Ở TRUNG QUỐC VĂN QUAN VÕ TƯỚNG
ĐƯỢC PHÂN CHIA RA TỪ KHI NÀO
Sự thay
đổi trọng đại của thể chế một quốc gia là việc phân chia văn võ, đó là kết quả
tự nhiên của sự phát triển về chính trị, xã hội, quân sự. Quan viên văn võ phân
chia ra là chỉ võ tướng có chuyên môn chỉ huy tác chiến, văn quan không tác chiến,
giới sử học đều cho là như thế. Nhưng, đối với thời gian phân chia cụ thể thì
quan điểm có khác nhau.
Trong Sử kí 史记, Hoài Nam Tử
淮南子 có nói, thời Hoàng Đế đã thiết lập chức quan thủ lĩnh quân sự là “Tư mã” 司马. Trong Kim văn
thông điển – Nghiêu điển 今文通典 - 尧典thì nói, vương
triều Hạ thiết lập chức quan văn võ “Tư đồ 司徒,
Tư mã 司马, Tư không 司空”. Trong Thượng thư – Hồng phạm 尚书 - 洪范 lại nói, vương triều Thương có văn võ bách quan “Tư đồ
司徒, Tư không 司空, Tư khấu 司寇” và “mã 马, á 亚, xạ 射, nhung 戎, vệ 卫”. Nhìn từ những điển
tịch cổ nói trên, thể chế từ triều Hạ triều Thương cho mãi đến triều Tây Chu,
tuy văn quan võ chức đã chia môn loại mà thiết lập, nhưng khanh, đại phu vừa quản
lí chính sự, vừa nhận vương mệnh dẫn quân xuất chinh, Tư mã chỉ chủ quản hành
chính quân sự thời bình, mà không có quyền thống lĩnh quân đội, lúc chiến tranh người thống suất do thiên tử lâm thời nhậm mệnh, kết thúc chinh chiến đem quyền thống lĩnh quân đội giao lại cho thiên tử. Căn cứ những điều
trình bày ở trên, văn quan võ tướng trước thời Tây Chu là không phân chia.
Nhưng
vào thời Xuân Thu, Chu vương thất suy yếu, các chư hầu đều có quân đội riêng,
theo ghi chép trong Sử kí 史记, Quốc ngữ 国语, thống suất tối cao của quân đội là quốc quân, thiên
tử thường đích thân dẫn quân tác chiến, cũng có không ít văn quan võ tướng lãnh
binh tác chiến. Như trong Tả truyện - Ẩn
Công ngũ niên 左传 - 隐公五年có nói, năm
Chu Hoàn Vương 周桓王thứ 2, trận chiến ở Bắc Chế 北制,
Trịnh Trang Công 郑庄公phái Đại phu Trái Túc 祭足 (1), Nguyên Phồn 原繁,
Tiết Giá 泄驾, Công tử bá 公子伯và Tử Nguyên 子元thống lĩnh quân đội đánh quân Yên, mà lúc bấy giờ quan
Đại phu là văn võ nhất thể. Và cũng trong Tả
truyện – Hi Công nhị thập nhị niên 左传 - 僖公二十二年có nói, năm
Chu Tương Vương 周襄王 thứ 14, trận chiến ở Hoằng thuỷ 泓水giữa Tống với Sở, Tống Tương Công thống suất quân Tống,
Thái tể Tử Ngư 宰鱼và Đại tư mã Công Tôn Cố 公孙固phụ
trợ, Sở Vương phái Thành Đắc Thần 成得臣, Đấu Bột 斗勃 thống suất quân Sở. Cũng trong Tả truyện – Chiêu Công nhị thập thất niên 左传 - 昭公二十七年 nói rằng, Sở Chiêu Vương 楚昭王nguyên
niên, quân Ngô bao vây Tiềm Thành 潜城, Sở Vương phái
Vương Mi 王麋 (chủ
quản cung đình), Vương Doãn Thọ 王尹寿 (chủ quản doanh tạo,
thủ công nghệ), thống suất cứu binh đi tăng viện. Những sử thực rõ ràng trong Tả truyện đã chứng minh văn quan võ tướng
mãi đến thời Xuân Thu cũng chưa phân chia.
Thời
Chiến Quốc, giai cấp địa chủ nổi lên, từng bước nắm giữ chính quyền. Do bởi trước
đó không phân chia văn võ quan viên, nên khanh, đại phu ... quý tộc thời bình quản
lí chính vụ, thời chiến thống lĩnh quân đội tác chiến, tập trung quyền lực
chính trị quân sự vào một người dẫn đến tệ đoan quân quyền rơi vào tay người
bên cạnh, thế là giai cấp thống trị dùng biện pháp phân chức văn võ, lấy “tướng”
相 (bên
văn) “tướng” 将 (bên võ) đứng đầu bách quan. Như vậy, thể chế chuyên
chế quân chủ phong kiến mấy ngàn năm đã được xác lập, những ghi chép tương tự
còn có thể thấy ở Uý Liêu Tử - Vương bá
thiên 尉缭子 - 王霸篇, Lã Thị Xuân
Thu – Cử nan thiên 吕氏春秋 - 举难篇. Cho nên, thời
Chiến Quốc mới xuất hiện tướng quân chuyên chức và hệ thống quân sự độc lập. Về
điểm này đã được công nhận, đồng thời có ghi chép trong Trung Quốc quân sự sử 中国军事史, Trung Quốc
chính trị chế độ sử 中国政治制度史.
