LÍ TƯ
Lí
Tư 李斯
(? – 208 trước công nguyên), Tể tướng thời Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇
và Tần Nhị Thế 秦二世. Đối với việc thống nhất 6 nước, thực hành tập quyền
trung ương và thi hành bạo chính có tác dụng rất lớn. Người sáng lập ra thể tiểu
triện và là một trong những đại thư pháp gia của Trung Quốc. Trứ tác có các
thiên nổi tiếng để đời như “Gián trục khách thư” 谏逐客书 , “Phần
thư lệnh” 焚书令. Triệu Cao 赵高 hãm hại, Lí Tư bị chém ngang
lưng.
Lí Tư李斯 người Thượng Sái 上蔡 nước
Sở (nay là phía tây nam huyện Thượng Sái上蔡tỉnh
Hà Nam
河南), xuất thân trong một gia
đình bình dân, lúc trẻ làm tiểu lại ở quận, coi giữ văn thư. Địa vị thấp kém
khiến Lí Tư dốc lòng hướng đến công danh phú quý. Có một lần, Lí Tư nhìn thấy
chuột trong nhà xí đang ăn phân, vừa thấy người hoặc chó bước vào liền bỏ chạy,
còn chuột trong kho lương lại tha hồ hưởng, bèn cảm thán rằng:
Người cũng giống như chuột, do bởi hoàn cảnh sống khác nhau nên địa vị
và sự đãi ngộ cũng khác nhau.
Ông ôm ấp dục vọng muốn trở thành hạng
người giống chuột trong kho lương, bèn từ chức tiểu lại, đến học với Tuân Tử 荀子. Lí Tư tuy không tán đồng
Nho học coi trọng đạo đức nhân nghĩa của Tuân Tử, nhưng lại học “thuật đế vương”
của Tuân Tử. Về sau, Lí Tư cáo biệt Tuân Tử rời Sở đến Tần. Trước khi đi, ông bộc
bạch rằng:
Người
sống trên đời, sỉ nhục lớn nhất đó là ti tiện, bi ai lớn nhất đó là bần khốn.
Ta đi về phía tây du thuyết Tần Vương chính là để mong được trọng dụng, mưu cầu
vinh hoa phú quý cho mình.
Tần Trang Tương Vương 秦庄襄王năm thứ 3 (năm 247 trước
công nguyên), Lí Tư đến Tần làm xá nhân 舍人 (thực khách 食客)
ở nhà Lã Bất Vi 吕不韦. Nhân vì
biểu hiện xuất sắc, được giữ chức Lang, vào phục vụ trong cung Tần. Lí Tư từng dâng
thư lên Tần Doanh Chính 秦嬴政 nói rằng, nay nước Tần cường thịnh, thời cơ công diệt 6 nước
thống nhất thiên hạ đã chín mùi, chỉ cần Tần Vương dám hạ quyết tâm, nghiệp lớn
có thể thành công. Doanh Chính vô cùng thích kiến giải này, liền nhậm mệnh Lí
Tư làm Trưởng sử, tham dự nghị chính. Lí Tư bèn cùng với các đại thần tích cực mưu định
kế hoạch, đề xuất viễn giao cận công, các chiến lược kích phá đều phái thuyết
khách khiêu khích mối quan hệ giữa 6 nước, lại dùng nhiều vàng bạc mua chuộc
quyền thần của 6 nước, sai thích khách ám sát trọng thần lương tướng của các nước
mà chủ trương liên hiệp kháng Tần, sau đó dần công diệt 6 nước. Nhờ đó Lí Tư rất
được Doanh Chính tín nhiệm, thăng lên làm khách khanh, cùng mưu hoạch đại chính
với Tần Vương và Thừa tướng.
