THÁI QUỲ VÀ HƯỚNG NHẬT QUỲ
BÀN VỀ CHỮ “QUỲ”
Nói đến
“quỳ” 葵, rất dễ khiến người ta liên tưởng đến “hướng nhật quỳ”
向日葵 (hoa hướng dương), nhưng trong Thuyết văn 说文 cho chúng ta biết:
Quỳ, thái dã.
葵, 菜也
(Quỳ là một loại rau)
“Quỳ” 葵 trong “hướng nhật quỳ” 向日葵 và
“thái quỳ” 菜葵 là hai loại khác nhau, không thể cho là một. “Quỳ” vốn
là tên một loại rau, còn gọi là “đông mịch thái” 冬觅菜.
Loại rau này hiện ít gặp, tại Mã Vương Đôi 马王堆 đã
thấy có hạt giống của nó (1). Lí Thời Trân 李时珍trong
Bản thảo cương mục 本草纲目 có nói:
Kim nhân bất phục thực chi
今人不复食之
(Người thời nay không còn ăn loại rau này nữa)
nhưng thời cổ trồng rất phổ biến. Theo ghi chép, loại
thực vật này bất luận đất tốt xấu, nơi nào cũng có thể trồng, người xưa dùng nó
để dự phòng lúc mất mùa. Trong Nông tang
thông quyết 农桑通诀 có ghi:
Quỳ, bách thảo chi chủ, khả bị tứ thời
chi soạn (2)
葵, 百草之主, 可备四时之馔
(Quỳ là loại đứng đầu trong bách thảo, có thể
dùng làm thức ăn dự phòng cho bốn mùa)
Lại nói
nó là “sơ như chi thượng phẩm” 蔬茹之上品 (loại thượng phẩm trong số các loại rau). Có thể thấy
nó đã được tôn lên rất cao.
Hoa quỳ
hướng đến mặt trời, còn rau quỳ thì sao? Lá của rau quỳ cũng hướng đến mặt trời,
chỗ khác nhau đó là, hướng đến mặt trời ở hoa quỳ là hoa còn ở rau quỳ là lá.
Tào Thực 曹植 trong Cầu thông
thân biểu 求通亲表 có nói, bản thân mình như “quỳ hoắc chi khuynh diệp” 葵藿之倾叶 (rau
quỳ rau hoắc nghiêng lá), biểu thị lòng mong muốn hướng đến người thân. Đỗ Phủ 杜甫 trong
bài thơ Vịnh hoài ngũ bách tự 咏怀五百字 có câu:
Quỳ hoắc khuynh thái dương
Vật tính cố nan đoạt
葵藿倾太阳
物性固难夺
(Rau quỳ rau hoắc nghiêng về phía mặt trời
Bản tính của vật như thế khó mà đoạt được)
Đỗ Phủ
cũng dùng rau quỳ rau hoắc hướng đến mặt trời để biểu thị tấm lòng trung trinh
đối với vương triều Đường. Lá của rau quỳ hướng về mặt trời, khiến cho rễ của nó không bị ánh nắng chiếu đến,
cho nên rau “quỳ” còn có tên là “vệ túc” 卫足.
Lí Bạch 李白 trong bài Lưu Dạ
Lang đề quỳ diệp 流夜郎题葵叶 đã viết:
Tàm quân năng vệ túc
Thán ngã viễn du căn (3)
惭君能卫足
叹我远游根
(Hổ thẹn với rau còn biết bảo vệ được chân
Cảm thán cho mình phải bị đi xa)
Ý nói tự mình hổ thẹn không thể bảo vệ được đôi chân
giống như rau quỳ kia, mà phải thường phiêu bạt chốn quê người.
Phẩm loại
của rau quỳ rất nhiều, có Sở quỳ 楚葵, Thục quỳ 蜀葵, bồ quỳ 蒲葵, cẩm quỳ 锦葵, lộ quỳ 露葵v.v... Trong Bản thảo 本草 có nói:
Lộ quỳ tất đãi lộ thái, cố danh lộ quỳ,
kim nhân hô chi hoạt thái.
露葵必待露采, 故名露葵, 今人呼之滑菜
(Lộ quỳ
phải đợi sương xuống mới hái cho nên có tên là “lộ quỳ”, người thời nay gọi nó
là “hoạt thái”)
Người
xưa vào tháng 6 trồng thu quỳ, sau Trung phục 中伏 (*) trồng đông quỳ, tháng 9 có thể muối rau quỳ, phơi khô
rau quỳ. Trong Tề dân yếu thuật 齐民要术 đã đem loại quỳ
xếp lên thiên đầu tiên ở các loại rau, chả trách trong Thuyết nguyên 说原 có ghi:
Sơ thực tam bách lục thập, quỳ vi chi
trưởng
蔬植三百六十, 葵为之长
(Trong 360 loại rau, rau quỳ đứng hàng đầu)
Hướng
nhật quỳ còn gọi là “tây phiên quỳ” 西番葵, “trượng cúc” 丈菊, đại khái vào khoảng thế kỉ 17 truyền vào Trung Quốc,
có thuyết cho rằng vào năm 1501, đội thám hiểm Tây Ban Nha đã đem hạt giống hoa
quỳ từ Peru về châu Âu, do bởi hoa của
hướng nhật quỳ có thể chuyển động hướng theo mặt trời, cho nên người ta gọi nó
là “thái dương hoa” 太阳花. Đội thám hiểm Tây Ban Nha đem hạt giống hoa quỳ trước
tiên trồng ở vườn thực vật Madrid
làm thực vật hoa thảo cho mọi người thưởng ngoạn. Khoảng thế kỉ 19 truyền khắp
toàn cầu. Tại sao hướng nhật quỳ lại có thể chuyển động hướng theo mặt trời?
Theo thần thoại phương tây, có một vị nữ thần trong rừng sâu xinh đẹp, yêu thần
mặt trời Apollo, Thiên đế thấy tấm lòng chân thành đáng thương bèn cho nàng biến
thành đoá hoa hướng theo mặt trời, cả ngày chuyển động theo mặt trời.
Chú của
nguyên tác
1- Ngữ văn viên
địa 语文园地 kì 2 năm 1985.
2- Quảng quần
phương phổ 广群芳谱
Sơ phổ nhị 蔬谱二, Thượng Hải thư điếm.
3- Đường . Lí Bạch 李白 Lí Thái Bạch tập – Lưu Dạ Lang đề quỳ diệp 李太白集 - 流夜郎题葵叶, trang 436, Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã.
Chú của người
dịch
*- Trung phục 中伏: theo lịch pháp
Trung Quốc, trong một năm lúc nhiệt độ cao nhất, độ ẩm lớn nhất được phân làm 3
phục: Sơ phục 初伏, Trung phục 中伏và Mạt phục 末伏. Sau Hạ chí, ngày Canh 庚thứ
3 là Sơ phục, ngày Canh 庚thứ 4 là Trung phục.
Sau Lập thu ngày Canh 庚đầu tiên là Mạt phục.
mỗi phục 10 ngày, nhưng có năm Trung phục có 20 ngày.
(Tư liệu
tổng hợp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 19/7/2018
Nguyên tác Trung văn
THÁI QUỲ DỮ HƯỚNG NHẬT QUỲ
ĐÀM “QUỲ”
菜葵与向日葵
谈 “葵”
Trong quyển
HÁN TỰ THẬP THÚ
汉字拾趣
Tác giả: KỶ ĐỨC DỤ (纪德裕)
Phúc Đán Đại học xuất bản xã,
1998
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật