Dịch thuật: Lí Băng và Đô Giang yển

LÍ BĂNG VÀ ĐÔ GIANG YỂN

          Lí Băng 李冰 là chuyên gia thuỷ lợi nổi tiếng của nước Tần thời Chiến Quốc. Lí Băng dựa vào nghiên cứu thiên văn, địa lí, tuân theo quy luật tự nhiên, phát huy tài trí thông minh, xây dựng nên Đô Giang yển 都江堰 (đập Đô Giang) – công trình thuỷ lợi nổi tiếng thế giới. Lí Băng không chỉ tạo phúc cho nông nghiệp địa phương, đặt nền móng kinh tế để nước Tần quật khởi, mà còn là người đi tiên phong khai sáng công trình thuỷ lợi của Trung Quốc.

          Năm 259 trước công nguyên, Lí Băng 李冰đến Thục quận 蜀郡 (nay là Thành Đô 成都  Tứ Xuyên 四川) nhậm chức Quận thú. Ông phát hiện phía tây của Thục quận thường bị thuỷ tai, phía đông lại luôn khô hạn thiếu nước. Nguyên do là Mân giang 岷江phát nguyên từ phía bắc bình nguyên Thành Đô đã nhiều năm không được trị lí, thường phá huỷ đê điều, nước dâng tràn thành tai hoạ. Còn Ngọc Luỹ sơn 玉垒山 ở phía tây nam Quán huyện 灌县 đã cản trở nước sông chảy về đông, gây nên hiện tượng phía đông thì khô hạn, phía tây thì lụt lội.
          Lí Băng và hai người con đến Mân giang tiến hành khảo sát, đề xuất phương án trị thuỷ táo bạo, đó là ngay tại Ngọc Luỹ sơn mà đã ngăn chặn giòng Mân giang mở một cửa khẩu lớn, nơi giữa sông phía trước núi xây một chiếc đập, chia nước sông chảy đến phía đông bị khô hạn nghiêm trọng. Ý tưởng của Lí Băng được người dân ủng hộ, họ tích cực tham gia công trình trị thuỷ.
          Khi đục Ngọc Luỹ sơn, do bởi đá rất cứng nên tiến độ đục rất chậm, người thì mệt mỏi, công cụ thì hư hao nghiêm trọng. Về sau, có người phát minh ra phương pháp thiêu đốt đá, tốc độ đục rõ ràng đã tăng nhanh.
          Vất vả lắm mới giải quyết được vấn đề khi đục núi gặp phải, chưa từng nghĩ đến khi xây đập lại xuất hiện tình huống khác. Theo ý tưởng của Lí Băng là muốn xây một chiếc đập chia nước, nhưng vừa mới dùng đã cuội chất thành đập, khi giòng nước lớn tuôn đến đã phá sập. Làm thế nào có thể khiến đập chắc chắn không bị sụp đổ? Lí Băng lao tâm khổ tứ tìm biện pháp, suy nghĩ mãi mà vẫn chưa nghĩ ra.
          Một ngày nọ, Lí Băng đi dạo bên sông, nhìn thấy mấy cô gái đang giặt áo bên sông, họ đựng đầy quần áo cần giặt vào một chiếc sọt tre rồi ngâm giữa giòng nước. Nước sông chảy xiết, cũng không làm trôi chiếc sọt. Lí Băng chăm chú nhìn chiếc sọt, một lúc sau trong lòng vô cùng vui mừng. Ông đã nghĩ ra phương pháp xây đập.
          Lí Băng vội sai người đan sọt tre, trải qua nhiều lần thử nghiệm, kích thước của sọt tre dài đến 3 trượng, rộng 2 xích. Chiếc sọt tre lớn này đựng đầy đá cuội, nặng lên đến trên ngàn vạn cân, nước sông chảy có xiết cũng không chuyển động được nó.
          Trải qua sự nỗ lực kiên trì không mệt mỏi, công trình thuỷ lợi Đô Giang yển hoàn thành. Có được Đô Giang yển, bình nguyên Thành Đô giảm thiểu được nạn khô hạn và lụt lội, lương thực ngày một nhiều lên, một vùng đất mênh mông ngàn dặm trở thành kho lương thực.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 03/9/2018

Nguyên tác Trung văn
LÍ BĂNG HOÀ ĐÔ GIANG YỂN
李冰和都江堰
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015
Previous Post Next Post