Một số kẻ sĩ các nước đến Tần nhậm chức
đã dẫn đến sự đố kị ganh ghét của đại thần tông thất nước Tần, lấy lí do kẻ sĩ
các nước không thể tin tưởng, họ kiến nghị Tần Vương đuổi đi. Tần Vương trước sau
2 lần hạ lệnh trục khách, đuổi khách khanh. Khi lần thứ 2 trục khách, Lí Tư
cũng bị, ông bèn dâng Gián trục khách thư
谏逐客书nổi tiếng lên Tần Vương,
nói rõ nước Tần sở dĩ ngày nay cường thịnh là nhờ có được nhân tài các nước. Nay
trục khách là đuổi nhân tài đi, có lợi cho nước khác mà bất lợi cho
nước Tần. Bài văn thuyết lí thấu triệt, logique chặt chẽ, văn từ ưu mĩ, sức
thuyết phục rất lớn, cuối cùng thuyết phục được Tần Vương thủ tiêu lệnh trục
khách, đồng thời triệu hồi Lí Tư, thăng làm Đình uý, một trong cửu khanh, phụ trách tư pháp trong
cả nước.
Năm 232 trước công nguyên, nhân vật
Pháp gia nổi tiếng là Hàn Phi韩非đến
Tần. Tần Vương rất phục tài năng của Hàn Phi. Lí Tư và Hàn Phi đều học ở Tuân Tử
荀子, Lí Tư biết rõ tài năng của
Hàn Phi, danh tiếng cao hơn mình, nên lo sợ Tần Vương sẽ trọng dụng Hàn Phi, thay
thế địa vị của mình, thế là Lí Tư câu kết với những người thù ghét Hàn Phi, vu
hãm Hàn Phi là gián điệp, Tần Vương cho bắt Hàn Phi giam vào ngục. Lí Tư lại lợi
dụng chức quyền Đình uý của mình, ngăn cản Hàn Phi bộc bạch với Tần Vương, sai
người dùng độc dược bức Hàn Phi tự sát trong ngục, hành động đó đã bộc lộ nhân
phẩm hèn kém và thủ đoạn tàn khốc của Lí Tư.
Năm 221 trước công nguyên, Tần công diệt
6 nước, thống nhất Trung Quốc. Năm đó, Thừa tướng Vương Oản 王绾 kiến nghị nên bắt chước
theo triều Chu , phân phong các công tử của Tần
Thuỷ Hoàng làm Vương, quần thần cũng tán đồng. Lí Tư lại phản đối, cho rằng triều
Chu chính vì do việc phân phong con em làm chư hầu mà dẫn đến sự tranh đoạt lẫn
nhau, chiến loạn không ngừng, ngay cả thiên tử cũng không cách nào ngăn cản;
nay thiên hạ thống nhất nên thực hành chế độ quận huyện mới có thể khiến thiên
hạ yên ổn. Thuỷ Hoàng tiếp nhận kiến nghị đó, chia thiên hạ ra làm 36 quận,
phái quan đến trị lí, thực hành chế độ trung ương tập quyền phong kiến. Sau sự
kiện đó, Lí Tư được thăng làm Tả thừa tướng.
Thời gian Lí Tư nhậm chức Tướng đã giúp Tần Thuỷ Hoàng chế định, thực hành
không ít chính sách có lợi cho việc thống nhất quốc gia, như thống nhất văn tự,
đo lường, hoá tệ, xây dựng đường xá để tăng cường sự liên hệ giữa các nơi. Nhất
là về việc thống nhất văn tự, cống hiến của ông rất xuất sắc. Lí Tư nhậm mệnh
cùng Triệu Cao 赵高đem cổ văn
đang lưu hành ở các nước như Tề, Lỗ ...
cải tiến lại, giảm bớt nét, sáng lập ra thể “tiểu triện” 小篆, làm văn tự thống nhất của
triều Tần.
Sau khi Lí Tư đảm nhậm chức Tướng, vì
muốn giữ được địa vị cao, nên đã a dua xu phụ Tần Thuỷ Hoàng. Ông hùa theo tâm
lí ham thích công lao to lớn, truy cầu cuộc sống xa xỉ của Tần Thuỷ Hoàng, theo
Tần Thuỷ Hoàng tuần du tứ xứ, khắp nơi đều khắc thạch ghi công, lại giúp Tần
Thuỷ Hoàng xây dựng cung to điện lớn, lạm dụng sức dân, đặt ra không ít chính
sách bạo ngược, như nghiêm hình khốc pháp và phú thuế nặng nề, khiến dân trong thiên
hạ không thể sống được, tiếng than oán đầy đường. (còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 22/10/2018
Nguyên tác Trung văn
LÍ TƯ
李斯
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ
TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm
Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất
bản xã, 1999
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật