SỬ THƯ THỜI XUÂN THU CHIẾN QUỐC
(tiếp theo)
- Lần này có thể ra tay được rồi!
Trang
Công liền hạ lệnh công tử Lữ 吕thống lĩnh 200 chiến
xa đi đến kinh thành công phạt. Bách tính ở kinh thành lần lượt quay lưng với
Thúc Đoạn, Thúc Đoạn tháo chạy đến Yển thành 鄢城.
Đội quân của Trang Công đuổi theo đến Yển thành, Thúc Đoạn bất đắc dĩ chạy đến
nước Cộng 共.
Sau khi
Trang Công bức Thúc Đoạn tháo chạy, liền bắt giam Khương thị, đồng thời thề rằng:
- Không
đến suối vàng, quyết không gặp mặt.
Nhưng
chẳng bao lâu, lại hối hận đã làm như thế.
Khảo
Thúc 考叔biết được sự việc đó, nhân lúc hiến dâng cống phẩm đến
gặp Trang Công. Khi Trang Công khoản đãi, Khảo Thúc cố ý để thịt qua một bên.
Trang Công hỏi vì sao lại làm như thế. Khảo Thúc đáp rằng:
- Tiểu nhân còn mẹ già, những thứ ở nhà bà đều
đã ăn qua, chỉ chưa nếm được những món ngon của quốc quân. Nay xin quốc quân
cho phép tiểu nhân đem những miếng thịt này về nhà cho mẹ.
Trang
Công nghe qua, cảm khái than rằng:
- Ôi! Khanh hãy còn có mẹ, ta thì không!
Khảo
Thúc cố ý hỏi:
- Xin hỏi đại vương, những lời đó có ý gì?
Trang
Công thuật lại sự việc mình đã thề không gặp Khương thị, đồng thời nói rằng rất
hối hận về việc đó.
Khảo
Thúc nói rằng:
- Điều đó có gì là khó đâu? Chỉ cần đào một đường
hầm, đào đến lúc gặp nước suối, đại vương cùng lão phu nhân gặp mặt nơi đó, sẽ
không có ai nói đại vương phản lại lời thề đâu.
Trang
Công cảm thấy rất có lí, bèn làm theo. Từ đó, Trang Công và Khương thị khôi phục
lại mối quan hệ mẹ con.
Tác phẩm
Trịnh Bá khắc Đoạn vu Yển không chỉ
ghi chép lại lịch sử, mà còn dùng giọng văn đĩnh đạc khắc hoạ một cách sinh động
tính cách nguỵ thiện âm hiểm của Trịnh Trang Công, tính tự tư của Khương thị ,
sự ngu xuẩn và lòng tham quyền thế của Thúc Đoạn. Thông qua câu chuyện lịch sử
này, tác giả đã vạch trần và phê bình nội bộ tập đoàn thống trị quý tộc vì
tranh quyền đoạt lợi mà gây ra tình huống cốt nhục tương tàn.
Trong sử liệu mà sử quan các
nước thời Xuân Thu ghi chép, còn có một tác phẩm khác tương đối nổi tiếng, đó
là Quốc ngữ 国语. Có người cho rằng
tác phẩm đó do Tả Khâu Minh 左丘明biên soạn. Nhân vì
nó không phải viết lời truyện cho Xuân
Thu, cho nên cũng gọi là Xuân Thu ngoại
truyện 春秋外传. Kì thực, bộ sách này là do người thời Chiến Quốc tập trung sử liệu của
các nước biên soạn mà thành. Thể lệ của nó là lấy “quốc” làm đơn vị để thuật lại
lịch sử, nội dung chủ yếu là những ngôn luận trọng yếu của quý tộc, cho nên gọi
là “Quốc ngữ”. Còn như sự khu biệt giữa Quốc
ngữ và Tả truyện, chỉ là sự khác
nhau giữa “phân quốc kỉ sự” 分国纪事và “biên niên kỉ sự”
编年纪事 mà thôi.
Nhìn từ phương diện văn học, Quốc ngữ không như Tả truyện, nhưng ở một số thiên cũng có những đoạn miêu tả rất hay.
Nhân vì Quốc ngữ chủ yếu ghi chép
ngôn luận, nên về phương diện miêu tả đối thoại đa phần tương đối thành công. Thiệu Công gián nhị báng 召公谏弭谤 trong Quốc ngữ chính là một thiên như thế.
Năm 849
trước công nguyên, Chu Lệ Vương 周厉王nghe theo mưu kế của
Vinh Di Công 荣夷公 một kẻ
giỏi vơ vét tiền tài, đã thực hành chính sách chuyên lợi, trực tiếp khống chế đối
với sản vật tự nhiên của núi rừng sông hồ,
không cho bách tính dựa vào đó để mưu sinh, đồng thời áp chế một cách
hung bạo, dẫn đến sự phản đối của bách tính, bách tính lũ lượt chỉ trích Lệ
Vương. Nhưng, Lệ Vương cố chấp, ra sức sát hại những người phản đối, cấm chỉ mọi
người nói năng.
