Dịch thuật: Bộ "Mặc Tử" - Hòn đá tảng của Mặc học (kì 2)

BỘ “MẶC TỬ” –  HÒN ĐÁ TẢNG CỦA MẶC HỌC
(kì 2)

          “Thượng hiền” 尚贤là một chủ trương cải cách chính trị tính cực. Chủ trương “thượng hiền” của Mặc Tử được đề xuất trên cơ sở “quan vô thường quý, nhi dân vô chung tiện” 官无常贵, 而民无终贱 (quan không nhất định mãi luôn cao quý, bách tính không nhất định mãi luôn nghèo hèn), khác về bản chất với chủ trương “cử hiền tài” 举贤才 của Khổng Tử. “Thượng hiền” của của Mặc Tử là cần tiến cử người có tài có đức. Đối với những người làm chính trị, ông chủ trương:
          Hữu năng tắc cử chi, vô năng tắc há chi. Cử công nghĩa, tịch tư oán, thử nhược ngôn chi vị dã (1).
          有能则举之, 无能则下之. 举公义, 辟私怨, 此若言之谓也 (1).
          (Người có năng lực thì cất nhắc sử dụng, người không có năng lực thì bãi truất đi. Điều mà gọi là “cử công nghĩa, tịch tư oán” chính là ý này.)
          Mặc Tử đặc biệt nhấn mạnh, tiến cử hiền tài, không nên căn cứ vào sự phân chia giai cấp, chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất, đó là xem người đó có tài hay không có tài. Ông bảo rằng:
          Cổ giả thánh vương chi vi chính, liệt đức nhi thượng hiền. Tuy tại nông dữ công tứ chi nhân, hữu năng tắc cử chi. (*)
          古者圣王之为政, 列德而尚贤. 虽在农与工肆之人, 有能则举之(*).
          (Bậc thánh vương thời cổ khi xử lí chính sự, nhậm dụng người có đức và tôn trọng người có tài. Tuy xuất thân là nông dân, công nhân hoặc thương nhân, nếu người đó có tài năng thì cất nhắc nhậm dụng.)
          Như vậy mới có thể đả phá cục diện chuyên chính quý tộc thống nhất quyền bính. Những người hiền năng trong giới nông công có thể tham chính đương nhiên là một việc tốt. Nhưng tài năng như thế nào mới được “thượng hiền”, để lợi dụng hết mức hiền tài trị lí đất nước? Mặc Tử cho rằng, vị quân chủ chủ yếu cần phải trao cho người hiền tài được tiến cử 3 sự đãi ngộ:
Cao dữ chi tước, trọng dữ chi lộc, nhậm dữ chi sự, đoán dữ chi lệnh. (**)
高予之爵, 重予之禄, 任以之事, 断予之令. (**)
          (Ban tước vị cao, cấp bổng lộc nhiều, trao cho nhiệm vụ, trao quyền quyết đoán.)
Tức tước vị cao (danh phận), bổng lộc nhiều, quyền lực lớn. Tại sao phải trao cho 3 điều như thế? Mặc Tử bảo rằng:
          Tước vị bất cao, tắc dân bất kính; súc lộc bất hậu, tắc dân bất tín; chính lệnh bất đoán, tắc dân bất uý. Cử tam giả thụ chi hiền giả, phi vị hiền tứ dã, dục kì sự chi thành.(***)
          爵位不高, 则民不敬; 蓄禄不厚, 则民不信; 政令不断, 则民不畏. 举三者授之贤者, 非为贤赐也, 欲其事之成. (***)
          (Tước vị không cao thì dân không kính; bổng lộc không nhiều thì dân không tin; chính lệnh không quyết đoán thì dân không sợ. Trao cho người hiền  năng 3 điều này, không phải vì lợi ích của bản thân họ, mà là muốn cho sự nghiệp được thành.)
