Dịch thuật: Quan chế trung ương (kì 2)

QUAN CHẾ TRUNG ƯƠNG
(kì 2)

          Ngoài Cửu khanh 九卿, còn có Trung uý 中尉nắm giữ việc trị an ở kinh sư (về sau gọi là Chấp kim ngô 执金吾) cùng với Tương tác Thiếu phủ 将作少府nắm giữ việc xây dựng cung thất (về sau gọi là Tương tác đại tượng 将作大匠) v.v...
          Các khanh đều có thuộc quan, ở đây không liệt kê ra hết, chỉ nói rõ thêm thuộc quan Đại phu 大夫 và Lang của Lang trung lệnh 郎中令 (Quang lộc huân 光禄勋) như sau: 
          Đời Hán có Thái trung đại phu 太中大夫, Trung đại phu 中大夫  (Hán Vũ Đế đổi gọi là Quang lộc đại phu 光禄大夫). Đại phu “chưởng luận nghị” 掌论议(giữ việc nghị bàn) “vô thường sự, duy chiếu mệnh sở sử” 无常事唯诏命所使 (không có việc cố định, chỉ được sai khiến khi có chiếu mệnh), có tính chất tán quan 散官đời sau.
          Lang là từ thông xưng gọi quan thị vệ của hoàng đế, có Nghị lang 议郎, Trung lang 中郎, Thị lang 侍郎, Lang trung 郎中. Nghị lang giữ việc cố vấn ứng đối, tương đối đặc thù. Các lang khác đều “chưởng thủ môn hộ” 掌守门户 “xuất sung xa kị” 出充车骑.
          Ngoài ra Hán Vũ Đế còn đặt ra Kì môn期门, Vũ lâm 羽林 làm thuộc quan của Quang lộc huân. Kì môn là thị tùng khi Hán Vũ Đế vi hành (1); Vũ lâm là quan túc vệ (2), đều là Lang, cho nên có tên gọi Kì môn lang期门郎, Vũ lâm lang羽林郎.
          Nói thêm về việc gia quan 加官đời Hán, ở đây ngoài quan chức đã có gia thêm quan chức.
          Gia quan đời Hán có Thị trung 侍中, Cấp sự trung 给事中, Chư lại 诸吏. Gia Thị trung thì có thể xuất nhập cung cấm, trở thành thân tín của hoàng đế. Gia Cấp sự trung thì có thể nắm giữ việc cố vấn ứng đối. Gia Chư lại thì có thể tiến hành giám sát và đàn hặc quan viên cung đình. Đời sau, Thị trung trở thành thủ trưởng của Môn hạ sảnh, Cấp sự trung trở thành thuộc quan của Môn hạ sảnh.
          Gia quan đời Hán còn có Trung thường thị 中常侍và Tán kị 散骑. Trung thường thị hầu hoàng đế ở cấm trung (thời Đông Hán đổi dùng hoạn quan). Tán kị là kị tụng của hoàng đế, giữ việc “hiến khả thế bĩ” 献可替否(dâng lời can ngăn, khuyến thiện sửa lỗi). Thời Tào Nguỵ hợp xưng là Tán kị Thường thị 散骑常侍, cố vấn cho hoàng đế đồng thời giữ việc can gián. Thời Nam Bắc triều, Tán kị Thường thị là trưởng quan của Tập thư sảnh 集书省 (cơ quan thị tụng cố vấn của hoàng đế), đời sau nhập vào Môn hạ sảnh.
          Dưới đây sẽ nói đến lục bộ.
          Thượng thư 尚书vốn là thuộc quan của Thiếu phủ少府 trong Cửu khanh, sau khi phát triển thành Thượng thư đài 尚书台, sự vụ tăng nhiều lên, thế là chia tào để làm việc, mỗi tào đặt 1 Thượng thư, đó là tiền thân của các bộ ở trung ương sau này. Từ thời Đông Hán đến thời Nam Bắc triều, bộ tào vẫn chưa có định chế, đời Tuỳ bắt đầu định ra “lục bộ” 六部 (6 bộ) : Lại , Dân , Lễ , Binh , Hình , Công , thuộc về Thượng thư sảnh. Đời Đường tị huý Thái Tông, đổi bộ Dân thành bộ Hộ . Từ đó về sau các đời nối nhau, chế độ lục bộ được xem là cơ cấu hành chính trung ương về cơ bản không thay đổi.
          Chức trách của lục bộ đại để như sau:
1- Lại bộ 吏部, nắm giữ việc bổ nhiệm bãi miễn quan lại, thẩm tra sắp xếp chức tước, khảo sát thành tích, thăng giáng.
2- Hộ bộ 户部, nắm giữ đất đai, hộ khẩu, phú thuế, tài chính.
3- Lễ bộ 礼步, nắm giữ điển lễ, khoa cử, trường học.
4- Binh bộ 兵部, nắm giữ quân chính trong cả nước.
5- Hình bộ 刑部, nắm giữ hình pháp, ngục tụng.
6- Công bộ 工部, nắm giữ các công trình, kiến trúc, đồn điền, thuỷ lợi.
          Thủ trưởng các bộ gọi là Thượng thư 尚书, Phó thủ trưởng gọi là Thị lang 侍郎 (3). Dưới bộ thiết lập ti, thủ trưởng của ti gọi là Lang trung 郎中, Phó thủ trưởng gọi là Viên ngoại lang 员外郎. Thuộc quan có Đô sự 都事, Chủ sự 主事.
          Lục bộ phỏng theo Lục quan trong Chu lễ 周礼, bảng đối chiếu như sau:


