Dịch thuật: Vì sao ở Trung Quốc huyên thảo là loài hoa đại biểu cho mẹ

VÌ SAO Ở TRUNG QUỐC HUYÊN THẢO
LÀ LOÀI HOA ĐẠI BIỂU CHO MẸ

          Tháng 5 tết Mẹ (Mẫu thân tiết 母親節) nghinh đón hoa cẩm chướng, đa số các nước đều xem hoa cẩm chướng là loài hoa đại biểu cho tết Mẹ, dùng để biểu thị sự kính yêu và hoài niệm đối với mẹ. Kì thực, thời cổ ở Trung Quốc sớm đã có loài hoa đại biểu cho mẹ, đó là huyên thảo萱草 (hoa hiên). Huyên thảo tượng trưng cho tính ôn nhu, hàm súc, hiền lành, chất phác, kiên nhẫn và tinh thần dâng hiến hi sinh của nữ giới phương đông; trong sự điềm đạm đã phát tán ánh sáng về tình yêu thương của mẹ.
          Thế thì, tại sao “huyên thảo” ở Trung Quốc lại là loài hoa đại biểu cho mẹ? Huyên thảo, tục xưng là “hoàng hoa” 黄花, “hoàng hoa thái” 黄花菜, “kim châm” 金針, “kim châm hoa” 金針花, “kim châm thái” 金針菜, “nghi nam thảo” 宜男草. Hình dáng của hoa giống hoa bách hợp, màu vàng quýt hoặc vàng pha chút đỏ, không mùi, khi hoa chưa nở có thể hái làm món ăn, rễ của cây có thể dùng làm thuốc, nếu hoa đã nở thì dùng để thưởng thức.
          Theo Thuyết văn – Thảo bộ 說文 - 草部:
Huyên, linh nhân vong ưu thảo dã. Hoặc tùng tuyên.
, 令人忘憂草也. 或從宣.
(Huyên là loại cỏ có thể khiến người ta quên đi ưu phiền. Hoặc viết với chữ “tuyên”)
          Chữ thời cổ đồng với chữ . Người xưa cho rằng lấy chồi non của loại cỏ này làm rau, ăn vào có thể khiến người ta như bị say, làm cho quên đi ưu phiền, cho nên cũng gọi là “vong ưu thảo” 忘憂草, “vong ưu vật” 忘憂物. Và trong Thái Bình ngự lãm – quyển cửu cửu lục 太平禦覽 - 卷九九六 dẫn lời ở Thuật dị kí 述異記của Lương Nhậm 梁任thời Nam Triều:
          Huyên thảo, nhất danh tử huyên, hựu hô viết vong ưu thảo, Ngô trung thư sinh hô vi liệu sầu hoa.
          萱草, 一名紫萱, 又呼曰忘憂草, 吳中書生呼為療愁花.
          (Huyên thảo còn có tên là tử huyên, cũng gọi là vong ưu thảo, thư sinh đất Ngô gọi nó là liệu sầu hoa.)
          Thời cổ, “huyên thảo” 萱草được viết là , có nghĩa là quên. Trong Thi kinh – Vệ phong – Bá hề 詩經 - 衛風 - 伯兮có ghi:
Yên đắc huyên thảo,
 Ngôn thụ chi bối.
焉得谖草,
言树之背.
(Làm sao có được cây cỏ huyên,
Trồng nó ở nhà phía bắc.)
     Trong Mao truyện 毛傳ghi rằng:
Huyên thảo linh nhân vong ưu; bối, bắc đường dã.
萱草令人忘憂; , 北堂也.
(Huyên thảo làm cho người ta quên đi ưu phiền; bối là nhà phía bắc.)
          Theo Thích văn 釋文, chữ vốn viết là , về sau “thụ huyên” 樹萱(trồng cỏ huyên) trở thành từ với nghĩa là quên ưu phiền. Như Lí Bạch 李白trong bài Tống Lỗ quận Lưu Trưởng sử thiên Hoằng Nông Trưởng sử 送魯郡劉長史遷弘農長史đã viết:
Thác âm đương thụ lí,
Vong ưu đương thụ huyên.
託陰當樹李,
忘憂當樹萱.
Muốn nhờ bóng mát nên trồng cây lí,
Muốn quên ưu phiền nên trồng cỏ huyên.
          Bắc đường 北堂 chỉ phía sau căn phòng phía đông, là nơi phụ nữ giặt rửa, như trong Nghi lễ - Sĩ hôn lễ 儀禮 - 士昏禮 có câu:
Phụ tẩy tại bắc đường.
婦洗在北堂
(Phụ nữ giặt rửa tại bắc đường)
Trịnh Huyền 鄭玄chú rằng:
Bắc đường, phòng trung bán dĩ bắc.
北堂, 房中半以北.
(Bắc đường là nửa gian phòng ở về phía bắc)
Cho nên mượn “bắc đường” để chỉ mẹ. Về sau dùng “huyên thảo” để chỉ nơi ở của mẹ, cũng mượn để ví mẹ. Bài thơ Bá hề trong Thi kinh thuật lại nỗi nhớ của người phụ nữ về người chồng viễn chinh, mong tìm được cỏ huyên để trồng ở bắc đường để quên đi nỗi ưu tư.
          Tương truyền vào cuối đời Tuỳ, Đường Thái Tông Lí Thế Dân 李世民cùng phụ thân là Lí Uyên 李淵 nam chinh bắc chiến, mẫu thân của Lí Thế Dân vì nhớ con mà sinh bệnh. Lúc bấy giờ, đại phu đã dùng huyên thảo có tác dụng sáng mắt an thần, nấu lên cho bà dùng, đồng thời đem trồng nơi bắc đường để giải trừ nỗi âu lo.
          Sau này, người con khi đi xa sẽ trồng cỏ huyên ở bắc đường, hi vọng mẹ sẽ giảm được nỗi nhớ con mà quên đi ưu phiền. Nhân đó “bắc đường thụ huyên” 北堂樹萱 (trồng cỏ huyên ở bắc đường) có thể làm cho người ta quên đi sầu muộn, dẫn đến ý nghĩa tình mẫu tử. Như Mạnh Giao 孟郊 - thi nhân thời Đường trong bài Du tử 遊子có viết:
Huyên thảo sinh đường giai,
Du tử hành thiên nhai.
Từ mẫu ỷ đường môn,
Bất kiến huyên thảo hoa.
萱草生堂階,
遊子行天涯.
慈母倚堂門,
不見萱草花.
(Cỏ huyên mọc nơi thềm nhà,
Con đi xa tận cuối chân trời.
Mẹ tựa cửa nhà trông ngóng,
Mà không thấy cỏ huyên trổ hoa)
          Bài thơ mượn cảnh ngụ tình, bộc lộ sâu sắc tình cảm hàm súc giữa mẹ với con, khiến người đọc cảm động. Và thế là ở Trung Quốc, huyên thảo trở thành loài hoa đại biểu cho mẹ.

                                                            Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 12/10/2018



Previous Post Next Post