Dịch thuật: Lí Tư (tiếp theo) (Tể tướng Trung Quốc)

LÍ TƯ
(tiếp theo)

          Năm 213 trước công nguyên, Lí Tư lại kiến nghị Tần Thuỷ Hoàng, để thống nhất tư tưởng, nên thiêu huỷ tất cả thư tịch trong thiên hạ trừ những sách như Tần kỉ, y dược, bốc phệ, trồng trọt; phàm ai dám bàn luận thi thư, lấy xưa chê nay đều xử tử, cấm chỉ tư nhân dạy học, ai muốn học chỉ có thể lấy lại làm thầy, lấy pháp lệnh triều Tần làm nội dung, đo đó mà sản sinh tấm thảm kịch đốt sách chôn nho, kềm chế nghiêm trọng về tư tưởng, tàn phá văn hoá.
          Tháng 7 năm Tần Thuỷ Hoàng thứ 37 (năm 210 trước công nguyên), Tần Thuỷ Hoàng trên đường tuần du trở về, bị bệnh và qua đời tại Sa Khâu 沙丘(nay là huyện Quảng Tông 广宗 tỉnh Hà Bắc 河北). Hoạn quan tuỳ hành là Triệu Cao âm mưu lập Hồ Hợi 胡亥 làm đế, bèn lôi kéo Lí Tư, muốn Lí Tư cùng với ông đem chiếu thư mà Tần Thuỷ Hoàng trước khi mất lệnh cho trưởng tử Phù Tô 扶 苏về Hàm Dương 咸阳chủ trì tang lễ, lén sửa thành lệnh cho Phù Tô tự sát. Lí Tư lúc đầu không đồng ý, sau Triệu Cao uy hiếp, nói rằng, một khi Phù Tô lên ngôi, tất sẽ bái Mông Điềm 蒙恬 làm Thừa tướng. Lí Tư tự biết tài năng của mình không bằng Mông Điềm, lo sợ Tướng vị sẽ bị đoạt, bèn ngửa mặt lên trời than dài, nước mắt chảy không thôi, bằng lòng hợp mưu với Triệu Cao, lén sửa chiếu thư, bức sát Phù Tô, lập Hồ Hợi làm Nhị Thế hoàng đế.
          Thời Nhị thế, Lí Tư vẫn là Thừa tướng, để bảo vệ quan vị của mình, ông bèn siểm mị để được ân sủng, dâng lên Nhị Thế Nghiêm đốc trách thư 严督责书, kiến nghị Nhị Thế thực hành “đốc trách chi thuật” 督责之述, tức đế vương chuyên đoán độc tài, lấy hình pháp tàn khốc để uy nhiếp, chế ngự thần dân, khiến đế vương có thể nhân theo sở dục mà tận tình hưởng thụ. Kiến nghị này trở thành chỗ dựa về lí luận cho việc Tần Nhị Thế và Triệu Cao đại khai sát giới, khiến mấy chục người con trai con gái của Tần Thuỷ Hoàng, một số công thần và bách tính bình dân gặp phải cảnh đồ sát thảm khốc.
          Nhị Thế hoang dâm hôn dung, đại quyền rơi vào tay Triệu Cao. Do bởi Triệu Cao kế tục bạo chính thời Tần Thuỷ Hoàng một cách tàn khốc hơn trước nên cuối cùng đã kích khởi nông dân đại khởi nghĩa. Đối mặt với cục diện nguy vong vương triều Tần, Lí Tư nhiều lần muốn can gián Nhị Thế. Triệu Cao luôn muốn trừ khử Lí Tư, liền cố ý xúi giục Lí Tư vào cung can gián trước mặt Nhị Thế, khiến cho Nhị Thế đang vui đùa cao hứng liền vô cùng bực bội. Triệu Cao lại vu cáo cha con Lí Tư có lòng mưu phản. Nhị Thế bèn hạ lệnh bắt Lí Tư cùng cả gia tộc giao cho Triệu Cao thẩm tra xét xử.
          Triệu Cao dùng nghiêm hình, bức Lí Tư thừa nhận là có ý mưu phản. Sau sự việc đó, Lí Tư phản hối, dâng thư lên Nhị Thế để biện bạch. Triệu Cao cho huỷ đi, đồng thời sai kẻ thân tín giả làm quan viên do Nhị Thế sai đến phúc tra, thẩm xét Lí Tư, chỉ cần Lí Tư vừa mở miệng, liền ra tay đánh một cách ác độc, đến nỗi Lí Tư không dám biện bạch nữa. Đến khi Nhị Thế phái quan viên thật đến phúc tra, Lí Tư không biết thân phận người người đó là giả hay thật, sợ bị đánh, nên đã nhận càn là có ý mưu phản. Nhị Thế hôn dung thấy cung trạng, vui mừng nói rằng:
          - May nhờ Triệu Cao, nếu không trẫm đã bị Lí Tư hại chết rồi!
Bèn hạ lệnh xử tử Lí Tư, lại còn diệt cả 3 họ.
          Tần Nhị Thế năm thứ 2 (năm 208 trước công nguyên), Lí Tư bị chém ngang lưng ở Hàm Dương. Lúc lâm hình, Lí Tư đau buồn nói với con:
          - Nay cha muốn làm một người dân thường cùng con về lại quê nhà Thượng Sái săn thỏ hưởng lạc mà không thể được rồi!
          Lí Tư một đời truy cầu công danh lợi lộc, cố nhiên là cầu được công danh lợi lộc, nhưng lại mất đi tính mệnh.
          Đối với văn hoá, Lí Tư có nhiều cống hiến, ông từng viết qua nhiều bài văn hay. Văn chương của ông logique chặt chẽ, thuyết lí đầy đủ, văn tự tinh luyện trôi chảy, khí thế sôi nổi phóng khoáng, đa phần chiếm vị thế cao. Ngoài Gián trục khách thư của ông đã trở thành tác phẩm đại biểu ưu tú cho thể tản văn thời cổ ra, hãy còn Phần thư lệnh truyền đời. Chiếu thư Tần Nhị Thế do Lí Tư khởi thảo hiện được bảo tồn tại Viện bảo tàng lịch sử Trung Quốc; chiếu thư 29 chữ do ông viết hiện được lưu giữ tại Viện bảo tàng Thái sơn Đại miếu 泰山岱庙. Còn những bài được khắc trên đá của Lí Tư ca tụng công đức của Tần Thuỷ Hoàng ở Thái sơn 泰山, Lang Da đài 瑯琊台, Đông quan 东观, Kiệt thạch 碣石, Cối Kê 会稽...  đa phần là loại 3 câu 1 vần. đọc lên nghe vang vang, có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sau. Theo truyền thuyết, Lí Tư còn khảo chứng và chú thích 8 chữ trong văn tự của Thương Hiệt 苍颉truyền lại. Lí Tư sáng tác ra thể tiểu triện, trở thành viên ngọc quý trong nghệ thuật thư pháp Trung Quốc, ông cũng được xếp vào một trong những đại thư pháp gia sớm nhất của Trung Quốc. (hết)

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 23/10/2018

Nguyên tác Trung văn
LÍ TƯ
李斯
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post