Dịch thuật: Nhất khuông thiên hạ (thành ngữ)

NHẤT KHUÔNG THIÊN HẠ
一匡天下
TRỊ AN THIÊN HẠ

Giải thích: khuông : cải chính, sửa cho ngay. Trị an thế cuộc hỗn loạn, khiến thiên hạ ổn định.
Xuất xứ: Xuân Thu . Khổng Khâu đệ tử: Luận ngữ - Hiến vấn 论语 - 宪问.

          Năm 686 trước công nguyên, nước Tề phát sinh nội loạn, Tề Tương Công 齐襄公 bị hại.
          Tề Tương Công có hai người em, một người là công tử Củ 公子纠, người kia là công tử Tiểu Bạch 公子小白, cả hai vị công tử đều có thầy bên cạnh phò tá. Thầy của công tử Tiểu Bạch là Bảo Thúc Nha 鲍叔牙; thầy của công tử Củ là Quản Trọng 管仲.
          Hai vị công tử nghe tin Tề Tương Công bị sát hại, lòng nóng như lửa đốt vội về nước Tề tranh đoạt ngôi vị quốc quân. Quản Trọng nói với công tử Củ:
          - Công tử Tiểu Bạch tại nước Cử , cách nước Tề rất gần, nếu để ông ta về trước, sự việc sẽ phiền phức. Xin công tử cho phép tôi trước tiên dẫn một toán nhân mã đi chặn đường.
          Quả nhiên không ngoài dự đoán của Quản Trọng, công tử Tiểu Bạch đang vội về nước Tề.  Trên đường, công tử Tiểu Bạch gặp phải sự ngăn cản của Quản Trọng. Quản Trọng giương cung lắp tên nhắm bắn công tử Tiểu Bạch. Chỉ thấy công tử Tiểu Bạch la lên một tiếng rồi ngã ra xe. Quản Trọng cho rằng công tử Tiểu Bạch đã bị bắn chết nên không vội vàng, cứ từ từ hộ tống công tử Củ về lại nước Tề. Nào ngờ, Quản Trọng chỉ bắn trúng vào móc khuy ở chiếc đai của công tử Tiểu Bạch. Khi công tử Củ phấn chấn tiến vào địa phận nước Tề, công tử Tiểu Bạch sớm đã làm quốc quân, đó chính là Tề Hoàn Công 齐桓公.
          Sau khi Tề Hoàn Công tức vị, hạ lệnh giết chết công tử Củ. Riêng Quản Trọng được Bảo Thúc Nha tiến cử, lại thêm Tề Hoàn Công không hiềm việc cũ, uỷ nhậm Quản Trọng nắm giữ quốc chính.
          Quản Trọng tận tâm tận chức giúp Tề Hoàn Công trị lí đất nước, nước Tề trở nên giàu mạnh.
          Lúc bấy giờ, Quản Trọng thay Tề Hoàn Công đưa ra chủ ý, bảo Tề Hoàn Công mượn danh nghĩa Chu thiên tử, phát hiệu thi lệnh các chư hầu, thay Chu thiên tử triệu khai hội nghị chư hầu; nếu nước nào không nghe theo sẽ giương cờ hiệu Chu thiên tử đi thảo phạt. Như thế, Tề Hoàn Công thành bá chủ, các chư hầu lần lượt tiến cống nước Tề, nước Tề trở thành quốc gia lớn mạnh nhất lúc bấy giờ.
          Có một lần, Khổng Tử cùng học trò Tử Lộ 子路, Tử Cống 子贡 nói về Quản Trọng, thầy trò song phương đều giữ ý kiến của mình, khen chê không giống nhau.
          Tử Lộ nói:
          - Tề Hoàn Công giết anh là công tử Củ, thầy công tử Củ là Quản Trọng lại sống. Xem ra, không thể xem Quản Trọng là người có nhân đức chăng?
          Khổng Tử bảo rằng:
          - Không thể nói như thế, Quản Trọng vẫn là người có nhân đức, ông ta đã khiến cho nước Tề mạnh lên.
          Tử Cống nêu ý kiến:
          - Sao có thể xem Quản Trọng là người nhân được? Công tử Củ bị Tề Hoàn Công giết, Quản Trọng là thầy, theo lễ theo lí và theo tình mà nói Quản Trọng phải tuẫn nạn theo, nhưng ông ta không những không chết mà ngược lại còn đi phò tá kẻ thù, hết lòng trung với Tề Hoàn Công, đó có thể gọi là “nhân” sao?
          Khổng Tử nhẫn nại giải thích:
          - Xem xét một người mà chỉ chăm chăm vào tiểu tiết là không được. Hai trò nghĩ thử, nếu không có Quản Trọng, nước Tề cường thịnh lên được sao? Quản Trọng phò tá Tề Hoàn Công, khiến Tề Hoàn Công xưng bá với chư hầu, trị an thiên hạ (nhất khuông thiên hạ 一匡天下), bách tính chẳng phải nhân đó mà được ích lợi sao?

                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                             Quy Nhơn 12/7/2018

Nguyên tác Trung văn
NHẤT KHUÔNG THIÊN HẠ
一匡天下
TRUNG QUỐC THÀNH NGỮ CỐ SỰ TỔNG TẬP
中国成语故事总集
(tập 1)
Chủ biên: Đường Kì 唐麒
Trường Xuân – Thời đại văn nghệ xuất bản xã, 2004. 
Previous Post Next Post