Dịch thuật: Hai câu sấm ẩn dụ họ tên

HAI CÂU SẤM ẨN DỤ HỌ TÊN

          Thời Nguỵ Tấn, sấm vĩ thần học từng một thời thịnh hành. Sấm vĩ thần học là mượn thần phù 神符sấm ngôn 谶言để dự báo tương lai, đồng thời xem đó là sự khải thị của trời. Đây vốn là một học thuyết mê tín, nhưng có lúc lại trùng hợp với lịch sử, tựa hồ sấm ngôn có được sự nghiệm chứng. Trong lịch sử Trung Quốc từng lưu lại nhiều câu chuyện thú vị.
          Thời Nguỵ Tấn, lưu truyền 2 câu sấm: “tam mã đồng tào” 三马同槽 và “ngưu kế mã hậu” 牛继马后. Hai câu sấm này đều ẩn dụ họ tên người trong đó, dự báo sự thay đổi chính quyền trong tương lai.
         Với câu “tam mã đồng tào” 三马同槽 nhìn từ mặt chữ, chỉ 3 con ngựa cùng ăn một máng cỏ, nhưng trên thực tế, “tam mã” 三马 là chỉ quyền thần Tư Mã Ý 司马懿, Tư Mã Sư 司马师và Tư Mã Chiêu 司马昭thời Tào Nguỵ. Còn “tào” ám chỉ chính quyền họ Tào của Tào Tháo 曹操 kiến lập. “Tam mã đồng tào” ám chỉ 3 Tư Mã giết và phế trừ con cháu họ Tào, khống chế chính quyền họ Tào.
          Theo sử sách, Tào Tháo khi còn tại thế đã có lòng đề phòng Tư Mã Ý. Tào Tháo nghe nói đầu của Tư Mã Ý có thể quay ra sau 180 độ như chó sói, bèn cho triệu đến xem thử, quả nhiên mặt ông ấy có thể quay ra sau mà không cần xoay chuyển thân. Về sau Tào Tháo lại nằm mơ thấy 3 con ngựa cùng ăn một máng cỏ, cho nên rất ghét Tư Mã Ý. Tào Tháo từng nói với thái tử Tào Phi 曹丕 rằng:
- Tư Mã Ý phi nhân thần dã, tất dự nhữ gia sự.
司马懿非人臣也, 必预汝家事
          (Tư Mã Ý không phải là hạng người cam chịu làm bề tôi đâu, nhất định sẽ can dự vào việc nhà của con đấy)
          Nhưng thái tử lại có quan hệ tốt với Tư Mã Ý, lúc nào cũng bảo vệ ông ta, lại thêm Tư Mã Ý hết lòng biểu hiện, nên tránh được bị Tào Tháo hại.
          Về sau, Tào Tháo và Tào Phi lần lượt qua đời, quyền thế của Tư Mã Ý ngày càng lớn, ông ta cùng Tào Sảng 曹爽tiếp nhận di chiếu phụ chính. Tư Mã Ý cho rằng thời cơ đã đến, bèn giả bệnh qua mặt Tào Sảng. Tào Sảng quả nhiên trúng kế, chẳng bao lâu bị Tư Mã Ý diệt. Con cháu họ Tào và những người trung thành với chính quyền họ Tào cũng bị sát hại. Chính quyền họ Tào rơi vào tay họ Tư Mã. Mọi người gọi đó là “nhất mã phiên tào” 一马翻槽 (một ngựa lật máng).
          Sau khi Tư Mã Ý qua đời, con là Tư Mã Sư lại giết chết hoàng đế Tào Phương 曹芳người mà không cam chịu làm bù nhìn, chính quyền họ Tào đến đây chỉ là “danh tồn thực vong”. Mọi người gọi đó là “nhị mã phiên tào”.
          Sau khi Tư Mã Sư qua đời, Tư Mã Chiêu nắm lấy chính quyền, hoàng đế bù nhìn Tào Mao 曹髦không cam chịu nhục, đã thống lĩnh nhóm đồng bộc công kích Tư Mã Chiêu, kết quả bị Tư Mã Chiêu giết chết. Mọi người gọi đó là “tam mã phiên tào”.
          Sau này người ta đem 3 sự kiện này liên hệ với câu sấm “tam mã đồng tào”, nó được phủ lên một sắc thái thần bí.
          Còn câu sấm “ngưu kế mã hậu” 牛继马后chỉ việc sau khi Tư Mã Ý soán quyền, sợ người ta bắt chước mình, bèn đề phòng “ngưu” . Đương thời có một vị đại tướng tên là Ngưu Kim 牛金, kiêu dũng dị thường, chiến công hiển hách, rất có ảnh hưởng trong quân đội. Tư Mã Ý cho rằng người này là “ngưu” mà trong sấm ngữ ám dụ, nên trong một lần yến tiệc đã dùng rượu độc giết chết. Nhưng “ngưu kế mã hậu” hoàn toàn không phải đến đó là rõ ràng. Cháu Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm 司马炎phế Nguỵ tự lập, trở thành Tấn Vũ Đế 晋武帝. Tấn Vũ Đế phong cho huynh đệ của mình là Tư Mã Cận 司马觐làm Cung Vương 恭王. Cung Vương có nàng phi tử tên là Hạ Hầu Quang Cơ 夏侯光姬, Hạ Hầu Quang Cơ tư thông với tên tiểu lại họ Ngưu, sinh ra được một bé trai. Điều khiến mọi người kinh ngạc đó là đứa bé này trong lúc thiên hạ đại loạn vào cuối thời Tây Tấn đã lên ngôi hoàng đế, trở thành hoàng đế Tư Mã Duệ 司马睿 - vị hoàng đế khai quốc thời Đông Tấn. Sự kiện này trong Tấn thư – Nguyên Đế kỉ 晋书 - 元帝纪có ghi chép rõ ràng. Như vậy chính quyền Đông Tấn bề ngoài là chính quyền họ tư Mã, nhưng trên thực tế lại là chính quyền họ “Ngưu”.
          Nói như thế, câu sấm “ngưu kế mã hậu” đã có được sự chứng nghiệm. Đôi lúc, lịch sử có những điều thú vị như thế.

                                                     Huỳnh Chương Hưng
                                                     Quy Nhơn 17/6/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
TRUNG QUỐC NHÂN DANH ĐÍCH CỐ SỰ
中国人名的故事
Tác giả:  Trương Tráng Niên  张壮年
               Trương Dĩnh Chấn  张颖震
Sơn Đông hoạ báo xuất bản xã, tháng 9-2005
Previous Post Next Post