Thời
Chiến Quốc, quy mô chiến tranh mở rộng, số lượng binh sĩ không ngừng tăng lên,
chỉ huy quân đội trở thành một nghệ thuật. Chỉ huy một nhóm quân cần phải có
tri thức chuyên môn về phương diện quân sự, có tài quản lí, có kinh nghiệm huấn
luyện và chỉ huy tác chiến. Trong Hàn Phi
tử - Hiển học 韩非子 - 显学có nói:
Minh quân chi lại, Tể tướng tất khởi châu quận, mãnh tướng tất phát vu
tốt ngũ. (2)
明君之吏, 宰相必起州郡, 猛将必发于卒伍.
(Với quan
lại của minh chủ, thì Tể tướng tất nổi lên từ châu quận, mãnh tướng xuất phát từ
quân đội.)
Trong Sử kí 史记, Lã Thị Xuân Thu – Dị bảo 吕氏春秋 - 异宝, có ghi chép là vào thời Chiến Quốc thủ tiêu chế độ
phân phong, tiểu chuẩn để ban tước vị là ở thành quả tác chiến lớn hay nhỏ, nhiều
tướng soái từ trong quân được tuyển chọn ra. Một số danh tướng như Ngô Khởi 吴起, Tôn Tẫn 孙膑, Nhạc Nghị 乐毅, Bạch Khởi 白起, Liêm Pha 廉颇... đều tuân theo nguyên tắc này mà được tuyển chọn.
Đương thời, quản lí chính sự tại triều chỉ là văn quan, và họ cũng không thống
lĩnh quân đội xuất chinh nữa. Ví dụ như, trận chiến Mã Lăng 马陵 và
trận chiến Trường Bình 长平 nổi tiếng, Bàng
Quyên 庞涓 thống
suất quân Nguỵ, Điền Kị 田忌 (Tôn Tẫn 孙膑 là quân sư) thống suất quân Tề, Vương Hột 王齕 (sau
là Bạch Khởi 白起) thống suất quân Tần, Liêm Pha 廉颇(sau là Triệu Quát 赵括)
thống suất quân Triệu, họ đều là võ tướng chuyên chức.
Tổng hợp
những điều trình bày ở trên, nhìn chung giới sử học cho rằng, Chiến Quốc là thời
kì cụ thể văn quan võ tướng phân chia ra, kéo dài mãi cho đến ngày nay. Nhưng,
cũng có người cho rằng nó bắt đầu từ thời Xuân Thu. Như vậy rốt cuộc là vào thời
nào, có lẽ đợi thêm những phát hiện khảo cổ mới có thể làm rõ.
Chú của người
dịch
Theo Khang Hi tự
điển 康熙字典
Chữ 祭 (bính âm zhai
thanh thứ 4)
Quảng vận 廣韻, Tập vận 集韻 phiên thiết là TRẮC GIÁI (GIỚI) 侧界.
Vận hội 韻會, Chính vận 正韻 phiên thiết là TRẮC TRÁI 側債
Đều có âm đọc là 債 (TRÁI). Tên ấp
của Chu đại phu, và cũng là họ, Chu công tử
Trái Bá 祭伯, đời sau lấy làm họ.
(trang 803, Hán ngữ đại từ điển
xuất bản xã, 2003)
Như vậy
tên nhân vật ở đây đọc là “Trái Túc”.
2- Câu này trong Trung
Quốc cổ đại văn hoá thường thức 中国古代文化常识của Vương Lực 王力,
chương thứ 5: Chức quan 职官, ở chú số 1 là:
Cố minh chủ chi lại, Tể tướng tất khởi vu châu bộ, mãnh tướng tất phát
vu tốt ngũ.
故明主之吏, 宰相必起于州部, 猛将必发于卒伍.
(Cho
nên với quan lại của minh chủ, thì Tể tướng tất nổi lên từ châu bộ, mãnh tướng
xuất phát từ quân đội.)
(trang
45, Trung Hoa nhân dân đại học xuất bản xã, 2015)
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 11/10/2018
Nguyên tác Trung văn
TRUNG QUỐC VĂN QUAN VÕ TƯỚNG THỊ HÀ THỜI PHÂN KHAI
ĐÍCH
中国文官武将是何时分开的
Trong quyển
TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ
中国未解之谜
Tác giả: Hải Tử 海子
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật