Dịch thuật: Sử thư thời Xuân Thu Chiến Quốc

SỬ THƯ THỜI XUÂN THU CHIẾN QUỐC

          Từ thế kỉ 11 trước công nguyên bắt đầu từ Chu Vũ Vương 周武王diệt nhà Thương, đến năm 771 trước công nguyên Chu U Vương 周幽王bị giết, trong lịch sử Trung Quốc gọi là thời Tây Chu. Năm 770 trước công nguyên, Chu Bình Vương 周平王 dời sang phía đông đến Lạc Ấp 洛邑 (nay là thành phố Lạc Dương 洛阳 tỉnh Hà Nam 河南), tiến vào thời kì Đông Chu trong lịch sử Trung Quốc.
          Đông Chu lại có thể phân làm 2 thời kì đó là Xuân Thu và Chiến Quốc. Từ năm 770 trước công nguyên đến năm 476 trước công nguyên là thời Xuân Thu; còn từ năm 475 trước công nguyên đến năm 221 trước công nguyên Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇thống nhất Trung Quốc, gọi là thời Chiến Quốc.
          Là danh xưng của một thời đại, sao lại dùng 2 chữ “xuân thu” 春秋? Nguyên lai là do nước Lỗ có bộ biên niên sử Xuân Thu mà có tên như thế. Niên đại lịch sử mà bộ sử này ghi chép về sau xác định đại để tương đồng với niên đại Xuân Thu, cho nên đã lấy đó làm danh xưng của một thời đại.
          Từ thời Ân Chu, Trung Quốc đã ghi chép lịch sử. Trong giáp cốt văn có danh xưng “khanh sử” 卿史 “ngự sử” 御史, chứng minh lúc bấy giờ đã có sử quan. Nhưng, sử quan đương thời chỉ là người quản lí văn thư, soạn văn thư cho quý tộc chủ nô; còn gọi là sử thư thì chỉ là văn thư và hồ sơ mà thôi.
          Sử thư sớm nhất của Trung Quốc phải kể đến Thượng thư 尚书. Trên thực tế, nó là tập sách văn kiện lịch sử cổ đại. (thượng) tức (thượng), ý nghĩa của Thượng thư là sách của đời trước đến nay, tương truyền do Khổng Khâu 孔丘 tuyển chọn biên soạn mà thành. Đến nay còn tồn 29 thiên, trong đó nhiều thiên là do người đời sau ghi thêm. Thượng thư tuy không thể xem là một bộ sử thư hoàn chỉnh có hệ thống, nhưng có thể nói nó là manh nha cho sử thư Trung Quốc.
          Đến thời Tây Chu, tổ chức chính trị của nhà nước tương đối phức tạp hơn, đương thời thiết lập các sử quan như Đại sử 大史, Tiểu sử 小史, Nội sử 内史, Ngoại sử 外史, Ngự sử 御史v.v... Trong đó Nội sử chủ yếu ghi chép ngôn luận, Ngoại sử chủ yếu ghi chép sự kiện. Từ đó, quốc gia đã có vị sử quan chuyên môn ghi chép lại ngôn hành của kẻ thống trị.
          Thời Tây Chu phân phong nhiều chư hầu, các chư hầu quốc cũng thiết lập sử quan. Về sau, những ghi chép của sử quan nước Lỗ được gọi là “Xuân Thu”. Khổng Khâu lúc vãn niên đã làm một công việc quan trọng, đó là dựa vào bộ Xuân Thu mà sử quan nước Lỗ biên soạn cải đính lại, thành bộ sử thư nổi tiếng – bộ Xuân Thu.
