Dịch thuật: Tại sao có sự thay đổi về giới tính của Quán Âm

 TẠI SAO CÓ SỰ THAY ĐỔI VỀ GIỚI TÍNH CỦA QUÁN ÂM

          Quán Âm nữ tính thịnh hành ở khu vực Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, nhưng không thấy ở Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á (1). Nói một cách chính xác hơn, Quán Âm nữ tính là hình tượng Quán Âm từ dân gian Trung Quốc khai sáng ra sau thế kỉ thứ 10, cũng chính là sau thời Tống, lưu hành phổ biến trên đất Hán, sau đó mới truyền bá, ảnh hưởng đến Nhật Bản, Triều Tiên.
          Tại sao Trung Quốc đã thay đổi giới tính Quán Âm, sáng tạo ra hình tượng nữ thần từ bi đặc biệt như thế? 
          Những năm gần đây, vấn đề này luôn là vấn đề mà nhiều học giả văn hoá tôn giáo cảm thấy hứng thú. Giáo sư Vu Quân Phương 于君方của Đại học La Cách Tư  罗格斯  (Rutgers University - ND) nước Mĩ đã đề xuất kiến giải về vấn đề này:
          Khi tín ngưỡng Quán Âm mọc rễ ở Trung Quốc, các tín đồ đã dùng phương thức mới thích hợp với người Trung Quốc để tìm hiểu và thể hiện Quán Âm. Họ không chỉ dùng phương thức mới để miêu hoạ, mà đồng thời cũng đã phú cho đặc trưng và tín hiệu mới về Quán Âm. Các tín đồ kiền thành biên soạn kinh điển Trung Quốc, định ra nghi thức lễ bái mới để kính tụng và đảnh lễ Quán Âm, họ thuật lại những câu chuyện linh nghiệm và hoá thân của Quán Âm,  cũng sáng tạo ra hình tượng mới nơi bản quán của mình.
          Tiến thêm một bước, Vu Quân Phương thuật rõ quan điểm của ông:
          Tôi cho rằng Thuỷ Nguyệt Quán Âm, Bạch Y Quán Âm, Ngư Lam Quán Âm, Nam Hải Quán Âm cùng Quán Âm Lão Mẫu ..... vốn cũng là những sáng tác mang tính địa phương, và có lẽ hãy còn có truyền thống Quán Âm mang tính địa phương. Nhân vì các nguyên nhân không lưu truyền lại, tuy bị quên, nhưng 5 hình tượng Quán Âm này lại rất lưu hành, đồng thời phổ cập toàn quốc, nguyên nhân này đáng để chúng ta thâm nhập nghiên cứu thảo luận. Tôi cho rằng đó là vì đời sau không chỉ dùng hình thái nghệ thuật bảo lưu, mà còn theo nghi thức và lệ thường của tôn giáo để cường hoá. Một khi những hình tượng mới về Quán Âm được xác lập trong lòng các tín đồ kiền thành thì kinh điển bản thổ, tiểu thuyết, hí kịch, văn học thông tục cùng bảo quyển, những môi giới truyền bá này đều tiến một bước giới thiệu một cách rộng rãi hình tượng mới này cho mọi người trong cả nước (2).
          Nghiên cứu học thuật có yêu cầu nghiêm túc của nó, Vu Quân Phương trong luận văn liên quan của mình, đã thấu lộ mấy phương hướng mà có thể lấy đó tham khảo để tìm hiểu sự thịnh hành của Quán Âm nữ tính Trung Quốc.
1- Mẫu thân là tượng trưng cho từ bi:
          “Từ bi” mà Quán Âm nhấn mạnh, trong văn hoá Trung Quốc là một đặc tính của mẫu tính, cũng chính là nói “phụ nghiêm mẫu từ”. Nhưng trong truyền thống Phật giáo, trí tuệ được xem là đặc tính của nữ tính, còn từ bi mới là đặc tính của nam tính. Bồ tát thương yêu chúng sinh, cũng như Phật Đà, được xem là nam tính. Trung Quốc trước giờ lấy mẫu tính biểu trưng từ bi, khả năng là một trong những nguyên nhân sinh ra Quán Âm nữ tính.
2- Sự sáng tạo của nghệ thuật gia hoặc thợ tạo tượng:
          Ấn Độ, Tây Tạng luôn tuân thủ nghiêm nhặt quy củ nghi thức kinh điển, cẩn thận chu đáo đến từng chi tiết khi tạo lập tượng Phật, nhưng khi vào đất Hán lại có thể “tuỳ tâm tạo tượng”. Chỉ cần xuất phát từ lòng thành, cho dù là văn nhân nghệ thuật gia hoặc thợ tạo tượng cũng có thể hoạ tượng, không nhất định phải xuất phát từ bàn tay của bậc thầy tạc tượng đã chịu sự huấn luyện nghiêm túc. Tuy chúng ta không thể nói nữ tính hoá Quán Âm là do các nghệ thuật gia hoặc thợ tạo tượng đương thời phát minh, nhưng quả thực họ đã thúc đẩy mọi người từ hình tượng thị giác, kiến lập nên quan niệm Quán Âm nữ tính. Mà những bức hoạ ban đầu hoặc các nghệ thuật gia điêu khắc Quán Âm nữ tính trong quá trình sáng tác tất nhiên cũng đã phản ứng khái niệm lưu hành lúc bấy giờ.
3- Sự trợ giúp của truyền thuyết linh nghiệm, bảo quyển (*), văn học dân gian:
          Câu chuyện Bồ tát Quán Âm linh nghiệm cùng với truyền thuyết cũng đã có tác dụng trợ giúp cho việc thịnh hành Quán Âm nữ tính trong dân gian. Nổi tiếng nhất là truyền thuyết công chúa Diệu Thiện 妙善 chùa Hương Sơn 香山, hoặc bảo quyển diệu âm của Bạch Y Quán Âm, lưu truyền rất rộng trong dân gian, được sự hoan nghinh của kinh điển Phật giáo chính thống.
          Sự phát triển của Quán Âm nữ tính còn có một điểm đặc sắc: dường như mỗi tượng Quán Âm nữ tính từ lúc bắt đầu đều có liên quan với tính địa phương riêng của một vùng nào đó, hoặc có liên quan đến thần thoại riêng của mỗi vùng, đồng thời lấy đồ tượng của một hình thức nào đó để miêu hoạ. Về sau trải qua các đời truyền miệng nhau, cùng với sự truyền bá của văn học dân gian, diện mạo Quán Âm càng rõ, dần hình thành tín ngưỡng mang tính toàn quốc. Giống như Bạch Y Quán Âm lưu hành sớm nhất tại Hàng Châu, Ngư Lam Quán Âm tại Thiểm Tây, Diệu Thiện công chúa tại Hà Nam, Nam Hải Quán Âm tại Phổ Đà sơn.

Chú của nguyên tác
1- Học giả nghiên cứu nghệ thuật Phật giáo Cát Uyển Chương 葛婉章của Cố cung Bác vật viện cho rằng: Quán Âm 1 mặt 2 tay từ nam biến thành nữ, xác thực là chỉ Trung Quốc riêng có. Nhưng Mật giáo Ấn Độ thời kì đầu, Quán Âm biến hoá nhiều mặt nhiều tay sớm đã có Quán Âm nữ tính, như Chuẩn Đề Phật Mẫu Quán Âm 准提佛母观音 trong Thất câu chi Phật Mẫu sở thuyết Chuẩn Đề Đà la ni kinh 七俱胝佛母所说准提陀罗尼经 3 mắt 18 tay, là thuần thần cách nữ tính.
          (Xem Cát Uyển Chương 葛婉章Vô duyên đại bi 无缘大悲, Quán Đạt Tự Tại 观达自在, Cố cung văn vật 故宫文物, đệ 112 kì)
2- Dẫn tự Vu Quân Phương 于君方 Trung Quốc đích từ bi nữ thần -  Quán Âm 中国的慈悲女神 - 观音, Hương Quang trang nghiêm tạp chí 香光庄严杂志, đệ 58 kì (2000)

Chú của người dịch
*- Bảo quyển 宝卷:
          Một hình thức văn học diễn xướng truyền thống của Trung Quốc diễn biến từ những lời giảng thông tục trong các tự viện thời Đường, tác giả đa phần là tăng ni xuất gia, nội dung có Phật kinh cố sự, khuyến sự văn, thần đạo cố sự, cùng dân gian cố sự, trong đó nhiều nhất là Phật kinh cố sự.
          Mọi người thường đem bảo quyển phân thành 2 loại: bảo quyển Phật giáo và bảo quyển phi Phật giáo. Nhưng khuynh hướng cơ bản đều là tuyên truyền nhân quả và tu đạo độ thế, có sắc thái tôn giáo nồng đậm.
          Theo https://baike.baidu.com/item...

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 31/7/2018
                                           19/6 – Kỉ niệm ngày Quán Âm Bồ tát thành đạo

Nguyên tác Trung văn trong
QUAN ÂM TIỂU BÁCH KHOA
观音小百科
Tác giả: Nhan Tố Tuệ 颜素慧
Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2002


Previous Post Next Post