Dịch thuật: Tại sao dùng "đào lí mãn thiên hạ" .....

TẠI SAO DÙNG  “ĐÀO LÍ MÃN THIÊN HẠ”
ĐỂ KHEN TẶNG VỊ THẦY CÓ NHIỀU HỌC TRÒ ƯU TÚ

          Chúng ta thường dùng “đào lí mãn thiên hạ” 桃李满天下để hình dung vị thầy có nhiều học trò khắp nơi trong cả nước. Cũng có thể dùng để khen tặng vị thầy đã đào tạo nhiều học trò ưu tú. Thế thì tại sao học trò được ví là “đào lí”, và điển này xuất xứ từ đâu?
          Tương truyền thời Xuân Thu, nước Nguỵ có một đại thần tên Tử Chất 子质, học thức uyên bác, tài cao 8 đấu. Do vì đắc tội với Nguỵ Văn Hầu 魏文侯, nên đã chạy đến nhà một người bạn ở phương bắc để lánh nạn. Nhà người bạn thì nghèo, Tử Chất không muốn tăng thêm gánh nặng cho bạn, thế là ông đề xuất mở một học quán, thu nhận dạy học trò để sống qua ngày. Tử Chất thu nhận học trò không phân biệt giàu nghèo, chỉ cần bằng lòng học thì có thể bái ông làm thầy, đối đãi tất cả như nhau.
          Trong sân học quán có một cây đào và một cây lí. Dưới cây là nơi học trò làm lễ bái sư. Tử Chất thường chỉ cây đào cây lí đã kết trái dạy học trò rằng:
          - Các con cần phải khắc khổ học tập, giống như hai cây kia ra hoa kết trái. Chỉ có học vấn cao, mới có thể làm nên sự nghiệp lớn cho đất nước.
         Dưới sự chỉ dạy nghiêm khắc của Tử Chất, rất nhiều học trò trở thành rường cột của đất nước. Để ghi nhớ công ơn của thầy, những học trò đó cũng trồng cây đào cây lí trong sân nhà mình.
          Về sau, Tử Chất đi du lịch các nước, gặp được rất nhiều học trò đang làm quan, ông tự hào nói rằng:
          - Học trò của tôi đúng là đào lí đầy khắp cả thiên hạ, người nào cũng có thành tựu.
          Về sau dùng “đào lí” để chỉ học trò.
          Câu “đào lí mãn thiên hạ” xuất xứ từ Tư trị thông giám – Đường kỉ 司治通鉴 - 唐纪:
Thiên hạ đào lí, tất tại công môn hĩ.
天下桃李, 悉在公门.
(Đào lí trong thiên hạ, hết thảy đều xuất phát từ nhà ông)
           Thời Võ Tắc Thiên 武则天, Địch Nhân Kiệt 狄仁杰vị cao quyền trọng, thế là Võ Hậu bèn bảo ông ta tiến cử nhân tài có thể đảm nhiệm công việc. Địch Nhân Kiệt tiến cử mấy chục người như Trương Giản Chi 张柬之, Diêu Sùng 姚崇 ... Những người đó sau này đa số trở thành những danh thần. Có người nói với Địch Nhân Kiệt:
Thiên hạ đào lí, tất tại công môn hĩ.
天下桃李, 悉在公门.
Địch Nhân Kiệt bảo rằng:
. Cử hiền vị quốc, phi vị tư dã.
举贤为国非为私也.
(Tiến cử hiền tài là vì đất nước, chứ không phải vì riêng cá nhân)
          Từ đây chúng ta có thể thấy, “đào lí” khi mới bắt đầu là chỉ “học trò”, sau này chỉ “nhân tài”, có một quá trình phát triển nghĩa của từ. Trong xã hội hiện đại, chúng ta nói “đào lí mãn thiên hạ” thực tế bao hàm cả 2 tầng ý nghĩa nói trên.

                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 14/9/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post