          Bộ Xuân Thu mà Khổng Tử cải đính là bộ sử thư theo thể biên niên. Gọi là thể biên niên là vì đặc điểm thể lệ này lấy thời gian làm tuyến chính, theo thứ tự niên đại thuật lại những sự kiện lịch sử phát sinh trong mỗi năm. Tuy những ghi chép là lịch sử nước Lỗ, nhưng cũng có ghi chép lịch sử của một số nước khác, so với tập sử liệu Thượng thư đã có bước tiến bộ. Loại thể lệ này đã khiến cho trật tự phát triển của lịch sử rõ ràng, nắm bắt tất cả, bảo tồn được một số lượng lớn sử liệu cổ đại, cũng là một loại thể lệ chép sử được sử dụng sớm nhất ở thời cổ Trung Quốc.
          Nhưng, Xuân Thu cũng có khuyết điểm của nó, đó chính là ghi chép tương đối đơn giản, chỉ là điều mục đề cương, thiếu đi nội dung máu thịt phong phú. Thế là tại nước Lỗ có một vị sử quan nổi tiếng tên là Tả Khâu Minh 左丘明, đã tiến hành giải thích bộ Xuân Thu, đồng thời dựa theo tuyến biên niên của “Xuân Thu”, thuật bổ sung những sự thực lịch sử quan trọng mà trong bộ Xuân Thu ghi chép tương đối đơn giản, để độc giả hiểu thêm về nhân vật lịch sử trong Xuân Thu và đánh giá sự kiện, bộ sử thư này gọi là Xuân Thu Tả truyện 春秋左传, Tả thị Xuân Thu 左氏春秋, nói tắt là Tả truyện 左传.
          Tả truyện tuy dựa theo thể biên niên của Xuân Thu để biên soạn, nhưng mỗi sự kiện lịch sử mà nó ghi chép đều có đầu có đuôi, cho nên lại là một loại thể kí sự bản mạt biên niên. Như vậy, nội dung của nó đương nhiên phong phú hơn so với Xuân Thu.
          Nhưng có người cho rằng, Tả truyện là tác phẩm của thời Chiến Quốc, đồng thời không phải xuất phát cùng một thời kì, cùng một tác giả. Cũng có người cho rằng, nó vốn là một bộ sử thư độc lập, về sau trải qua sửa đổi, lần lượt phụ thêm vào phía sau bộ Xuân Thu do Khổng Tử cải đính, cho nên gọi là Xuân Thu Tả thị truyện 春秋左氏传. “Truyện” chính là những giải thích văn tự nội dung kinh sách của Nho gia.
          Tả truyện ghi chép những cuộc đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự của các nước thời Xuân Thu, cũng phản ánh một số về cuộc sống xã hội và tư tưởng xã hội đương thời. Những sự kiện lịch sử thuật lại trong sách đều có thứ tự, phồn giản thích đáng; lại giỏi ở chỗ từ ngôn ngữ, hành động của nhân vật và tình tiết mà khắc hoạ hình tượng, nhân đó nó cũng là một trứ tác tản văn có sức hấp dẫn nghệ thuật. Trịnh Bá khắc Đoạn vu Yển 郑伯克段于鄢 chính là một thiên rất có tính đại biểu trong đó.
          Thời Xuân Thu, quốc quân nước Trịnh là Trịnh Vũ Công 郑武公 cưới Vũ Khương 武姜nước Thân làm vợ. Khương thị sinh được 2 người con: Trang Công 庄公và Thúc Đoạn 叔段. Do vì Trang Công khó sinh, làm Khương thị kinh sợ, nên Khương thị đã không thích Trang Công từ lúc nhỏ, mà chỉ yêu quý Thúc Đoạn.
          Theo quy củ lúc bấy giờ, Trang Công là con trưởng, có thể kế thừa ngôi vị quốc quân. Khương thị rất ghét Trang Công, ba lần bốn lượt thỉnh cầu Trịnh Vũ Công để Thúc Đoạn làm người kế thừa, nhưng Trịnh Vũ Công không đồng ý.
