Dịch thuật: Tông pháp (kì 1 - Tộc, chiêu, mục)

TÔNG PHÁP
(kì 1)

          Tông pháp 宗法là chế độ đẳng cấp căn cứ vào mối quan hệ huyết thống xa gần mà phân biệt đích thứ thân sơ, lấy gia tộc làm trung tâm. Chế độ này đã củng cố sự thống trị thế tập của giai cấp thống trị, trường kì được bảo tồn trong xã hội phong kiến, phục vụ cho chế độ phong kiến. Dưới đây sẽ đem một số tri thức chủ yếu liên quan đến chế độ tông pháp cổ đại ở Trung Quốc phân làm 4 phương diện để trình bày.

TỘC, CHIÊU, MỤC

          Tộc , biểu thị quan hệ thân thuộc. Trong Thượng thư – Nghiêu điển 尚书 - 尧典 có câu:
Khắc minh tuấn đức, dĩ thân cửu tộc.
克明俊德, 以亲九族.
(Làm sáng đức lớn của bản thân để thân với cửu tộc.)
          Theo thuyết cũ, cửu tộc chỉ cao tổ 高祖, tằng tổ 曾祖, tổ , phụ , tự kỉ 自己 (bản thân) , tử , tôn , tằng tôn 曾孙, huyền tôn 玄孙 (1), đây là tộc cùng tính (cùng họ). Ngoài cửu tộc ra, còn có tam tộc. Tam tộc có 3 thuyết:
          - Phụ, tử, tôn là tam tộc.
          - Phụ mẫu, huynh đệ, thê tử là tam tộc.
          - Phụ tộc, mẫu tộc, thê tộc là tam tộc.
          Thời cổ, một người “phạm tội”, thường liên luỵ đến thân thuộc, họ cũng bị giết chết. Trong Sử kí – Tần bản kỉ 史记 - 秦本纪có chép, Tần Văn Công  秦文公năm thứ 20 (năm 746 trước công nguyên) “pháp sơ hữu tam tộc chi tội” 法初有三族之罪  (luật pháp bắt đầu có tội giết tam tộc), theo Trương Yến 张晏, tam tộc ở đây chỉ phụ mẫu, huynh đệ, thê tử (2). Trong Sử kí – Nguỵ Kì Vũ An Hầu liệt truyện 史记 - 魏其武安侯列传 cũng có ghi:
Sử Vũ An Hầu tại giả, tộc hĩ.
使武安侯在者, 族矣.
(Giả sử Vũ An Hầu còn sống, sẽ giết cả tộc.)
Chữ “tộc” ở đây có nghĩa là giết cả tộc. Cửu tộc mà đời sau nói đến, bao gồm thân thuộc trực hệ  từ cao tổ đến huyền tôn, cùng với huynh đệ, đường huynh đệ trong thân thuộc bàng hệ, đây là hình pháp vô nhân đạo thảm khốc nhất ở  thời đại chuyên chế.
          Quý tộc đời Chu lấy đàn ông cùng tộc từ thuỷ tổ trở xuống, theo đời trước sau nối nhau chia làm 2 nhóm “chiêu” và “mục” , đó là điểm khác nhau giữa tông pháp đời Chu với hậu thế. Thử tính bắt đầu từ Thái Vương 大王 (Cổ Công Đản Phủ 古公亶父), đời kế tiếp Thái Vương là Thái Bá 大伯, Ngu Trọng 虞仲 và Vương Quý 王季, đây là hàng chiêu. Vương Quý đã thuộc hàng chiêu thì đời kế tiếp Vương Quý là Văn Vương 文王, Quắc Trọng 虢仲và Quắc Thúc 虢叔là hàng mục. Các đời sau theo đó mà loại suy, đời sau của Văn Vương là Vũ Vương 武王 lại là hàng chiêu, đời sau của Vũ Vương là Thành Vương 成王 lại là hàng mục. Từ đó có thể thấy quý tộc đời Chu dùng chữ “chiêu” “mục” để khu biệt hai đời là cha và con, hai hàng mà cách nhau thì tương đồng về tên gọi. Sự phân biệt chiêu và mục này cũng thể hiện ở tông miếu, mộ trủng và cả ở tế tự. Thuỷ tổ ở chính giữa, vị thứ của chiêu bên trái, vị thứ của mục bên phải. Rõ được điều này sẽ hiểu được câu trong Tả truyện – Hi Công ngũ niên 左传 - 僖公五年:
Thái Bá Ngu Trọng, Thái Vương chi chiêu dã.
大伯虞仲, 大王之昭也.
(Thái Bá Ngu Trọng là hàng chiêu của Thái Vương.)
Quắc Trọng Quắc thúc, Vương Quý chi mục dã.
虢仲虢叔, 王季之穆也.
(Quắc Trọng Quắc Thúc là hàng mục của Vương Quý.)
          Chẳng qua là nói Thái Bá Ngu Trọng là đời sau của Thái Vương, Quắc Trọng Quắc Thúc là đời sau của Vương Quý. Trong Tả truyện – Định Công tứ niên 左传 - 定公四年  có nói:
Tào, Văn chi chiêu dã; Tấn, Vũ chi mục dã.
, 文之昭也; , 武之穆也.
(Tào là hàng chiêu của Văn Vương; Tấn là hàng mục của Vũ Vương.)
          Tào và Tấn đều là phong quốc tính Cơ , đây là nói tổ tiên của nước Tào là con của Văn Vương, tổ tiên của nước Tấn là con của Vũ Vương. (còn tiếp)

Chú của nguyên tác
1- Còn có cách nói khác về “cửu tộc”, ở đây không thảo luận.
2- Như Thuần 如淳cho là phụ tộc, mẫu tộc, thê tộc.

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 28/7/2018

Nguồn
TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI VĂN HOÁ THƯỜNG THỨC
中国古代文化常识
Chủ biên: Vương Lực 王力
Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã, 2012
Previous Post Next Post