Dịch thuật: Chu Công chế lễ tác nhạc

CHU CÔNG CHẾ LỄ TÁC NHẠC

          Chu Công Cơ Đán 周公姬旦là chính trị gia nổi tiếng của xã hội nô lệ Trung Quốc. Để củng cố chính quyền của giai cấp thống trị và tăng cường trật tự nội bộ của giai cấp thống trị thời Tây Chu, Chu Công đã tham chiếu chế độ lễ nhạc của vương triều Thương, đồng thời kết hợp với truyền thống thị tộc của tộc Chu, chế định ra một loạt lễ chế khu biệt quân thần, thượng hạ, phụ tử, thân sơ, tôn ti và những điển chương chế độ để duy trì mối quan hệ của giai cấp thống trị, đó chính là điều mà hậu thế gọi là “chế lễ tác nhạc” 制礼作乐 của Chu Công.
          Kẻ thống trị tối cao của vương triều Chu là Chu thiên tử.
Phổ thiên chi hạ,
Mạc phi vương thổ.
Suất thổ chi tân,
Mạc phi vương thần.
普天之下,
莫非王土.
率土之滨,
莫非王臣.
Khắp cõi dưới trời,
Chẳng có chỗ nào là không phải lãnh thổ của vua.
Noi theo những vùng đất ven bờ,
Dân chúng khắp nơi, chẳng ai là không phải bề tôi của vua.
                                                          (Thi kinh – Tiểu nhã – Bắc sơn)
                                               (Bản dịch của Tạ Quang Phát – Thi kinh, tập 2)
          Đất đai và nhân dân trong cả nước đều thuộc về sở hữu của Chu thiên tử. Vùng đất thủ đô Phong , Hạo  do khanh, đại phu quản lí, gọi là “vương kì” 王畿, đây là khu vực do Chu thiên tử trực tiếp nắm giữ.
          Vùng ngoài vương kì, phân phong cho chư hầu cùng họ hoặc khác họ với vương triều Chu. Những chư hầu được thụ phong này lại đem phong địa của mình phân cho người cùng tộc làm “thái ấp” 采邑, những người được thụ phong này là khanh, đại phu. Khanh, đại phu lại đem thái ấp của mình phân cho “sĩ”, tức người cùng tộc làm “thực địa” 食地. Sĩ trở xuống không phân phong nữa, thực địa do thứ dân – nô lệ cày cấy. Đất đai các cấp và kẻ chiếm hữu nô lệ từ sĩ trở lên là giai cấp thống trị của vương triều Chu, còn quảng đại thứ dân và kẻ bị chinh phục là giai cấp bị thống trị.
          Do bởi vương triều Chu đối với việc tái phân phối một số lượng lớn đất đai mới chinh phục và nô lệ, nên từ trên xuống dưới đã cấu thành từng cấp một những kẻ chiếm hữu đất đai, đồng thời cũng hình thành mối quan hệ lệ thuộc đẳng cấp nghiêm nhặt giữa các cấp chiếm hữu đất đai. Trong Tả truyện 左传, đã thuật lại một cách rõ ràng chế độ đẳng cấp của xã hội nô lệ:   
         Thiên hữu thập nhật, nhân hữu thập đẳng, hạ sở dĩ sự thượng, thượng sở dĩ cung thần dã. Cố vương thần công, công thần đại phu, đại phu thần sĩ, sĩ thần tạo, tạo thần dư, dư thần lệ, lệ thần liêu, liêu thần bộc, bộc thần đài. Mã hữu ngữ, ngưu hữu mục, dĩ đãi bách sự.
          天有十日, 人有十等, 下所以事上, 上所以供神也. 故王臣公, 公臣大夫, 大夫臣士, 士臣皂, 皂臣舆, 舆臣隶, 隶臣僚, 僚臣仆, 仆臣台. 马有圉, 牛有牧, 以待百事.
          (Trời có 10 ngày, người có 10 cấp. Kẻ dưới phụng thờ bề trên, bề trên tế tự thần linh. Cho nên vương sai công, công sai đại phu, đại phu sai sĩ, sĩ sai tạo, tạo sai dư, dư sai lệ, lệ sai liêu, liêu sai bộc, bộc sai đài. Ngựa có người nuôi, bò có người chăn, mỗi người đều chuyên việc của mình để ứng phó trăm việc.)
                                                   (Tả truyện – Chiêu Công thất niên)
          Các cấp quý tộc từ sĩ trở lên và giai cấp nô lệ từ sĩ trở xuống, về chính trị và kinh tế có sự phân biệt sâu sắc. “Lễ” trở thành hoạt động chính trị và những quy phạm về hành động sinh hoạt thường ngày của chủ nô lệ. Còn “hình” chủ yếu để trấn áp quảng đại nô lệ và bình dân. Đó chính là “lễ bất há thứ nhân, hình bất thướng đại phu” 礼不下庶人, 刑不上大夫 (lễ không xuống đến thứ nhân, hình phạt không lên đến đại phu) mà mọi người đã biết. 