          Trịnh Vũ Công làm quốc quân 27 năm, năm 744 trước công nguyên thì qua đời, thế là Trang Công lên làm quốc quân. Trang Công vừa mới lên ngôi, Khương thị đã yêu cầu Trang Công phong cho Thúc Đoạn một nơi hiểm yếu. Trang Công sợ Thúc Đoạn chiếm cứ được nơi hiểm yếu sẽ khó đối phó nên mượn cớ cự tuyệt; đồng thời nói với mẫu thân rằng:
          - Trừ nơi đó ra, chỗ nào khác chỉ cần mẹ bảo là con sẽ nghe theo.
          Khương thị lại đề xuất phong cho Thúc Đoạn một nơi ở kinh đô. Lúc này Trang Công đành đáp ứng.
          Vị đại phu Tế Trọng 祭仲 sau khi biết được việc đó, liền nói với Trang Công:
          - Tường của đô thành, chu vi vượt quá 300 trượng, sẽ gây nên hoạ hại cho đất nước. Theo chế độ mà tiên vương đã định, thành loại lớn nhất không được vượt qua 1/3 của đô thành, loại trung không được vượt quá 1/5, còn loại nhỏ chỉ có thể là 1/9. Nay tường thành tại kinh của Thúc Đoạn không hợp với chế độ, tương lai đại vương sẽ khống chế không được.
          Trang Công đáp rằng:
          - Đây là mẫu thân Khương thị của ta bảo ta làm thế, ta có cách nào khác đâu.
          Tế Trọng nói rằng:
          - Khương thị có lúc nào thoả mãn đâu! Nhân lúc còn sớm, đại vương nên tính toán, đừng để rễ hoạ lan ra. Nếu không, đến lúc đó sự việc khó giải quyết. Cỏ dại mọc tràn rất khó trừ cho sạch, huống hồ Thúc Đoạn là anh em với đại vương.
          Trang Công bảo rằng:
          - Làm người xấu nhất định sẽ đi đến chỗ diệt vong, khanh cứ đợi mà xem.
          Chẳng bao lâu, Thúc Đoạn đem vùng đất ở phía tây bắc nước Trịnh nhập vào phạm vi của mình quản lí. Đại phu công tử Lữ nói với Trang Công:
          - Một nước không thể có hai quốc quân! Nay Thúc Đoạn phát hiệu thi lệnh nơi đó, đại vương tính làm sao đây? Nếu đại vương chuẩn bị nhường ngôi cho ông ta, thì tôi sẽ đi đến với ông ta; còn nếu không thì phải dứt khoát trừ khử ông ta, để tránh bách tính nước Trịnh sinh lòng nghi ngờ.
          Trang Công bảo rằng:
          - Không cần phải trừ khử, ông ta tự làm sẽ tự chịu.
          Tiếp đó, Thúc Đoạn đem hết vùng đất đó nhập vào lãnh thổ của mình. Công tử Lữ sốt ruột bảo Trang Công:
          - Có thể ra tay với Thúc Đoạn rồi đó. Nếu không ra tay, nhân tâm đều sẽ quy phụ ông ta.
          Trang Công vẫn không đồng ý, bảo rằng:
          - Ông ta làm như thế, đối với quốc quân là bất nghĩa, đối với huynh trưởng là bất thân,  như thế càng sụp đổ.
          Thúc Đoạn thấy Trang Công vẫn không có động tĩnh gì, liền tiến thêm một bước xây dựng thành trì, đồn trữ lương thảo, chế tạo vũ khí, chuẩn bị tập kích đô thành. Khương thị cũng ngầm làm nội ứng, chuẩn bị đến giờ sẽ mở cổng thành rước vào.  (còn tiếp)

                                                             Huỳnh Chương Hưng
                                                             Quy Nhơn 10/6/2018

Nguyên tác Trung văn
XUÂN THU CHIẾN QUỐC ĐÍCH SỬ THƯ
春秋战国的史书
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản) 
Previous Post Next Post