Dịch thuật: Tây Thái Hậu và tốn đế Phổ Nghi

TÂY THÁI HẬU VÀ TỐN ĐẾ (1) PHỔ NGHI

          Tây Thái Hậu Diệp Hách Na Lạp Thị 西太后叶赫那拉氏, người chánh hoàng kì Mãn Châu, con gái của Huệ Trưng 惠徵 ở đạo Quảng Thái 广太 Huy Ninh Trì 徽宁池 An Huy 安徽, là hoàng hậu của hoàng đế Hàm Phong 咸丰. 
          Tây Thái Hậu cũng còn được gọi là Na Lạp Thái Hậu 那拉太后, Từ Hi Hoàng Thái Hậu 慈禧皇太后
          Năm Hàm Phong 咸丰nguyên niên tức năm 1851, Na Lạp Thị tiến cung, phong làm Ý Quý Nhân 懿贵人, năm đó bà mới 16 tuổi. 4 năm sau, phong làm Ý Tần 懿嫔. Qua 2 năm nữa, bà sinh Tái Thuần 载淳 (2) tức Mục Tông 穆宗, tấn phong Ý Phi 懿妃, năm sau thăng lên Ý Quý Phi 懿贵妃.
          Năm Hàm Phong thứ 10, bà theo Văn Tông 文宗chạy đến Nhiệt Hà 热河. Năm sau Văn Tông qua đời, con là Tái Thuần lên ngôi, năm đó Tái Thuần chỉ mới 6 tuổi, Na Lạp Thị và Hiếu Trinh Hoàng Hậu 孝贞皇后cùng được tôn làm Hoàng Thái Hậu. Na Lạp Thị cư tang ở tại Tây Noãn các 西暖阁tại Yên Ba Trí Sảng điện 烟波致爽殿của hành cung Nhiệt Hà, nên nhân đó gọi bà là Tây Thái Hậu.
          Văn Tông di mệnh, Di Thân Vương Tái Viên 怡亲王载垣, Trịnh Thân Vương Đoan Hoa 郑亲王端华, Hiệp biện Đại học sĩ Thượng thư Túc Thuận 肃顺 làm Tán tương chính vụ vương đại thần 赞襄政务王大臣, phụ giúp ấu chúa. Na Lạp Thị phát động chính biến, bắt giam phụ chính đại thần, một mình nắm đại quyền, buông rèm thính chính.
          Sau khi Tây Thái Hậu chấp chính, nhờ vào vũ trang địa chủ của nhóm Tăng Quốc Phiên 曾国藩, trấn áp Thái Bình quân 太平军, Niệm quân 捻军và cuộc khởi nghĩa của Miêu dân 苗民. Năm Đồng Trị 同治 thứ 12, Tây Thái Hậu tuyên bố giao chính quyền cho con là Mục Tông Tái Thuần 穆宗载淳, nhưng trên thực tế vẫn nắm giữ đại quyền, đến năm sau, Tái Thuần bị bệnh và qua đời, Tái Điềm 载湉 4 tuổi được sách lập làm hoàng đế, đó là hoàng đế Thanh Đức Tông Quang Tự 清德宗光绪, Tây Thái hậu một lần nữa lại buông rèm thính chính. Tây Thái Hậu dựa vào Lí Hồng Chương 李鸿章 triển khai phong trào Dương vụ 洋务 (3), trước sau dưới sự cưỡng bức của liệt cường đã phải kí một loạt điều ước bất bình đẳng. Tàn sát Nghĩa Hoà đoàn 义和团. Năm Quang Tự thứ 34, Tây Thái Hậu bị bệnh và qua đời hưởng niên 74 tuổi.
          Thanh tốn đế Phổ Nghi 溥仪là con của Thuần Thân Vương Tái Phong 醇亲王载沣, em trai của hoàng đế Quang Tự, mẫu thân là Tô Hoàn Qua Nhĩ Giai Thị 苏完瓜尔佳氏.
          Ngày 20 tháng 10 năm Quang Tự thứ 34, Quang Tự bệnh nặng, Tây Thái Hậu mệnh cho Phổ Nghi nhập cung giáo dưỡng, để Tái Phong làm Nhiếp chính vương. Thuần Vương Thái phúc tấn (4) nghe mệnh, lớn tiếng khóc, ôm chặt Phổ Nghi không buông, bà lớn tiếng nói rằng:
          - Giết con ta rồi, giờ lại muốn giết cháu ta. Tuy danh nghĩa là hoàng thượng, nhưng thực tế là bị giam cầm suốt đời!
          Ngày hôm sau, Quang Tự qua đời, Tây Thái Hậu mệnh cho Phổ Nghi kế vị. Ngày hôm sau, Tây Thái Hậu cũng qua đời.
          Năm Tuyên Thống 宣统 thứ 3 tức năm 1911, Đồng minh hội 同盟会của Tôn Trung Sơn 孙中山khởi nghĩa tại Quảng Châu 广州. Các nơi loạn lạc, gió thốc mây mù. Ngày 10 tháng 10, Vũ Xương 武昌 khởi nghĩa, các tỉnh hưởng ứng, cùng tôn Tôn Trung Sơn làm Lâm thời Đại tổng thống.
          Ngày 25 tháng 12 năm đó, triều đình nhà Thanh bị bức phải tuyên cáo Phổ Nghi thoái vị. Triều Thanh đến đây là diệt vong, trải qua 11 đời hoàng đế, tổng cộng được 276 năm.
          Ngày 1 tháng 7 năm 1917, quân phiệt Trương Huân 张勋khôi phục ngai vàng, đưa Phổ Nghi lên ngôi trở lại, thời gian chỉ được 12 ngày.
          Năm 1924, phế bỏ đế hiệu, Phổ Nghi bị bức rời khỏi Tử Cấm thành.
          Cuối năm 1931, dưới kế hoạch xâm chiếm Trung Quốc của Nhật Bản, Phổ Nghi ngầm đến vùng đông bắc, thay thế nguỵ Mãn Châu chấp chính.
          Năm 1934, Phổ Nghi ra đảm nhiệm hoàng đế của đế quốc Mãn Châu.
          Năm 1945, Phổ Nghi bị quân Liên Xô bắt.
          Tháng 8 năm 1950, Phổ Nghi được giao cho chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, sau khi cải tạo, ngày 4 tháng 12 năm 1959 được đặc xá.
          Ngày 17 tháng 10 năm 1967, Phổ Nghi bệnh và qua đời tại Bắc Kinh, hưởng niên 62 tuổi.

