Dịch thuật: Bá Di, Thúc Tề chết đói ở núi Thú Dương. Đáng tin chăng (kì 2)

BÁ DI, THÚC TỀ CHẾT ĐÓI Ở NÚI THÚ DƯƠNG
ĐÁNG TIN CHĂNG
(kì 2)

Chất nghi thứ 3
Lí giải như thế nào việc không ăn thóc nhà Chu?
          Đầu tiên thử nói lai lịch câu chuyện “bất thực Chu túc” 不食周粟  (không ăn thóc nhà Chu).
          Trong Hàn Phi Tử - Gian kiếp 韩非子 - 奸劫 có nói, sau khi Bá Di, Thúc Tề đến đất Chu, “Vũ Vương nhượng thiên hạ” 武王让天下 (Vũ Vương nhường cho thiên hạ), nhưng Bá Di, Thúc Tề không chịu. Trong Trang Tử - Nhượng vương 庄子 - 让王cũng có nói, Vũ Vương phái Chu Công tiếp đãi Bá Di và Thúc Tề - hai vị khách quý hiền đức từ xa đến, Chu Công tỏ ý muốn “gia phú nhị đẳng, tựu quan nhất liệt” 加富二等, 就官一列 (Ban bổng lộc 2 cấp, làm quan cao nhất đẳng.) Hai người nhìn nhau cười, nói với Chu Công một hồi, đại ý là: quan cao lộc nhiều không phải thứ mà họ truy cầu, lấy bạo lực thay bạo lực cũng không phải là cục diện mà họ muốn thấy, cho nên họ chuẩn bị ra đi, giữ thân trong sạch. Từ điển tịch của 2 thiên có thể nhìn thấy, Bá Di, Thúc Tề đến đất Chu, nhận được sự tiếp đãi nhiệt tình của Vũ Vương, Vũ Vương muốn lôi kéo họ gia nhập liên minh phạt Trụ, nhưng hai người đã khéo léo từ chối “li khai” 离开 (ra đi), chú ý – “li khai”, hoàn toàn không phải quyết liệt đến mức tuyệt thực. Nhưng trong Sử kí, lại là “Vũ Vương dĩ bình Ân loạn, thiên hạ tông Chu, nhi Bá Di Thúc Tề sỉ chi, nghĩa bất thực Chu túc” 武王已平殷乱, 天下宗周, 而伯夷叔齐耻之, 义不食周粟. (Vũ Vương dẹp xong loạn nhà Ân, thiên hạ theo về nhà Chu, Bá Di Thúc Tề cảm thấy xấu hổ về việc đó, để giữ nghĩa nên không ăn thóc nhà Chu)   đến núi Thú Dương nhịn đói mà chết.
          Chuyên trứ văn tự học cổ đại là Nhĩ nhã 尔雅có thích nghĩa:
Túc, bổng lộc.
, 俸禄
(Túc là bổng lộc.)
Lí Đức Dụ 李德裕 đời Đường khi viết Di Tề luận 夷齐论đã giải thuyết rõ ràng:
Sở vị Chu túc giả, Chu Vương sở phú nhân chi bổng dã.
所谓周粟者, 周王所赋人之俸也
(Gọi là thóc nhà Chu đó là bổng lộc mà Chu Vương cấp cho người)
Đối mặt với việc Chu Công ban thưởng hậu hĩ “gia phú nhị đẳng, tựu quan nhất liệt”, Bá Di Thúc Tề không chịu. “Sỉ thực Chu túc” 耻食周粟phải đặt trong tình huống này để lí giải, chính là nói, “túc” ở đây không phải chỉ thóc gạo, lương thực, mà là chỉ bổng lộc của quan viên; “thực” ở đây cũng không phải là “ăn” mà là hưởng dụng. Cho nên “sỉ thực Chu túc” ý là “xấu hổ hưởng dụng bổng lộc Chu Vương cấp cho”. Nhân vì Bá Di Thúc Tề vốn là con của quốc quân Cô Trúc, nếu hưởng dụng bổng lộc nhà Chu, thì có lỗi với nguyện ước ban đầu, xấu hổ với cố quốc, cho nên kiên quyết không nhận, phẩm tiết của họ quả thực thuần chính cao thượng.
          Hán tự có đặc điểm là một chữ có nhiều nghĩa, giữa các nét nghĩa với nhau có sự sai biệt lớn. Bá Di, Thúc Tề chỉ là không muốn làm quan nhà Chu để lãnh lương của “người làm công vụ”, chứ hoàn toàn không nói là không ăn cơm, huống hồ thời đại của triều Thương vẫn chưa xác lập lí niệm cương thường “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ” 普天之下, 莫非王土(Khắp dưới gầm trời này, không nơi nào không phải lầ đất của vương), thiên hạ là của mọi người. Điều này có thể thấy từ bài dân ca thời cổ:
Nhật xuất nhi tác,
Nhật nhập nhi tức,
Đế lực dữ ngã hà hữu tai!
日出而作,
日入而息,
帝力与我何有哉!
(Mặt trời mọc đi làm,
Mặt trời lặn về nghỉ,
Quyền lực đế vương có gì mà ta phải ham muốn.) (1)
Nếu ta dùng tư duy của người thời nay, vọng văn sinh nghĩa, quả thực sẽ hại chết người ta.