Lục bộ Thượng thư
六部尚书
Chu lễ” Lục quan
周礼六官
Lại bộ Thượng thư
吏部尚书
Thiên quan Đại tể (Trủng tể) (4)
天官大宰 (冢宰)
Hộ bộ Thượng thư
户部尚书
Địa quan Đại tư đồ
地官大司徒
Lễ bộ Thượng thư
礼部尚书
Xuân quan Đại tông bá
春官大宗伯
Binh bộ Thượng thư
兵部尚书
Hạ quan Đại tư mã
夏官大司马
Hình bộ Thượng thư
刑部尚书
Thu quan Đại tư khấu
秋官大司寇
Công bộ Thượng thư
工部尚书
Đông quan Đại tư không (5)
冬官大司空

          Đời sau lấy Lục quan trong Chu lễ gọi thay Lục bộ Thượng thư, như Hộ bộ Thượng thư gọi là Đại tư đồ, Lễ bộ Thượng thư gọi là Đại tông bá (6).
          Lục bộ thành lập, chức quyền của các khanh nhỏ lại, có khanh do bởi chức vụ nhập vào bộ ti có liên quan, nên về sau bãi bỏ.    (còn tiếp)

Chú của nguyên tác
1- Hán thư – Bách quan công khanh biểu 汉书 - 百官公卿表chú dẫn lời của Phục Kiền 服虔:
          Dữ kì môn hạ dĩ vi hành, hậu toại dĩ vi quan.
          与期门下以微行, 后遂以微官.
          (Hẹn cùng môn hạ vi hành, sau bèn lấy làm chức quan)
          Vương Tiên Khiêm 王先谦nói rằng:
          Kì chư điện môn, cố hữu Kì môn chi hiệu.
          期诸殿门, 故有期门之号.
          (Hẹn ở điện môn, nên có hiệu là Kì môn)
2- Hán thư – Bách quan công khanh biểu 汉书 - 百官公卿表  Nhan Sư Cổ 颜师古chú:
          “Vũ Lâm diệc Túc vệ chi quan, ngôn kì như vũ chi tật, như lâm chi đa dã.
          羽林亦宿卫之官, 言其如羽之疾, 如林之多也.
          (Vũ lâm cũng là quan Túc vệ, ý nói nhanh như cánh chim, nhiều như rừng)
          Một thuyết khác cho rằng, vũ là vây cánh của vương.”
3- Thời Tuỳ Đường, mỗi bộ phận phân làm 4 ti, ti thứ 1 lấy nguyên tên của bản bộ, “tá kì trưởng nhi hành chính lệnh” 佐其长而行政令 (giúp trưởng thi hành chính lệnh), 3 ti còn lại mỗi ti lấy chức vụ mình nắm giữ mà gọi tên. Ví dụ Lại bộ thời Đường, ti thứ 1 vẫn xưng Lại bộ, 3 ti còn lại là Ti phong 司封, Ti huân 司勋, Khảo công 考功. Đời sau bộ ti có sự điều chỉnh, danh xưng khác nhau.
4- Đỗ Hựu 杜佑  trong Thông điển 通典quyển 23 Chức quan 职官5 có nói:
          Nhược tham tường cổ kim, trưng khảo chức nhậm, tắc Thiên quan đại tể đáng vi Thượng thư lệnh, phi Lại bộ chi nhậm. Kim Lại bộ chi thuỷ, nghi xuất Hạ quan chi tư thổ.
          若参详古今, 征考职任, 则天官大宰当为尚书令, 非吏部之任. 今吏部之始, 宜出夏官之司土.
          (Nếu tham khảo kĩ cổ kim, trưng khảo chức vụ đảm nhậm, thì Thiên quan đại tể phải là Thượng thư lệnh, không phải chức nhậm của Lại bộ. Khởi đầu của Lại bộ ngày nay, xuất phát từ Ti thổ của Hạ quan hợp hơn)
5- Chu lễ - Đông quan – Tư không 周礼 - 冬官 - 司空  bị mất từ sớm. Về sau Khảo công kí 考工记 bổ sung vào, không đủ để xem là Đông quan – Tư không 冬官 - 司空.
6- Nhưng Lại bộ Thượng thư lại xưng là Trủng tể. Đời Thanh Hộ bộ nắm giữ vận chuyển lương thực, thuế ruộng, cho nên Hộ bộ Thượng thư là Đại tư nông.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 21/9/2018

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2012
Previous Post Next Post