有華佗.
     1- Xem điều Hoá sơn.
     2- Họ: như Hoá Đà đời Hán.
          Nguồn http://www.zdic.net/z/22/js/83EF_htm
Và trong Khoái học võng 快学网, ở âm đọc hua (thanh điệu 4) cũng ghi rằng:
          1- 山名, 华山
     2- . : 华佗; 华扁 (古代名医华, 华佗扁鹊的并称)
          1- Tên núi, Hoá sơn.
          2- Họ. Như: Hoá Đà; Hoá Biển (gọi chung Hoá Đà và Biển Thước, hai vị danh y cổ đại)
          Nguồn http://zidian.kxue.com/zi/hua4_jieshi.html
          Như vậy 华佗 (華佗) tên vị danh y thời Hán là Hoá Đà. Ta quen đọc là Hoa Đà.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 02/11/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post