Dịch thuật: Nguồn gốc tập tục dân gian "thâu qua tống tử"

NGUỒN GỐC TẬP TỤC DÂN GIAN “THÂU QUA TỐNG TỬ”

        Nhiều nơi ở Trung Quốc còn lưu hành tập tục “thâu qua tống tử” 偷瓜送子 (trộm bí tặng con) (qua ở đây là “đông qua” 冬瓜  tức bí đao - ND). Nếu phụ nữ một nhà nào đó sau khi lập gia đình đã lâu mà không sinh con, bà con hàng xóm vào đêm Trung thu sẽ nương theo ánh trăng đến ruộng nhà người khác lén hái một trái bí. Sau đó đem trái bí hoá trang cho thật giống em bé rồi tặng cho nhà mà có phụ nữ không sinh con. Theo truyền thuyết, người phụ nữ ôm quả bí ngủ qua đêm, sau đó ăn trái bí đi thì tám chín phần mười sẽ mang thai. Dân ca vùng Ba Thục có câu:
Sinh dục gian nan ám đới sầu,
Hương lân tống tử hạ Trung thu.
Đông qua đương tác nhi tử sái,
Hỉ đắc khuê nhân diện đới tu.
生育艰难暗带愁
乡邻送子贺中秋
冬瓜当作儿子耍
喜得闺人面带羞
(Người phụ nữ sinh đẻ khó khăn mang trong lòng nỗi u sầu,
Xóm làng sẽ tặng cho em bé mừng đêm Trung thu.
Vui cùng trái bí xem như con đẻ ra,
Người phụ nữ chốn phòng khuê mừng đến nỗi có chút xấu hổ)
          Cũng theo truyền thuyết, dân tục “thâu qua tống tử” mang nét đặc sắc khu vực này bắt nguồn từ câu chuyện về Phục Hi 伏羲 Nữ Oa 女娲 “toạ hồ lô thành thân” 坐葫芦成亲.
          Theo ghi chép trong Độc dị chí 独异志, thuỷ tổ của nhân loại là Phục Hi và em gái Nữ Oa sinh ra từ hồ lô ở núi Côn Luân 昆仑, sau đó họ “toạ hồ lô thành thân”, sinh ra cả đàn con cháu.
          Ở một số dân tộc thiểu số, có dân tục tế bái hồ lô. Ngoài ra, ngoại hình hồ lô giống hệt bụng phụ nữ khi có mang, phần ở dưới to có nhiều hạt, dẫn đến ý nghĩa đa tử đa phúc. Thế nên, mọi người bắt chước tổ tiên “toạ qua thành thân” 坐瓜成亲, dần dần hình thành tập tục “thâu qua tống tử”.
          Tộc người Di vào ngày thành thân, trước khi cô dâu chú rể bái đường, mọi người sẽ cho tro bếp vào đầy hồ lô rồi đập vỡ trước mặt cô dâu chú rể, mang ý nghĩa bắt chước người xưa phá vỡ hồ lô thành thân, sớm sinh quý tử. Hơn nữa, mọi người tin rằng, hồ lô có thể bảo dưỡng sinh mệnh, cho nên phá vỡ hồ lô làm thành cái gáo, chứ không dùng gáo múc nước hiện đại. Đây cũng chính là mọi người đã kéo dài truyền thuyết “toạ hồ lô thành thân” của Phục Hi và Nữ Oa.
          Về tập tục “thâu qua tống tử”, còn có quan điểm cho rằng: từ “qua” hài âm với tiếng “oa oa” của em bé lúc mới sinh ra. Không nghi ngờ gì, “thâu qua tống tử” là mượn cách hài âm chữ “qua”. Và trong dân gian còn có tập tục tặng “nam qua” 南瓜 (bí đỏ). “Nam qua” 南瓜là “nam qua” 男瓜, tặng “nam qua” cũng cũng chính là tặng con trai.

                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 24/10/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post