Chú của người dịch
1- Tốn đế 逊帝: hoàng đế thoái vị
2- Về âm đọc của chữ
Có 2 âm:
     - Âm Hán Việt đọc “Tái”, bính âm là “zai” với thanh 4.
          - Âm Hán Việt đọc “Tải”, bính âm là “zai” với thanh 3
          Chữ trong tên nhân vật 载淳, một số tư liệu trên mạng bính âm là “zai” với thanh 4, nên ở đây tôi phiên âm “tái”, tên nhân vật là “Tái Thuần”.
3- Phong trào Dương vụ: tức “Dương vụ vận động” 洋务运动cũng gọi là “Tự cứu vận động” 自救运动, “Tự cường vận động” 自强运动vào cuối đời Thanh. Phong trào này do phái Dương vụ  tiến hành từ năm 1861 đến năm 1895 dẫn đến sự trang bị quân sự tây phương, sản xuất cơ khí và khoa học kĩ thuật để bảo vệ sự thống trị của nhà Thanh. Khẩu hiệu thời kì đầu là “tự cường”, khẩu hiệu thời kì sau là “cầu phú”. Chiến tranh Giáp Ngọ năm 1894 thất bại, tuyên cáo phong trào Dương vụ phá sản.
4- Phúc tấn 福晋: dịch âm từ tiếng Mãn có nghĩa là “phu nhân”. Vợ của Thân vương, Quận vương hoàng thất người Mãn được gọi là “Phúc tấn”. Xưng vị thê thiếp có: đích Phúc tấn 嫡福晋 (đích thê), trắc Phúc tấn 侧福晋 (trắc thất) và thứ Phúc tấn 庶福晋 (tì thiếp).

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                            Quy Nhơn 29/8/2018

Nguồn
HOÀNG TRIỀU ĐIỂN CỐ KỈ VĂN
皇朝典故纪闻
Tác giả: Hướng Tư 向斯
Bắc Kinh: Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2002
Previous Post Next Post