TẠI SAO NGƯỜI XƯA
GỌI NGƯỜI LÀM MAI LÀ “PHẠT KHA NHÂN”
Trong
dân gian, người ta thường gọi người tác thành nhân duyên là “môi nhân” 媒人 (người làm mai). Trong sách cổ, “môi nhân” còn được gọi
là “phạt kha nhân” 伐柯人. “Phạt kha nhân” có ý nghĩa gì?
Nói đến
“phạt kha nhân” phải bắt đầu từ việc mai mối thời cổ. Theo Lễ kí 礼记, nam nữ nếu không có người làm mai giới thiệu thì
không biết họ tên của nhau, càng không thể qua lại như hiện nay. Trong một thời
gian dài, mệnh của cha mẹ, lời của người làm mai đều là tiền đề cho hôn nhân.
Nhân
đó, những ghi chép có liên quan đến người làm mai cũng nhiều lên, danh xưng về
người làm mai cũng nhiều không kể, riêng gọi “phạt kha nhân” là bắt nguồn từ Thi kinh – Bân phong – Phạt kha 诗经 - 豳风 - 伐柯 (1). Trong bài thơ đó nói rằng:
làm sao có thể chặt đổ cây lớn kia? Nếu như không nhờ sức của cây rìu thì việc
đó khó làm. Làm sao có thể cưới được cô gái kia? Việc hôn nhân này nếu không có
bà mai thì không thành. Cho nên, mấu chốt của phạt kha 伐柯 là cái rìu, trọng điểm của hôn nhân là “môi nhân” 媒人. Thế là, người ta gọi làm mai là “tác phạt” 作伐 “chấp kha” 执柯, gọi người làm mai
là “phạt kha nhân”.
Người đời
Tống có nói:
Kì phạt kha nhân lưỡng gia thông báo, trạch
nhật quá thiếp.
其伐柯人两家通报, 择日过帖
(“Phạt kha nhân” thông báo cho hai bên gia đình, chọn
ngày đưa canh thiếp)
Ý nói bà mai bận rộn với hai bên gia đình, cuối cùng
cũng hoàn thành việc tốt. So với những cách gọi khác, “phạt kha nhân” không thường
thấy trong đời sống hàng ngày; mà thông thường người ta gọi bà mai là “môi bà”
媒婆 “hồng nương” 红娘
...
Tri thức
liên quan
Hồng nương 红娘: vào thời cổ, người thay thế hai bên gia đình đứng ra
tác thành việc hôn nhân được gọi là “môi bà” 媒婆,
“môi nhân” 媒人; về sau lại xuất hiện một danh từ nghe rất hay đó là
“hồng nương” 红娘. Danh từ này từ đâu mà ra? Trong Oanh Oanh truyện 莺莺传 của Nguyên Chẩn 元稹,
Hồng Nương là a hoàn của tiểu thư Thôi Oanh Oanh. Trương Sinh và Thôi Oanh Oanh
yêu nhau, Hồng Nương là người có tác dụng xỏ kim dẫn chỉ, nhiệt tình như lửa,
miệng mồm lanh lợi, tích cực cổ vũ Thôi Oanh Oanh tiếp nhận Trương Sinh, để lại
ấn tượng sâu sắc cho mọi người. Về sau, người ta liền gọi người làm mai tác
thành hôn nhân là “hồng nương”.
Chú của người
dịch
1- Bài Phạt kha 伐柯 ở Bân phong 豳風 trong Thi kinh 詩經 gồm 2 chương, mỗi chương 4 câu. Dưới đây là chương 1:
伐柯如何
匪斧不克
娶妻如何
匪媒不得
Phạt kha như hà
Phỉ phủ bất khắc
Thú thê như hà
Phỉ môi bất đắc
Đẽo cán búa phải làm sao?
Nếu không có cây búa thì chẳng xong việc.
Cưới vợ phải như thế nào?
Nếu không có bà mai thì không được.
(theo Tạ Quang Phát . Kinh thi, tập 1, trang 709)
Trong
nguyên tác bài viết ở trên đã dịch “phạt kha” là “chặt đổ cây lớn”, chứ không
phải là “đẽo cán búa” như Tạ Quang Phát.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 02/7/2018
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật