Dịch thuật: Học hội cảm ân, nhất sinh vô hám (Thái căn đàm)


学会感恩  一生无憾
    受人之恩, 虽深不报, 怨则浅亦报之; 闻人之恶, 虽隐不疑, 善则显亦疑之. 此刻之极, 薄之尤也, 宜切戒之.
                                                                        (菜根谭 - 立德修身)

HỌC HỘI CẢM ÂN  NHẤT SINH VÔ HÁM
          Thụ nhân chi ân, tuy thâm bất báo, oán tắc thiển diệc báo chi; văn nhân chi ác, tuy ẩn bất nghi, thiện tắc hiển diệc nghi chi. Thử khắc chi cực, bạc chi vưu dã, nghi thiết giới chi.
                                              (Thái căn đàm – Lập đức tu thân)

HỌC CÁCH CÁM ƠN    CẢ ĐỜI KHÔNG ÂN HẬN
         Chịu ơn của người, tuy sâu nặng nhưng không đền đáp, còn vì một chút oán hận lại đi báo thù; nghe được chuyện xấu của người, tuy không rõ cũng không hề nghi ngờ, còn chuyện tốt của người tuy đã biết rõ lại có thái độ hoài nghi. Hành vi đó cực khắc nghiệt, cực vô tâm, nhất định phải tránh.

Giải thích và phân tích
          Ơn nhỏ như giọt nước nhưng báo đáp nhiều như suối, đó chính là mĩ đức mà người Trung Quốc xưa nay luôn sùng thượng. Nhưng có hạng người chịu ân huệ rất lớn của người khác đã không biết đáp đền, mà còn vì một chút oán thù lại đi báo phục, hành vi vong ân đó có thể gọi là cực khắc nghiệt, cực vô tâm. Con người cần phải biết học cách cám ơn, ân huệ mà người khác giúp mình cho dù nhỏ không đáng để nói, cũng chớ có quên, lựa thời điểm thích hợp để báo đáp. Nhất là khi ta đang ở vào cảnh khốn cùng, trong bão tuyết mà người ta tặng cho than lại càng vô cùng quý giá, khi ta có năng lực, nên tận tình đền đáp lại.
          Đương nhiên, người lương thiện hoàn toàn không phải vì để có được sự báo đáp mới ra ân huệ, nhưng cuộc sống cần có trái tim biết cám ơn để sáng tạo, và trái tim biết cám ơn cần cuộc sống để dưỡng nuôi.
          Luôn có lòng biết cám ơn có thể giúp chúng ta tìm được hi vọng trong nghịch cảnh, tìm được niềm vui trong bi quan. Cám ơn là triết học xử thế, cũng là đại trí tuệ trong cuộc sống. Luôn có lòng biết cám ơn, cả đời không ân hận.
          Lỗ Tuyên Công 鲁宣公năm thứ 2 (năm 607 trước công nguyên), Tuyên Tử 宣子đi săn tại núi Thú Dương 首阳  (nay là phía đông nam huyện Vĩnh Tế 永济 tỉnh Sơn Tây 山西), trú tại Ế Tang 翳桑. Ngày nọ lúc ra đi săn, Tuyên Tử thấy một người đói ngã lăn ra đất, liền đến hỏi. Người nọ đáp rằng:
          - Đã ba ngày rồi tôi không ăn gì.
          Thế là Tuyên Tử sai người mang thức ăn đến, người nọ ăn, chừa lại một nữa. Tuyên Tử hỏi lí do, anh ta đáp rằng:
          - Tôi xa nhà đã hơn ba năm, không biết mẹ già ở nhà có còn sống không. Nay cách nhà rất gần, xin cho phép tôi để những thức ăn này lại cho mẹ tôi.
          Tuyên Tử cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của anh ta, bèn bảo ăn hết chỗ thức ăn đó, rồi chuẩn bị một giỏ cơm thịt để anh ta mang về cho mẹ ở nhà.
          Về sau, Tấn Linh Công 晋灵公muốn giết Tuyên Tử, trong lúc nguy cấp, một người trong đám võ sĩ của Linh Công đã xông ra cản thủ hạ của Tấn Linh Công, khiến Tuyên Tử thoát được hiểm. Tuyên Tử hỏi người đó vì sao lại làm như thế, anh ta đáp rằng:
          - Tôi chính là người bị đói ở Ế Tang.
          Khi Tuyên Tử hỏi họ tên và nhà ở nơi nào, anh ta đi mất không đáp.
          Việc thiện của Tuyên Tử đã gieo được nhân lành khiến ông gặp đại nạn mà không chết, còn người kia vì báo đáp bữa ăn mà dám trái ngược quân lệnh cũng khiến người ta kính phục. Chịu ơn mong được đáp đền là việc trong tình lí, còn lấy đức báo oán thì không phải là việc ai cũng có thể làm được, nó khảo nghiệm tấm lòng và thái độ của con người. Một số người miệng thường nói: lấy đạo của người hoàn trả lại cho người. Đại ý là: anh đối đãi tôi như thế nào, tôi sẽ kính lại anh như thế đó. Cách làm này nhìn từ bề ngoài là hợp lí, nhưng suy nghĩ kĩ chúng ta sẽ phát hiện hậu quả mà nó mang lại rất nặng nề: nguyên vốn chỉ một người đau khổ, nay lại hai người đau khổ. Sai lầm mà người ta phạm phải, tại sao ta phải đáp trả lại? Biết cởi bỏ hiềm khích lúc trước, khoan dung với người, kì thực sẽ có khoảnh đất trống cho ta.
          Trước khi công tử Tiểu Bạch 小白  lên ngôi, để tránh nội loạn nước Tề đã cùng với người anh là công tử Củ   lưu vong nước ngoài. Sau khi Tề Tương Công 齐襄公  bị giết, công tử Tiểu Bạch và công tử Củ đều vội về lại nước Tề tranh đoạt quân vị. Thầy của công tử Củ là Quản Trọng 管仲đem binh chặn đường công tử Tiểu Bạch. Quản Trọng bắn tên trúng móc khuy đai áo của Tiểu Bạch. Tiểu Bạch giả vờ chết. Công tử Củ cho là Tiểu Bạch đã chết, bèn từ từ đi. Còn Tiểu Bạch ngày đêm kiêm trình về đến nước Tề trước, sau đó lên ngôi, đó là Tề Hoàn Công 齐桓公.
          Tề Hoàn Công muốn nhậm dụng thầy của mình là Bảo Thúc Nha 鲍叔牙 làm Tướng, Bảo Thúc Nha tiến cử bạn mình là Quản Trọng, đồng thời nói với Tề Hoàn Công:
          - Nếu ngài muốn trị lí nước Tề, dùng thần là đủ, nhưng nếu ngài muốn xưng bá thiên hạ, không dùng Quản Trọng thì không thể.
          Tề Hoàn Công cho Bảo Thúc Nha nói có lí, không nghĩ đến mối thù mũi tên lúc trước, nhậm dụng Quản Trọng làm Tướng. Về sau, dưới sự phò tá của Quản Trọng, Tề Hoàn Công quả nhiên đã làm cho nước Tề hùng mạnh, trở thành bá chủ thời Xuân Thu.
          Địa vị bá chủ của Tề Hoàn Công không thể tách rời sự phò tá của Quản Trọng, nhưng nếu Tề Hoàn Công lúc ban đầu cố chấp mối thù, không chịu dùng Quản Trọng, kết cục e là một cảnh tượng khác. Cho nên, ở một mức độ nào đó mà nói, chính Tề Hoàn Công đã lấy đức báo oán và đã thành tựu được nghiệp bá của mình sau này. Cá nhân trong quá trình lớn lên và thành thục, sẽ gặp được sự giúp đỡ của người khác, mà cũng sẽ bị người khác làm tổn hại ở một mức độ nào đó. Nhưng không nên mang lòng oán hận, mà phải học cách cám ơn và tha thứ. Cám ơn người mà đã giúp chúng ta trong cảnh khốn cùng, ấy là họ đã khiến chúng ta kiên định niềm tin; khoan dung người mà làm tổn hại chúng ta, ấy là họ đã khiến chúng ta hiểu được cuộc sống.

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 08/8/2018

Nguồn
THÁI CĂN ĐÀM
菜根谭
Tác giả: (Minh) Hồng Ứng Minh 洪应明
Biên soạn: Bàng Bác 庞博
Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013


Previous Post Next Post