Chất nghi thứ 4
Có đúng là chết đói trên núi?
          Hai vị đã “xấu hổ ăn thóc gạo của triều Chu”, thế thì hái rau vi ăn đi: tiếp đó lại xuất hiện một vị đại tẩu, nói rau rừng cũng là mọc trên đất nhà Chu thuộc Chu Vương. – Tư Mã Công à! Đây là tiết tấu đuổi tận giết sạch của ông! Thế thì cũng đành không ăn, thế là chịu “chết đói ở núi Thú Dương” rồi. Đây là logique trong Sử kí.
          Chúng tôi nhìn thấy không nhẫn được, hỏi đại tẩu một câu:
          - Bà đã nghiêm túc kính cẩn như thế, xin hỏi, khi bà hái rau rừng có phải nộp chút thuế cho vương triều Chu mới hưng khởi không?
          Nhà nghiên cứu văn hoá Tây Chu Nguỵ Hành 魏行 chỉ ra rằng: cũng như vậy, chuyện “chết đói ở núi Thú Dương” và những ghi chép trong các điển tịch khác tương đối khập khiễng. Thiên Quý thị 季氏trong Luận ngữ 论语 nhắc đến Bá Di, Thúc Tề sớm nhất có nói:
          Tề Cảnh Công hữu mã thiên tứ, tử chi nhật, dân vô đức nhi xưng yên. Bá Di Thúc Tề ngạ vu Thú Dương chi hạ, dân đáo vu kim xưng chi.
          齐景公有马千驷, 死之日, 民无德而称焉. 伯夷叔齐饿于首阳之下, 民到于今称之.
          (Tề Cảnh Công có cả ngàn cỗ xe tứ mã, lúc mất, dân không khen là có đức. Bá Di, Thúc Tề đói dưới núi Thú Dương, đến nay dân vẫn còn khen.)
Chỉ cần nghiễn ngẫm đoạn văn này, có thể thấy ý của cụm “ngạ vu Thú Dương” 饿于首阳  hoàn toàn không phải là “ngạ tử” 饿死 (chết đói) mà là chỉ cuộc sống ẩn sĩ nghèo khổ khốn khó ở núi Thú Dương, nhằm để đối lập với cuộc sống hào hoa của Tề Cảnh Công. Trong Lã Thị Xuân Thu – Thành liêm 吕氏春秋 - 诚廉 cũng có nói “nhị nhân bắc hành, chí Thú Dương chi hạ nhi ngạ yên” 二人北行, 至首阳之下而饿焉 (hai người đi về phía bắc, đến dưới núi Thú Dương chịu đói), đều không đề cập chết đói. 
          Bá Di, Thúc Tề rốt cuộc có chết đói không? Cá nhân tôi cho rằng, Luận ngữLã Thị Xuân Thu thành sách tương đối sớm hơn Sử kí, hiển nhiên Luận ngữ càng tiếp cận với hiện thực; hơn nữa thông qua mấy điểm chất nghi ở trên, quả thực cũng tìm không ra lí do họ nhịn đói mà chết. Họ cần phải phiêu bạc, du lịch khắp nơi, sống một cuộc sống ẩn cư không tranh với thế tục. Phàm những nơi nào họ đi qua, người đời sau đều gọi đó là “Thú Dương sơn”. Thú Dương sơn đã biến thành một phù hiệu văn hoá, không chỗ nào không có; còn núi Thú Dương chân chính, trong Trang Tử - Tạp thiên – Nhượng vương 庄子 - 杂篇 - 让王 là phương vị mà chúng tôi đại để điểm ra:
Bá Di, Thúc Tề chí vu Kì Dương ..... nhị tử bắc chí vu Thú Dương sơn.
伯夷, 叔齐至于岐阳 ..... 二子北至于首阳山.
(Bá Di, Thúc Tề đến Kì Dương ..... hai người đi về phía bắc đến núi Thú Dương)
          Núi Thú Dương – tại phía bắc Kì Dương 岐阳 (nay tại thôn Tây Ổ 西坞   trấn Kinh Đương 京当huyện Kì Sơn 岐山 có một ngọn núi Thú Dương).