Thiệu
Công 召公 rất bất mãn cách làm của Lệ Vương, khuyên ông ta rằng:
- Bách tính chịu không nỗi chính lệnh bạo ngược
của ngài.
Chu Lệ
Vương không những không nghe lời khuyên, mà ngược lại còn tìm một vu chúc (người
cầu thần vấn quỷ) của nước Vệ, lệnh cho ông ta đi giám sát những người phản đối
và chỉ trích mình. Chỉ cần vu chúc báo cáo ai phản đối, Lệ Vương liền giết chết.
Như thế, bách tính không có ai còn dám nói những lời phản đối; gặp người quen
trên đường, lúc chào nhau cũng chỉ đành dùng mắt ra hiệu.
Lệ
Vương vô cùng vui mừng, nói với Thiệu Công:
- Ta có biện pháp “nhị báng” 弭谤 rồi (ngăn chặn sự phỉ báng), hiện tại ai cũng không
dám phỉ báng ta nữa!
Thiệu
Công nghe Lệ Vương nói như thế, liền giảng một đoạn rất dài:
- Ngài chẳng qua chỉ là bịt được miệng người. Bịt
miệng bách tính, hậu quả của nó đáng sợ hơn ngăn chặn dòng nước. Người trị thuỷ
luôn khơi thông đường nước, để nước có thể chảy dễ dàng; người quản lí dân
chính, phải mở đường cho bách tính, để họ phát biểu ý kiến. Làm một bậc thiên tử
phải thu nạp dư luận, khiến đại thần dâng ca dao dân ca, khiến sử quan dâng những
bài giáo huấn lịch sử, khiến nhạc công diễn xướng những ca từ hoà thiện với người.
Nên để cho những lời của bách tính có thể đến được bên tai, nên để cho thần tử
mạnh dạn nói hết những lời can gián, nên để cho quan thái sử quản về lễ tiết chỉ
dạy mọi việc tuân theo quy củ, nên để cho bậc trưởng bối có trí mưu, đức hạnh
chỉ dạy mọi việc phải cẩn thận. Có như vậy, những việc mà thiên tử làm sẽ không
bao giờ ngược với tình lí, không có nguyện vọng nào mà không phù hợp với bách
tính.
Thiệu
Công thấy Lệ Vương có nghe nhưng không để trong lòng, liền tăng thêm ngữ khí,
nói rằng:
- Bách tính có miệng để nghị luận, cũng như
trên mặt đất có núi cao sông lớn, có núi cao sông lớn mới sản sinh ra tài vật
châu báu; cũng như trên mặt đất có bình nguyên, nơi thấp và ruộng đồng màu mỡ,
có những nơi đó mới có y phục lương thực. Miệng của bách tính một khi được nói,
việc tốt việc xấu đều phân biệt rõ ràng. Ngài nên làm nhiều những việc mà bách
tính cho là tốt, ngăn ngừa những việc mà bách tính cho là xấu, như thế ngài sẽ
có được tài nguyên dồi dào, y phục lương thực đầy đủ. Lời của bách tính là những
lời mà họ đã nghĩ đi nghĩ lại trong lòng mới nói ra, kềm nén không được nên mới
tuôn ra, làm sao có thể bịt lại được? Bịt chặt miệng mọi người thì còn được bao
nhiêu người ủng hộ ngài?
Cho dù
Thiệu Công hết lời khuyên bảo, Lệ Vương vẫn không nghe. Và như vậy, bách tính một
câu cũng không dám nói. Qua 3 năm, bách tính đã hành động, cuối cùng đuổi Lệ
Vương bỏ chạy.
Tính
cách của hai nhân vật Thiệu Công và Lệ Vương trong Thiệu Công gián nhị báng召公谏弭谤 chủ yếu là dùng đối thoại để biểu hiện. Đặc biệt là
lời của Thiệu Công, có tình có lí, dễ nghe, biểu hiện kĩ xảo miêu tả cao siêu của
tác giả.
Thời
Chiến Quốc xuất hiện nhiều mưu sĩ thuyết khách. Họ thông qua ngôn từ du thuyết để triển khai hoạt động chính trị, từ đó
xuất hiện những ghi chép có liên quan các loại ngôn luận và hoạt động của những
nhân vật này. Đến triều Tần hoặc đầu thời Tây Hán, có người đem những ghi chép
đó chỉnh lí lại thành sách, đó chính là Chiến
quốc sách 战国策. Trên thực tế Chiến quốc sách
là tập sách ghi chép những sách lược và truyền thuyết thời Chiến Quốc.
Chiến quốc sách tuy cũng lấy việc ghi
chép ngôn luận làm chính, nhưng về phương diện khắc hoạ nhân vật và miêu tả sự
kiện lịch sử một cách hình tượng hoá, đều tiến một bước so với Quốc ngữ. Nó thuyết lí rõ ràng, lại giỏi
ở chỗ vận dụng tỉ dụ và câu chuyện ngụ ngôn dân gian, do đó hình tượng càng
sinh động. Tân Trang khuyến thuyết Sở
Tương Vương 辛庄劝说楚襄王 có thể nói là một trong những tác phẩm đại biểu.
Sau khi
Sở Hoài Vương 楚怀王bị Tần Vương lừa gạt chết ở nước Tần, Sở Tương Vương 楚襄王kế vị, ông không những không nghĩ cách chấn hưng nước Sở,
mà còn nghe theo bọn tiểu nhân, chìm đắm trong tửu sắc. Đại thần Tân Trang 辛庄 khuyên nên quyết tâm vươn lên, đồng thời cảnh cáo rằng
nếu không thì nước Sở sẽ không còn.
Tương
Vương căn bản nghe không lọt tai những lời của Tân Trang, trách mắng ông ta đầu
óc u tối. Trong tình hình đó, Tân Trang đến nước Triệu lánh thân một thời gian.
Tân
Trang đến nước Triệu chưa được nửa năm, quả nhiên nước Tần công hạ nhiều nơi trọng
yếu của nước Sở. Tương Vương chạy đến Thành Dương 城阳mới
nghĩ đến những dự ngôn lúc ban đầu của Tân Trang, liền sai người đón ông ta về
nước.
Tương
Vương thấy Tân Trang, xấu hổ nói rằng:
- Ta lúc đầu không nghe lời khuyên của tiên
sinh, đến nỗi ngày nay đến nước này. Hiện ta phải làm sao đây?
Tân
Trang đáp rằng:
- Lời tục có nói: ‘Nhìn thỏ rồi mới thả chó
săn, đó không cho là muộn; mất bò mới lo làm chuồng, đó cũng không cho là chậm.’
Thương Thang và Chu Vũ Vương thời cổ, lúc đầu đất đai chẳng qua chỉ có mấy trăm
dặm, về sau có được thiên hạ. Còn Hạ Kiệt và Thương Trụ, vốn có thiên hạ, nhưng
cuối cùng bị diệt vong. Nay địa bàn nước Sở so với trước tuy nhỏ hơn, nhưng vẫn
còn lớn đến mấy ngàn dặm. Chỉ cần ngài chăm chỉ sửa sai, thi hành đức chính giống
Thương Thang, Chu Vũ
Vương, nước Sở nhất định cường thịnh trở lại.
Tiếp
đó, Tân Trang dùng nhiều tỉ dụ, nói đi nói lại đạo lí đó.
- Ngài lẽ nào chưa thấy qua chuồn chuồn sao?
Nó chỉ có 6 chân với 4 mảnh cánh mỏng, bay thấp ăn muỗi, ngẩng đầu uống giọt
sương, tự cho rằng không lo không lắng. Không ngờ thằng bé nghịch ngợm lấy nước
đường bôi trên đầu sợi dây nhỏ, rồi nhắm đến nó mà ra tay. Rốt cuộc chuồn chuồn
rơi xuống đất làm mồi cho lũ kiến.
Chuồn chuồn cho là nhỏ sao, thế thì
chim sẻ cũng như vậy, bay thấp mổ thóc, bay cao dừng lại đậu trên cây, tự cho
mình không lo không lắng, không ngờ bị trúng đạn, trở thành món mồi trong bữa
rượu của con người.
Chim sẽ vẫn cho là nhỏ sao, thế thì
thiên nga cũng như thế. Nó bơi giữa sông biển, nghỉ bên cạnh hồ lớn, tự cho
mình không lo không lắng. Không ngờ bị cung tên bắn trúng, trở thành món ngon
thơm phức trong nồi.
Sau khi
vận dụng nhiều tỉ dụ, Tân Trang lại nói đến Tương Vương:
- Tình hình của ngài cũng như thế. Cơm mà ngài
ăn là gạo trắng, đồ trang sức trên xe toàn là vàng bạc, cả ngày cùng bọn tiểu
nhân giong ngựa trên thảo nguyên, chẳng nghĩ đại sự trong thiên hạ. Không ngờ đại
tướng của Tần Vương tiếp nhận mệnh lệnh, thống lĩnh đại quân đánh Sở, chiếm lĩnh vùng đất rộng lớn, đuổi ngài chạy
xa. Nếu hiện ngài vẫn chưa tỉnh ngộ, thì chỉ sợ nhanh chóng sẽ mất nước.
Tương
Vương nghe qua những lời ấy, sợ đến nỗi sắc mặt trắng bệch, toàn thân run rẩy,
vội phong Tân Trang làm Dương Lăng Quân 阳陵君,
về sau Tương Vương dùng mưu kế của Tân Trang mới thu phục được quốc thổ.
Các bộ
sử thư Xuân Thu, Tả truyện, Quốc ngữ, Chiến
quốc sách đã bảo lưu cho người đời sau nhiều tư liệu lịch sử thời Xuân Thu
Chiến Quốc. Mọi người đã dựa vào những bộ sử thư này, từ văn tự mới hiểu được
tình hình chính trị, kinh tế, quân sự, tư tưởng. Giá trị văn hoá của những bộ sử
thư này là vô cùng, không có cách gì đánh giá được. (hết)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 11/6/2018
Nguyên tác Trung văn
XUÂN THU CHIẾN QUỐC ĐÍCH SỬ THƯ
春秋战国的史书
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản)
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật