HOÀNG SÀO KHỞI
NGHĨA
Hoàng
Sào 黄巢anh
em có 8 người, Hoàng Sào là thứ 2. Phụ thân làm nghề bán muối. Mấy anh em lớn
lên đều võ nghệ đầy mình. Hoàng Sào không những giỏi võ thuật, có thể cưỡi ngựa
bắn cung mà còn ham đọc sách. Sách vở đã mở rộng tầm mắt của Hoàng Sào, cũng
khiến ông lúc trẻ đã biểu hiện sự bất mãn với hiện trạng, hi vọng làm nên chí
hướng. Hoàng Sào rất tài hoa, trong bài thơ Đề
cúc hoa 题菊花 ông viết rằng:
Táp táp thu phong
mãn viện tài,
Nhuỵ hàn hương
lãnh điệp nan lai.
Tha niên nhược ngã
vi Thanh đế,
Báo dữ đào hoa nhất
xứ khai.
飒飒秋风满院栽,
蕊寒香冷蝶难来.
他年若我为青帝,
报与桃花一处开.
(Gió thu xào xạc thổi đến, khắp
sân hoa cúc đều lay động,
Mùi hương từ nhuỵ toả ra mang
hơi lạnh, ong bướm khó đến gần.
Một ngày nào đó nếu ta là Thanh
đế
Sẽ sắp xếp cho hoa cúc và hoa
đào cùng đua nở.)
Ban
đầu Hoàng Sào muốn thông qua thi cử để thay đổi vận mệnh của mình. Ông rất xuất
sắc, nhưng cuối cùng trong đợt thi Tiến sĩ quan trọng nhất, Hoàng Sào đã rớt. Tại
Trường An 长安,
Hoàng Sào tuy không đạt được công danh, nhưng ảnh hưởng đối với ông rất là sâu
đậm. Trong bài Phú cúc 赋菊, ông viết rằng:
Đãi đáo thu lai cửu
nguyệt bát,
Ngã hoa khai hậu
bách hoa sát.
Xung thiên hương
trận thấu Trường An,
Mãn thành tận đới
hoàng kim giáp.
待到秋来九月八,
我花开后百花杀.
冲天香阵透长安,
满城尽带黄金甲.
(Đợi đến tiết Trùng Dương vào
tháng 9 mùa thu,
Lúc hoa cúc của ta nở rộ, các
loài hoa khác đều héo úa.
Mùi hương từng trận xông lên trời,
thấu đến Trường An,
Khắp cả kinh thành đều mặc áo giáp
vàng.)
Sau
khi Hoàng Sào về lại quê nhà, nhìn thấy khởi nghĩa các nơi nổ ra, đặc biệt là bạn
của ông là Vương Tiên Chi 王仙芝đã tập hợp được một đội ngũ hơn mấy ngàn người. Một năm sau,
Hoàng Sào tại quê nhà là Oan Cú 冤句 (nay là phía tây nam
Hà Trạch 菏泽Sơn
Đông 山东) cũng tập hợp được hơn 2000 người, giương cờ khởi nghĩa. Hoàng Sào
nhanh chóng hợp đội ngũ cùng với Vương Tiên Chi, họ phát bố hịch văn, lên tiếng
kháng cự sự hủ bại của vương triều Đường và chính sách trưng thu thế khoá tàn bạo,
kêu gọi nhân dân đứng lên phản kháng chính sách hà khắc. Nhiều người bị tạp thuế
nặng nề đến mức khuynh gia bại sản đều đến với họ. Trong khoảng chỉ mấy tháng,
đội quân khởi nghĩa đã đạt đến mấy vạn người.
Năm
875, lưu vực Hoàng hà phát sinh thuỷ tai, tiếp đó lại gặp nạn châu chấu phá hoại
làm cho nhiều nông dân mất đi con đường sống. Họ đều tham gia quân khởi nghĩa,
khiến cho đội quân khởi nghĩa dần lớn mạnh.
Lãnh
địa của quân khởi nghĩa từ Sơn Đông không ngừng phát triển hướng đến khu vực
trung nguyên. Vương triều Đường muôn phần hoảng sợ lập tức điều động tập trung
nhân mã ở các lộ bao vây quân khởi nghĩa. Chiến thuật của quân khởi nghĩa rất
linh hoạt, họ tránh quân chủ lực, nhanh chóng chiếm lĩnh những nơi mà quân triều
Đường bỏ trống phòng ngự.
Năm
878, sau khi Vương Tiên Chi bị bắt, Hoàng Sào trở thành lãnh tụ của quân khởi
nghĩa. Ông tự xưng là “Xung thiên đại tướng quân” 冲天大将军, phế bỏ niên hiệu của triều Đường,
cải nguyên là “Vương Bá” 王霸, kiên định quyết tâm lật đổ sự thống trị hủ bại của triều
Đường, kiến lập chính quyền nông dân.
Do
bởi lực lượng lớn mạnh của quân khởi nghĩa uy hiếp nghiêm trọng đến sự thống trị
của vương triều Đường, triều đình đã tổ chức bao vây tiễu trừ đại quy mô, nhưng
Hoàng Sào áp dụng chiến lược tránh quân chủ lực, tìm điểm yếu của đối phương mà
tấn công, khéo léo bảo toàn thực lực quân khởi nghĩa. Từ trung nguyên đến Triết
Giang, đến Phúc Kiến, cuối cùng đến Quảng Châu. Triều đình muốn dùng cách chiêu
an để Hoàng Sào đầu hàng, nhưng gặp phải sự lên án gay gắt của Hoàng Sào.
Trải
qua mấy năm nỗ lực, đội quân khởi nghĩa phát triển lên đến 65 vạn người, cuối
cùng vào năm 881 công hạ đô thành Trường An, kiến lập chính quyền “Đại Tề” 大齐. Hoàng Sào tự lập làm hoàng đế.
Hai
năm sau, do bởi triều đình vây khốn và một số tướng lĩnh trọng yếu làm phản,
Hoàng Sào bị bức phải rút khỏi Trường An, lui về Sơn Đông tiếp tục chiến đấu.
Năm 884, quân khởi nghĩa do bởi ít không địch lại đông nên cuối cùng thất bại.
Hoàng Sào tự sát thân vong.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 02/10/2018
Nguyên tác Trung văn
HOÀNG SÀO KHỞI NGHĨA
黄巢起义
Trong quyển
TRUNG HOA THƯỢNG HẠ
NGŨ THIÊN NIÊN
中华上下五千年
Chủ biên: Lí Tinh 李晶
Nam Kinh đại học xuất
bản xã, 2007
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật