MrJazsohanisharma

Dịch thuật: Câu chuyện về chú thỏ con

CÂU CHUYỆN VỀ CHÚ THỎ CON

          Mọi người đều nói như thế này: Ngày trước đôi mắt của thỏ có màu xanh, đôi tai ngắn ngắn. Hiện nay lại không giống như thế, đôi mắt của thỏ có màu đỏ đỏ, đôi tai lại dài dài. Vì sao như vậy?  Theo truyền thuyết, có một câu chuyện như sau:
           Một buổi trưa nọ, có một chú thỏ con trắng chạy đến ruộng dưa hấu lén ăn mấy trái vừa mới lớn, nó ăn một cách ngon lành. Vừa lúc chủ ruộng dưa đến, nhìn thấy chú thỏ con đang lén ăn dưa, ông ta tức giận, liền rón rén đi đến giơ đòn gánh nhắm đến thỏ con, lấy hết sức bổ xuống, nhưng không trúng, thỏ con bỏ chạy.
          Chủ ruộng dưa lớn tiếng mắng rằng:
          - Này! Thằng ăn trộm kia, lần nay tao đánh không chết mày, lần sau sẽ bắt sống mày.
          Chủ ruộng dưa về nhà nấu một nồi xôi. Nấu xong, dùng chày giã, giã đến độ nhuyễn nát rồi nặn thành hình người, sau đó đem để vào giữa ruộng dưa.
          Rồi một hôm thỏ con lại đến. Nó tiến gần đến ruộng dưa, nhìn thấy có người đang canh giữ, liền quay đầu bỏ chạy. Chạy được mười mấy bước, nó quay đầu lại nhìn, người canh dưa đứng yên, nhìn kĩ, người canh dưa không hề động đậy. Thỏ con dạn lên một chút, cố ý đến trước mặt người canh dưa, nó vẫy vẫy tay, người canh dưa vẫn đứng yên.
          Thỏ con dạn thêm, nó cầm lấy hòn đất ném tới, người canh dưa cũng không động đậy. Lúc này thỏ con đắc ý, cho rằng người canh dưa nọ có vẻ khinh người, nó liền tiến tới chọc:
          - Này chú! Chào chú buối sáng!
          Người canh dưa không đáp lại, thỏ con lại tiến đến gần hơn, cất tiếng:
          - Này chú! Chào chú buổi sáng!
          Người canh dưa vẫn không đáp lại. Thỏ con bèn giận, nói rằng:
          - Chú không nhận ra cháu à? Thế thì cháu đánh chú.
          Thỏ con giơ tay phải đấm vào bụng người canh dưa, chỉ nghe một tiếng “bịch”.
           Thỏ con nghĩ bụng, lần này cần đánh mạnh hơn. Nhưng khi nó định rút ta về, thì tay bị dính chặt rút ra không được. Thỏ con cho rằng người canh dưa đã kẹp chặt, bèn nói:
          - Chú không thả tay cháu ra, cháu sẽ đánh chú.
          Người canh dưa không đáp lại, cũng chẳng hề cử động. Thỏ con tức giận, nó giơ tay trái nắm lại thành nắm đấm, đấm một phát, tay trái lại bị dính chặt.
          Thỏ con càng giận, lấy hết sức mắng. Người canh dưa vẫn không lên tiếng, cũng không hề giận, ngay cả cử động cũng chẳng hề cử động. Thỏ con không nhịn được, lớn tiếng nói:
          - Chú câm à? Cháu mà không đá chú thì không được.
          Nói xong, nó bèn giơ chân phải đá, lần này chân phải lại bị dính chặt. Nó giơ chân trái đá, chân trái cũng bị dính chặt.
          Thỏ con vẫn chưa phục, nó nghĩ bụng, người ngốc này không thể nói chuyện, không hề biết chuyển động, làm sao có thể đánh lại mình? Thỏ con bèn dùng toàn thân xô, nó tưởng rằng lần này có thể xô ngã người canh dưa, không ngờ, toàn thân của nó cũng bị dính chặt, không thể cựa quậy được. Thỏ con giãy giụa đến mức đôi của nó mắt rỉ máu đỏ tươi.
          Lúc bấy giờ chủ ruộng dưa đến, nhìn thấy thỏ con bị dính chặt liền cười lớn:
          - Này thằng ăn trộm! Lần này thì bị ta bắt sống rồi. Mầy còn lén ăn nữa không?
          Thỏ con lúc này mới biết người canh dưa kia là người giả, vô cùng hối hận. Nó van xin chủ ruộng dưa một cách đáng thương:
          - Chú tốt bụng kia ơi! Chú thả cháu ra đi, từ nay về sau cháu không dám lén ăn dưa nữa. ..... Được không chú, chú thả cháu ra đi.
          Chủ ruộng dưa nhìn thấy thỏ con rất đáng thương, hơn nữa nó đã biết nhận lỗi, liền bằng lòng thả nó ra. Nhưng toàn thân thỏ con bị dính chặt, tay chân cũng bị dính, chủ ruộng dưa bèn nắm lấy đôi tai của thỏ con, dùng hết sức kéo, kéo đến mức đôi tai của thỏ con dài ra.
          Theo truyền thuyết, từ đó về sau đôi tai của thỏ biến thành dài.
          Còn nữa, lúc bấy giờ sau khi đã kéo được thỏ ra, chủ ruộng dưa liền lau sạch lớp hồ dính trên người thỏ con, nhưng ông quên chưa lau vết máu đỏ nơi đôi mắt nó thì đã thả cho nó chạy, cho nên hiện nay đôi mắt của thỏ có màu đỏ đỏ.
           
                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 19/8/2018

Nguồn
PHI CẦM TẨU THÚ ĐÍCH NGỤ NGÔN
飛禽走獸的寓言
Nhóm biên soạn
Ngọc thụ đồ thư ấn loát hữu hạn công ti xuất bản, 2000.
Previous Post Next Post