Dịch thuật: Bí ẩn "Lạc thần phú"

BÍ ẨN “LẠC THẦN PHÚ”

          Lạc thần phú 洛神赋  là tác phẩm đại biểu của thể loại phú trong văn học thời Kiến An 建安 (1). Cấu tứ toàn bài phú thần kì, lời văn tươi đẹp, được người đời sau khen là giai tác truyền thế có thể sánh với Cửu ca – Tương quân 九歌 - 湘君 của Khuất Nguyên 屈原. Nhưng nguyên nhân nào đã kích phát nhiệt tình của tác giả đương lúc ở vào nghịch cảnh như thế? Chủ đề của Lạc thần phú là gì? Cả ngàn năm nay vẫn là đề tài mà các tao nhân mặc khách tranh luận không thôi.
          Tào Thực 曹植 (192 – 232), tự Tử Kiến 子建, con thứ 3 của Tào Tháo 曹操, em của Tào Phi 曹丕, người nước Bái (nay là huyện Bạc tỉnh An Huy 安徽). Tào Thực lúc nhỏ đã có văn tài, Tào Tháo rất sủng ái, có dạo định lập làm thái tử. Về sau Tào Phi 曹丕, Tào Duệ 曹睿nối nhau làm đế, Tào Thực bị nghi kị áp bức, u uất mà chết. Những tác phẩm thời kì đầu của Tào Thực biểu hiện sự động loạn của xã hội và hoài bão của mình, tác phẩm thời kì sau tràn đầy tình cảm phẫn kích, thường thông qua phương pháp tỉ hứng để bày tỏ nỗi bất bình mà tác giả bị áp chế và tâm tình muốn giải thoát tự do cá nhân.
          Lạc thần là nữ thần sông Lạc trong truyền thuyết cổ đại, còn gọi là Lạc Tần 雒嫔,tên là Phục Phi 宓妃 (2). Trong Văn tuyển 文选, Lí Thiện 李善 chú dẫn lời của Như Thuần 如淳:
Phục Phi, Phục Hi thị chi nữ, nịch tử vu Lạc thuỷ, vi thần.
宓妃, 伏羲氏之女, 溺死于洛水, 为神.
(Phục Phi là con gái của Phục Hi thị, chết đuối ở sông Lạc, hoá làm thần)
          Truyền thuyết nói rằng bà là vợ của Hà Bá 河伯, từng cùng với Hậu Nghệ 后羿 - vị anh hùng bắn mặt trời, yêu nhau.
          Tào Thực sáng tác Lạc thần phú vào những năm đầu niên hiệu Hoàng Sơ 黄初 (năm 223) (3). Về chủ đề của bài phú này, có thuyết cho rằng, Tào Thực sáng tác Lạc thần phú là để hoài niệm người chị dâu của mình là Chân Hậu 甄后 đã qua đời, cho nên lúc ban đầu bài phú có tên là Cảm Chân phú 感甄赋. Trong Văn tuyển có ghi rằng, sau khi Chân Hậu mất, Tào Thực vào kinh triều bái hoàng thượng, nhìn thấy di vật của Chân Hậu, bèn nghĩ tới nỗi bất hạnh của Chân Hậu mà không ngăn được nước mắt. Lúc ra về, đi ngang qua sông Lạc, thấy hình ảnh của Chân Hậu hiển hiện, buồn vui lẫn lộn, bèn viết ra Cảm Chân phú. Sau khi Nguỵ Minh Đế 魏明帝 đọc được đã đổi là Lạc thần phú. Nhưng thuyết này chưa thấy chính sử ghi chép, một số học giả cho rằng thuyết này là do người đời sau từ tiểu thuyết Cảm Chân kí 感甄记 mà đặt ra nên không đáng tin.
          Người theo quan điểm này cho rằng, Lạc thần phú đã tạo nên hình tượng Lạc thần xinh đẹp si tình, có tài mà không gặp được thời. Với lời văn mê li mơ màng không thực, tác giả đã miêu tả được câu chuyện cảm thương về tình yêu giữa người và thần, nhưng cuối cùng không thể kết hợp. Nhưng nếu Tào Thực đem Chân Hậu hoá thành Lạc thần, là nói Tào Thực đã sản sinh lòng ái mộ đối với chị dâu. Điều này đối với huynh đệ mà nói, là bất nghĩa, đối với quân thần mà nói, là bất trung. Việc bất nghĩa bất trung, đại nghịch bất đạo đó, Tào Thực làm sao có thể làm được.
          Thế là từ xưa tới nay, nhiều người vẫn còn nghiên cứu tính chân nguỵ của cách nói này. Tổng hợp lại, có mấy điểm như sau:
          1- Bản chú của Lí Thiện 李善không có chú điều này, mà là Vưu Mậu 尤袤đời Tống khi biên soạn Văn tuyển 文选 đã dẫn dụng sai.
          2- Tào Thực yêu chị dâu là cực không có khả năng, mà cho dù là có cũng không thể to gan viết Cảm Chân phú. Tào Phi và Tào Thực, giữa anh em với nhau do vì đấu tranh về chính trị nên quan hệ rất căng thẳng, Tào Thực viết Cảm Chân phú tất bị xem là “sắc đảm bao thiên” (色胆包天 -  tham luyến dâm dục, gan to bao được cả trời), sẽ dẫn đến hoạ diệt thân.
          3- Có mưu đồ với vợ của anh, đó là “cầm thú chi ác hạnh” 禽兽之恶行, đối với bách tính mà nói, đã là việc không thể dung thứ huống hồ là hậu của đế vương?
          4- Quả thực là có bài Cảm Chân phú, nhưng hoàn toàn không phải là Lạc thần phú.
          5- Lạc thần phú là ví hoàng đế lúc bấy giờ là Tào Phi với Lạc thần.
          Những người đối lập lại cho rằng, Lạc thần chính là Chân Hậu. Thiên Tiêu khoáng 萧旷 trong Thái Bình quảng kí 太平广记, thiên Truyền kì 传奇 trong Loại thư 类书, đều có miêu tả câu chuyện Lạc thần nữ là Chân Hậu. Trong thơ của Lí Thương Ẩn 李商隐nhiều lần dẫn dụng tình tiết Tào Thực hoài niệm Chân Hậu. Quách Mạt Nhược 郭沫若trong bài viết Luận Tào Thực 论曹植cũng đã cho rằng, thời Nguỵ Tấn, mối quan hệ nam nữ không hề nghiêm ngặt, từ đó mà suy, Lạc thần phú là sáng tác để hoài niệm Chân Hậu.
          Về chủ đề của Lạc thần phú, văn nhân từ cuối thời Đông Hán đến Quách Mạt Nhược của thế kỉ 20, tranh luận cả ngàn năm, song phương đều không đưa ra được chứng cứ trực tiếp để nói rõ Lạc thần phú có phải sáng tác để hoài niệm Chân Hậu hay không. Những quan điểm nêu trên đa phần cũng là suy luận. Nếu nói là sáng tác để hoài niệm Chân Hậu, dùng tài liệu xác đáng nào để bác bỏ nghi vấn mà những người chủ trương phủ định nêu ra; Nếu nói là không phải để hoài niệm Chân Hậu, thế thì tại sao Tào Thực lại viết Lạc thần phú; Nếu nói là ca tụng quân vương, Tào Thực về chính trị nhiều lần bị anh bức hại thì làm sao có thể sản sinh tình cảm chân thành giống như Lạc thần phú. Cho đến hiện nay vấn đề này vẫn còn là một bí ẩn.

