Dịch thuật: Bộ "Mặc Tử" - Hòn đá tảng của Mặc học (kì 3)

BỘ “MẶC TỬ” –  HÒN ĐÁ TẢNG CỦA MẶC HỌC
(kì 3)

          Trong tư tưởng của Mặc Tử, “phi mệnh” là đặc biệt đáng quý. Nho gia cho rằng “tử sinh do mệnh, phú quý tại thiên” 死生由命, 富贵在天, đều cho phú và quý, thọ và yểu là “thiên mệnh”, điều đó rất cần thiết đối với việc bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Còn đối với bách tính mà nói, nếu cũng cho sinh tử phú quý là do thiên mệnh, thì vĩnh viễn không thể thay đổi được tình cảnh đau thương bị áp bức bóc lột. “Phi mệnh” của Mặc gia đã vạch trần chân lí khách quan sinh tử phú quý hoàn toàn không phải do mệnh định sẵn, không nghi ngờ gì đây là một nhân sinh quan chính xác. Nếu tin tất cả đều do mệnh định sẵn, thế thì:
          Thượng bất thính trị, hạ bất tùng sự. Thượng bất thính trị, tắc hình chính loạn. Hạ bất tùng sự, tắc tài dụng bất túc. ..... Dục thiên hạ chi trị nhi ố kì loạn, chấp hữu mệnh giả chi ngôn, bất khả bất phi. (1)
          上不听治, 下不从事. 上不听治, 则刑政乱. 下不从事, 则财用不足. ..... 欲天下之治而恶其乱, 执有命者之言, 不可不非. (1)
          (Kẻ bề trên không chịu chăm chỉ xử lí việc công, thì bách tính ở dưới cũng không chịu chăm chỉ làm việc. Kẻ bề trên không chịu chăm chỉ xử lí việc công, thì chế độ sẽ hỗn loạn. Bách tính ở dưới không chịu chăm chỉ làm việc, thì tài vật để dùng sẽ thiếu thốn. ..... Nếu muốn thiên hạ được trị tránh xa hỗn loạn, mà cứ chấp vào mệnh để luận định, thì không thể không phản bác.)
          Cho rằng luận định về “mệnh”, là “thiên hạ  chi đại hại”. Đồng thời, Mặc Tử chỉ ra luận định về “mệnh” là do kẻ thống trị tàn bạo nguỵ tạo ra để làm ngu muội bách tính, hoàn toàn không phải là những lời tốt đẹp của người nhân người hiền. Ông yêu cầu mọi người không nên tin vào “mệnh”. Nhưng không tin vào mệnh thì làm thế nào để có thể thay đổi được địa vị nghèo hèn? Điều đó tất phải thông qua hành động thực tế của mình. Tại sao nông dân:
          Tảo (tảo) xuất mộ nhập, cường hồ canh giá thụ nghệ, đa tụ thúc túc, nhi bất cảm đãi quyện giả.
() 出暮入, 强乎耕稼树艺, 多聚叔粟, 而不敢怠倦者.
          (Sáng sớm ra đi chiều tối mới về, cố cày cấy trồng trọt, để có nhiều thóc đậu, mà không dám lười nhác.)
Đó là bởi vì họ nhận thức được rằng:
Cường tất phú, bất cường tất bần; cường tất bão, bất cường tất cơ.
强必富, 不强必贫; 强必饱, 不强必饥.
          (Cố gắng cày cấy trồng trọt sẽ giàu có, không cố gắng sẽ nghèo; cố gắng sẽ no đủ, không cố gắng sẽ bị đói.)
Phụ nữ sở dĩ chăm chỉ dệt vải cũng là bởi vì họ nhận thức được rằng:
Cường tất noãn (noãn), bất cường tất hàn. (2)
强必煖 (), 不强必寒.(2)
(Chăm chỉ dệt vải sẽ được ấm, không chăm làm sẽ bị lạnh.)
          Rất rõ ràng, Mặc Tử nhấn mạnh thông qua lao động chăm chỉ của cá nhân và những cố gắng thay đổi hoàn cảnh bất lợi, tự mình nắm lấy vận mệnh của mình. Vào thời đại “thiên mệnh” luận thịnh hành, có chủ trương “phi mệnh” là đáng quý, mặc dù Mặc Tử không rõ người trong thiên hạ sở dĩ có sự sai biệt phú quý, bần tiện, vinh nhục là có căn nguyên xã hội và giai cấp, đơn thuần chỉ dựa vào sự cần cù lao động của cá nhân thì không thể thay đổi được địa vị nghèo hèn của cả giai cấp lao động. Nhưng, cần phải thấy đề xuất của luận đề “phi mệnh”, ít nhất nó cũng có ý nghĩa tích cực đối với nhân sinh xã hội.
          Và còn cần phải thấy, Mặc Tử đề xướng tiết kiệm và “tiết táng” 节葬(tiết kiệm lúc tống táng), là một phẩm đức tư tưởng rất có ý nghĩa xã hội. Ông cho rằng:
Tiết kiệm tắc xương, dâm dật tắc vong . (3)
节俭则昌, 淫佚则亡. (3)
          Điều này đã được hậu thế nghiệm chứng chân lí. Tuy ông yêu cầu kẻ thống trị “tiết dụng” là không hiện thực, nhưng đối với bách tính thiên hạ mà nói, cần kiệm tiết ước là một mĩ đức. Từ nguyên tắc tiết dụng mà đề xuất “tiết táng”, cho rằng “hậu táng cửu tang” 厚葬久丧 (chôn cất rườm rà, để tang lâu ngày) là “phi nhân, phi nghĩa, phi hiếu tử chi sự” 非人, 非义, 非孝子之事, nếu thực hành chế độ hậu táng cửu tang, thì:
Quốc gia tất bần, nhân dân tất quả, hình chính tất loạn (4).
国家必贫, 人民必寡, 刑政必乱(4).
(Đất nước tất sẽ nghèo, nhân dân sẽ ít, hình chính sẽ hỗn loạn.)
          Đương nhiên, một số tư tưởng trong thiên “Phi nhạc” và “Minh quỷ” là tiêu cực và không lành mạnh. (Hết)

Chú của nguyên tác
1- Mặc Tử - Phi mệnh 墨子 - 非命 (thượng)
2- Mặc Tử - Phi mệnh 墨子 - 非命 (hạ)
3- Mặc Tử - Từ quá 墨子 - 辞过
4- Mặc Tử - Tiết táng 墨子 - 节葬 (hạ)

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 07/9/2018

Nguồn
VĨNH BẤT THẤT LẠC ĐÍCH VĂN MINH
永不失落的文明
Tác giả: Lí Thiệu Liên 李绍连
Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post