          Cơ sở của “lễ” chế ở xã hội nô lệ là chế độ tông pháp. Chế độ phân phong của vương triều Chu và mối quan hệ lệ thuộc nghiêm nhặt được kiến lập trên chế độ tông pháp. Thiên tử nối đời truyền nhau, thiên tử mỗi đời đều lấy thân phận đích trưởng tử kế thừa vương vị, chủ tế thuỷ tổ, đó là “đại tông” của Chu vương thất. Còn anh em của đích trưởng tử thụ phong làm chư hầu, đối với thiên tử mà nói đó là “tiểu tông”. Chư hầu của mỗi đời cũng lấy thân phận đích trưởng tử kế thừa hầu vị, thờ phụng thuỷ tổ của mình, đó là “đại tông”. Anh em của họ thụ phong làm khanh đại phu, là “tiểu tông” của chư hầu. Khanh đại phu mỗi đời cũng như thế, lấy thân phận đích trưởng tử kế thừa phụ vị làm khanh đại phu, thờ phụng thuỷ tổ của mình, đó là “đại tông”. Các em của khanh đại phu là sĩ, sĩ đối với khanh đại phu mà nói, trở thành “tiểu tông”. Đích trưởng tử của sĩ vẫn kế thừa phụ vị làm sĩ, nhưng những người con khác trở thành bình dân. Nhân đó, “đại tông” nhất định là con cháu đích hệ của thuỷ tổ, còn “tiểu tông” là thứ tử, thứ tôn. Chư hầu tuy đối với thiên tử mà nói là “tiểu tông”, nhưng tại nước chư hầu của mình lại là “đại tông”. Khanh đại phu đối với chư hầu mà nói là “tiểu tông”, nhưng tại bổn tộc lại là “đại tông”. Chế độ này, ngăn ngừa giữa anh em với nhau có sự tranh đoạt tạo nên sự tranh chấp nội bộ, củng cố chế độ phân phong.
          Chế độ tông pháp lại lấy mối quan hệ huyết thống của đại gia tộc quý tộc làm cơ sở. Mỗi đại gia tộc đều có tổ tiên trực hệ chung, tông miếu chung, mộ địa chung và có nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau, còn đích trưởng tử của đại gia tộc nối đời nắm giữ đại quyền của gia tộc, trở thành “đại tông” có địa vị trọng yếu trong gia tộc, các con thứ khác là “tiểu tông”. Chu thiên tử đối với các chư hầu cùng họ mà nói vừa là “cộng chủ” về chính trị, vừa là “đại tông” “trăm đời không dời đổi” của thiên hạ. Như vậy, các phong quốc lớn nhỏ cùng họ với vương triều Chu trở thành bá phụ 伯父, thúc phụ 叔父, còn chư hầu khác họ trở thành bá cữu 伯舅, thúc cữu 叔舅, đều là thân thích đồng tộc của vương triều Chu, trở thành lực lượng trọng yếu, là “cánh tay đắc lực của Chu thất”.
          Tương truyền, quý tộc Tây Chu có 5 loại lễ: khi tế tự dùng “cát lễ” 吉礼, cẩn thận thờ phụng quỷ thần; lúc tang táng hung hoang dùng “hung lễ” 凶礼, cần đau buồn ưu tư. Lúc triều sính hội đồng dùng “tân lễ” 宾礼, phải lễ mạo hoà tiết. Lúc chinh phạt dùng “quân lễ” 军礼, hưng sư động chúng phải quả cảm cương nghị. Hoạt động cát khánh dùng “gia lễ” 嘉礼, yến tiệc hôn nhân, gia quan nghi thức phức tạp. Những lễ nghi phức tạp này phối thêm âm nhạc có thân phận tương ứng với chúng, hình thành một chế độ lễ nhạc. Thanh đồng khí và nhạc khí sử dụng trong tông miếu trở thành tượng trưng cho chế độ lễ nhạc, nhân đó mà có câu:
Duy khí dữ danh bất khả giả nhân
唯器与名不可假人
 (Duy chỉ có lễ khí và danh vị không thể trao cho người khác.)
          Thời kì đầu triều Tây Chu, “thiên hạ hữu đạo, lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất” 天下有道, 礼乐征伐自天子出 (thiên hạ hữu đạo, lễ nhạc chinh phạt đều xuất phát từ thiên tử), Chu thiên tử có quyền lực rất lớn đối với chư hầu. Thuỷ tổ nước Tề là Thái Công Vọng 太公望từng được Thành Vương ban cho quyền “ngũ hầu cửu bá, thực đắc chinh chi” 五侯九伯, 实得征之 (ngũ hầu cửu bá, đều có thể bị chinh phạt) (1), chinh phạt những kẻ không phục tùng sự thống trị của vương triều Chu. Còn Bá Cầm 伯禽con của Chu Công, do bởi Chu Công lập được đại công, nên đã được đặc ân sử dụng “thiên tử lễ nhạc”.
          Chế độ lễ nhạc và điển chương văn vật do Chu Công chế định ra, đã khiến cho giai cấp thống trị các cấp có được đặc quyền quốc vương ban cho đồng thời quy định nghĩa vụ nhất định mà họ phải thực hiện đối với vương triều Chu. Tất cả những điều này, ở đời sau đã có sự phát triển rất lớn. Sáng tác mà thác danh Chu Công, bộ Chu lễ 周礼, trên thực tế bắt đầu thành sách vào thời Chiến Quốc, có không ít chế độ là ở vào thời Xuân Thu, nhưng cũng là tư liệu quý báu bảo tồn được một số chế độ lễ nhạc và điển chương văn vật đầu đời Chu, là tư liệu tham khảo quan trọng cho chúng ta khi nghiên cứu về chế độ lễ nhạc và lịch sử đời Chu.

Chú của người dịch
1- Trong Tả truyện – Hi Công tứ niên 左传 - 僖公四年, câu này là:
“Ngũ hầu cửu bá, nhữ thực chinh chi”
五侯九伯, 女实征之
(Ngũ hầu cửu bá, ông đều có thể chinh phạt họ)

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 15/10/2018

Nguyên tác Trung văn
CHU CÔNG CHẾ LỄ TÁC NHẠC
周公制礼作乐
Trong quyển
 TÂY CHU SỬ THOẠI
西周史话
Tác giả: Vương Vũ Tín 王宇信
Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post