Dịch thuật: Giải thích như thế nào về bút danh "Lỗ Tấn"

GIẢI THÍCH NHƯ THẾ NÀO VỀ BÚT DANH “LỖ TẤN”

          Lỗ Tấn 鲁迅  vốn tên Chu Chương Thọ 周樟寿, một tên khác là Chu Thụ Nhân 周树人. “Lỗ Tấn” là bút danh được sử dụng lần đầu tiên ở thiên tiểu thuyết bạch thoại Cuồng nhân nhật kí 狂人日记  đăng trên tạp chí Tân thanh niên 新青年 năm 1918. Trước đó, mọi người chỉ biết có Chu Thụ Nhân mà không biết có Lỗ Tấn. Nghe nói, người bạn học của Lỗ Tấn là Hứa Thọ Đường 许寿棠đọc qua Cuồng nhân nhật kí trên Tân thanh niên đã bị cuốn hút bởi nội dung sâu sắc và bút pháp điêu luyện. Khi ông nghiền ngẫm thưởng thức bài văn đó, phát hiện rất giống bút pháp của người bạn có tên Chu Thụ Nhân, nhưng ở đây lại kí tên là “Lỗ Tấn”. “Lỗ Tấn” này là ai? Hứa Thọ Đường không biết, thế là ông viết thư cho Chu Thụ Nhân, hỏi Chu Thụ Nhân có đọc qua Cuồng nhân nhật kí chưa và có biết tác giả bài văn là ai không? Sau khi nhận được thư trả lời, Hứa Thọ Đường mới biết “Lỗ Tấn” hoá ra là Chu Thụ Nhân, là bút danh mới của Chu Thụ Nhân. Về sau, Chu Thụ Nhân thường dùng bút danh “Lỗ Tấn” này khi viết bài, mọi người bắt đầu quen với bút danh này, dần dần mọi người không gọi ông là Chu Thụ Nhân nữa, mà thay vào đó là dùng “Lỗ Tấn”. Cuối cùng mọi người quên mất tên gốc của ông, chỉ biết Lỗ Tấn mà không biết Chu Thụ Nhân.
          Nghe nói, Hứa Thọ Đường từng hỏi Lỗ Tấn tại sao lại lấy bút danh này. Lỗ Tấn đáp rằng, khi ông du học ở Nhật Bản, từng dùng qua bút danh “Tấn Hành” 迅行, bút danh này có ý là tự động viên mình phấn phát tiến lên, nhưng tạp chí Tân thanh niên không đồng ý ông dùng bút danh đó, cho nên tạm thời đổi “Tấn Hành” sang “Lỗ Tấn”. “Lỗ” là dùng họ của mẫu thân, Chu và Lỗ  vốn lại là hai nước gốc cùng một tính (họ). “Lỗ Tấn” lại có nghĩa là ngu muội lỗ mãng (ngu lỗ 愚鲁) nhưng lại nhanh nhẹn (tấn tốc 迅速).
          Sử học gia nổi tiếng Hầu Ngoại Lư 侯外庐  đã có một cách giải thích khác về bút danh “Lỗ Tấn”. Trong một bài viết, ông nói rằng, nhìn chung mọi người giải thích chữ “tấn” là “khoái tốc” 快速, “tấn tiệp” 迅捷 (tức nhanh nhẹn) là có chút không rõ. Ông nói, trong Nhĩ nhã – Thích thú 尔雅 - 释兽 có giải thích chữ “tấn” là:
Tẫn lang, kì tử kích, tuyệt hữu lực, tấn.
牝狼, 其子獥, 绝有力,
(Sói mẹ, con của nó nhanh nhẹn, rất có sức mạnh, tên là tấn)
Với chú thích là:
Lang tử tuyệt hữu lực giả, viết tấn.
狼子绝有力者, 曰迅
(Sói con rất có sức mạnh, gọi là tấn)
          Chữ trong bài viết tức là chữ , với bộ  (khuyển) ý nói thú tính; với bộ  (thuỷ) ý nói thuỷ tính, đều hàm nghĩa là kịch liệt, quyết liệt, có sức mạnh. “Tấn” tức con sói con trong ý cổ. Tên của Lỗ Tấn có thể giải thích là sói con dũng mãnh của sói mẹ. Hầu Ngoại Lư cho rằng, Chu Thụ Nhân lấy bút danh Lỗ Tấn tự ví mình là sói con, biểu hiện được tinh thần dũng cảm phản nghịch đối với chế độ phong kiến.  Hầu Ngoại Lư từng đem cách giải thích này hỏi ý kiến của phu nhân Lỗ Tấn là Hứa Quảng Bình 许广平. Hứa Quảng Bình sau khi nghe qua, luôn cười và nói “Cám ơn! Cám ơn!” Có phải là bà đã thừa nhận cách giải thích này hay không, xem ra chưa có cách nào khẳng định, nhưng cách giải thích này phù hợp với sự từng trải về tư tưởng của Lỗ Tấn lại là điều không còn nghi ngờ gì nữa.
         
                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 11/7/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post