Chú của người dịch
1- Kiến An 建安: Là niên hiệu của Hán Hiến Đế Lưu Hiệp 汉献帝刘协. Niên hiệu này bắt đầu từ năm 196 đến năm 220, tổng cộng 25 năm.
2- Về chữ : Hán Việt tự điển của Thiều Chửu ghi rằng:
          “Mật: Yên lặng. Một âm là phục, cũng như chữ phục
Trong Nguỵ Tấn Nam Bắc triều tản văn 魏晋南北朝散文 của Tào Minh Cương 曹明纲biên soạn, ở Lạc thần phú 洛神赋, mục chú 3 có chú rằng:
  (fú – phục) Phi:Tương truyền vi Phục (Phục) Hi chi nữ, nịch Lạc thuỷ nhi tử, toại vi Lạc thuỷ chi thần.
(fú - ) : 相传为宓 () 羲之女, 溺洛水而死, 遂为洛水之神.
          (Phục Phi: Tương truyền là con gái của Phục Hi, chết đuối ở sông Lạc, bèn hoá thành thần sông Lạc)
          (Thượng Hải thư điếm xuất bản xã, năm 2000, trang 131)
          Như vậy, 宓妃 đọc là “Phục Phi”.
3- Hoàng Sơ 黄初: Là niên hiệu của Nguỵ Văn Đế Tào Phi 魏文帝曹丕. Niên hiệu này bắt đầu từ năm 220 đến năm 226, tổng cộng 7 năm.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                                          Quy Nhơn 25/7/2018

Nguyên tác Trung văn
“LẠC THẦN PHÚ” CHI MÊ
 “洛神赋之谜
Tác giả: Vu Hồng 于红
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CHI MÊ
中国历史之谜
Chủ biên: Lí Quảng Sinh 李广生
Thiên Tân: Bách hoa văn nghệ xuất bản xã, 2001
Previous Post Next Post