Chất nghi thứ 5
“Thái vi ca” có phải là do Bá Di, Thúc Tề sáng tác?
Đăng bỉ tây sơn hề, thái kì vi hĩ.
Dĩ bạo dịch bạo hề, bất tri kì phi hĩ.
Thần Nông, Ngu, Hạ hốt yên một hề, ngã an thích quy hĩ?
Hu (2) ta tồ hề, mệnh chi suy hĩ.
登彼西山兮, 采其薇矣.
以暴易暴兮, 不知其非矣.
神农虞夏忽焉没兮, 我安适归矣?
(2) 嗟徂兮, 命之衰矣.
Lên núi tây kia, hái rau vi
Lấy bạo ngược thay bạo ngược, không biết rằng đó là sai.
Thần Nông, Ngu, Hạ bỗng chốc đã đi mất, ta đi về đâu?
Than ôi chắc đi xuống suối vàng, mệnh đã suy rồi.
          Bài Thái vi ca 采薇歌này xuất xứ từ trong Sử kí – Bá Di liệt truyện 史记伯夷列传, thuật lại tình cảm oán giận của hai người trong lúc thoi thóp với chút hơi tàn, tác giả là Bá Di, Thúc Tề.
Nguỵ Hành 魏行chất nghi rằng: Thái vi ca rất nổi tiếng, được truyền tụng rất rộng, tôi lấy làm lạ, đó là Khổng Tử vô cùng tôn sùng Bá Di, Thúc Tề, tại sao không đưa bài tuyệt xướng này của họ vào Thi Kinh 诗经? Mà mãi đến mấy trăm năm sau, Sử kí mới lần đầu tiên công bố? Hơn nữa, trong bài ca bộc lộ khẩu khí oán hận, cũng không hợp với phẩm chất tính cách “bất niệm cựu ác, oán thị dụng hi” 不念旧恶, 怨是用希 (không nhớ đến thù cũ của người ta, vì thế oán hận của người ta đối với hai người cũng ít đi) mà Khổng Tử ca ngợi họ, chưa hẳn là tác phẩm do họ sáng tác.
          Đường Hướng Vinh 唐向荣thì lại từ hình thức ca từ đề xuất chất nghi. Dân ca phương bắc thời Xuân Thu, nhìn chung là câu 2 chữ, câu 3 chữ, câu 4 chữ, thủ pháp chất phác, cú thức ngắn gọn. Bá Di, Thúc Tề trước thời Xuân Thu cả ngàn năm, không thể làm ra ca từ câu dài, nhất xướng tam thán, uyển chuyển du dương như thế. Thứ nữa, dùng chữ “hề” làm từ ngữ khí là đặc trưng của dân ca vùng Ba Sở 巴楚 thời cổ, Khuất Nguyên đời sau dùng rất nhiều, nhưng khác với tập quán ngữ khí của dân ca phương bắc. Cho nên họ cho rằng, Thái vi ca là sau Bá Di và Thúc Tề rất lâu, từ phía nam trung châu hoặc người Ba Sở làm ra nguỵ thác Di Tề, không thể là tác phẩm mà người thời Di Tề hát. (Hết)

Chú của người dịch
1- Ba câu này trong bài Kích nhưỡng ca 击壤歌thời Tiên Tần. Toàn bài như sau:  
Nhật xuất nhi tác,
Nhật nhập nhi tức.
Tạc tỉnh nhi ẩm,
Canh điền nhi thực.
Đế lực dữ ngã hà hữu tai!
日出而作,
日入而息.
凿井而饮,
耕田而食.
帝力与我何有哉!
(Mặt trời mọc đi làm,
Mặt trời lặn về nghỉ.
Đào giếng lấy nước mà uống,
Cày ruộng lấy thóc mà ăn
Sống ung dung tự tại như thế, quyền lực đế vương có gì mà phải ham muốn.)
2- Trong nguyên tác, ở đây in nhầm là chữ (dữ).

                                                                 Huỳnh Chương Hưng
                                                                 Quy nhơn  13/9/2018

Nguồn
Previous Post Next Post