          Ban cho người hiền sự đãi ngộ cao, hoàn toàn không phải là một loại ân điển đối với họ, mà là để họ có thể làm tốt công việc hơn, chân chính phát huy tài cán của họ. Ngoài ra, Mặc Tử cho rằng “thượng hiền” là “vi chính chi bản” 为政之本 (cái gốc làm chính sự). Nếu người hiền không làm chính sự, không ở bên cạnh vương công đại nhân, thì kẻ bất tiếu sẽ ở bên cạnh, như vậy thưởng phạt sẽ không thích đáng, mà thưởng phạt không thích đáng lại khiến người hiền không chuyên cần, người ác bạo hành không kiêng kị, xã hội tất loạn khó trị, dẫn đến đất nước lúng túng, xã tắc nghiêng ngã. Cho nên, “thượng hiền là cái gốc làm chính sự”, thượng hiền có lợi đối với bách tính và quốc gia. Mặc dù chủ trương chính trị “thượng hiền” của Mặc Tử đương thời không thể thực hiện, nhưng nó được xem như tư tưởng chính trị “nhậm hiền sử năng” 任贤使能(nhậm dụng người hiền, sử dụng người có tài năng), nó có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội hậu thế là điều không thể nghi ngờ.
          “Thượng đồng” 尚同và “thượng hiền” 尚贤, có thể nói cặp chủ trương chính trị song sinh. Chủ trương chính trị của “thượng đồng” là tuyển chọn:
Thiên hạ chi hiền khả giả, lập vi thiên tử. (****)
天下之贤可者, 立为天子. (****)
(Người hiền năng trong thiên hạ, lập làm thiên tử.)
Thiên tử lại chọn người hiền năng nhậm dụng làm Tam công, và quan viên các cấp cũng do người có tài cán đảm nhiệm, kiến lập một chính quyền thống nhất “thượng đồng”. Trong một đất nước “thượng đồng” lí tưởng, thiên tử (cũng còn xưng là “quốc quân”) thường phát bố công cáo để người trong thiên hạ biết, phàm phát hiện người có lòng muốn làm lợi cho đất nước, hoặc phát hiện kẻ ác làm hại đất nước, đều phải báo cáo. Để thiên tử ban thưởng cho người thiện, trừng phạt kẻ ác. Đồng thời, thiên tử cần lấy tư tưởng “nhất đồng thiên hạ” 一同天下, còn thiên hạ bách tính cũng đều “thượng đồng thiên tử” 上同天子, tức lấy:
Quốc quân chi sở thị, tất diệc thị chi, quốc quân chi sở phi, tất diệc phi chi (2).
国君之所是, 必亦是之, 国君之所非, 必亦非之(2).
          (Những gì quốc quân cho là đúng thì mọi người tất cũng cho là đúng, những gì quốc quân cho là sai thì mọi người tất cũng cho là sai.)
          Như vậy, trên dưới có ý chí tư tưởng đồng nhất, đất nước tất nhiên sẽ được trị lí tốt. Rất rõ ràng, chủ trương “thượng đồng” của Mặc Tử chính là cần kiến lập một chính quyền quốc gia do một người hiền năng chấp chính; hơn nữa chính quyền này, trên đến thiên tử dưới đến bách tính đều cần phải có ý chí tư tưởng thống nhất. Tuy nhiên Mặc Tử cũng định thiết trí một “chính trưởng” 正长(vị trưởng quan hành chính) tài giỏi, “duy nhi thẩm dĩ thượng đồng” 唯而审以尚同(có khả năng thẩm định tuyển chọn người hiền), để có được “thượng hạ tình thỉnh vi thông” 上下情请为通 (ý kiến trên dưới được câu thông), nhưng cũng rất khó nói là phù hợp với nguyện vọng của người trong thiên hạ, hơn nữa dưới chế độ xã hội đương thời, chính trị hiền nhân là không thể thực hiện.  (còn tiếp)

Chú của nguyên tác
1- Mặc Tử - Thượng hiền 墨子 - 尚贤 (thượng)
2- Mặc Tử - Thượng hiền 墨子 - 尚贤 (trung)

Chú của người dịch
* - ** - *** - Mặc Tử - Thượng hiền 墨子 - 尚贤 (thượng)
****- Mặc Tử - Thượng đồng 墨子 - 尚同 (thượng)

                                                          Huỳnh Chương Hưng
                                                          Quy Nhơn 06/9/2018

Nguồn
VĨNH BẤT THẤT LẠC ĐÍCH VĂN MINH
永不失落的文明
Tác giả: Lí Thiệu Liên 李绍连
Thượng Hải, Học Lâm xuất bản xã, 1999.
Previous Post Next Post