Dịch thuật: Trường Hoằng bích huyết hoá châu

TRƯỜNG HOẰNG BÍCH HUYẾT HOÁ CHÂU

          Đà giang 沱江 là một chi lưu rất lớn của Trường giang 长江, trong địa phận Tứ Xuyên 四川, đoạn chảy qua huyện Tư Trung 资中, lai lịch được gọi là “Châu giang” 珠江. Tên gọi “Châu giang” này đến từ đâu? ở đây có liên quan đến một câu chuyện.
          Truyền thuyết kể rằng, cách đây hơn 2500 năm vào thời Đông Chu, vùng Tư Trung xuất hiện một dị nhân tên là Trường Hoằng 苌弘. Bách tính thân thiết gọi ông là Trường thúc 苌叔. Học vấn của Trường Hoằng rất rộng, trên thông thiên văn, dưới hiểu địa lí, lại còn biết đàn hát, tinh thông âm nhạc. Về sau Trường Hoằng rời quê hương đến kinh thành Đông Chu 东周, chính là Lạc Dương 洛阳hiện nay, bái kiến Chu thiên tử. Chu thiên tử phong ông là Đại phu. Khổng Tử 孔子 từng đến Lạc Dương hướng đến ông thỉnh giáo qua âm nhạc.
          Trường Hoằng tại Đông Chu rất mực trung thành, giúp Chu thiên tử trị lí quốc gia đại sự, muốn vực dậy Chu vương thất đang suy nhược. Nhưng thế lực  các chư hầu lúc bấy giờ rất mạnh, tranh đấu lẫn nhau không dứt, xem Trường Hoằng như cái gai trong mắt. Họ ép Chu thiên tử phải trừ bỏ Trường Hoằng. Chu thiên tử lúc bấy giờ rất đáng thương, tự mình chống không lại, đành phải đuổi Trường Hoằng về lại quê nhà.
          Sau khi Trường Hoằng về quê, viết sách dạy học, chỉ muốn sống bình an những năm về già, nhưng một số chư hầu hiểm ác không chịu buông tha, liên tiếp sai người đến giết. Trường Hoằng đành lưu lạc bên bờ Đà giang, ẩn thân trong huyệt động bên sông. Trường Hoằng gian khổ đến mức thân thể gầy gò như que củi, lại thêm bệnh tật trong người, ông tự biết mình khó tránh khỏi cái hoạ sát thân.
          Một ngày nọ, Trường Hoằng nói với một lão bộc từng theo ông nhiều năm rằng:
          - Sau khi ta chết đi, ông đem máu huyết của ta giấu đi, sau 3 năm mới lấy ra xem. Hãy nhớ kĩ!
          Lão bộc khuyên Trường Hoằng nên xa chạy cao bay, ông lắc đầu nói rằng:
          - Con người cuối cùng rồi sẽ chết, ai mà tránh được cái chết đâu. Ông nghe và làm theo lời của ta là được.
          Lão bộc rơi nước mắt nghe theo.
          Ba ngày sau trong lúc đêm khuya, dưới vách núi bên phải sông, lão bộc bị tiếng kêu thảm thiết của Trường Hoằng làm cho tỉnh giấc. Lão bộc ngồi dậy đi xem thử, thấy Trường Hoằng bị người ta giết chết, hung thủ đã bỏ chạy. Máu tươi từ cổ Trường Hoằng phun ra. Lão bộc nhớ đến lời dặn của Trường Hoằng liền lấy chiếc vò đựng nước bên cạnh hứng lấy, sau đó đạy kín miệng vò đem chôn xuống đất.
          Sau 3 năm, lão bộc lấy vò lên và mở nắp ra xem, chỉ thấy máu trong vò đã ngưng đọng thành hạt châu xanh biếc. Lão bộc lấy hạt châu ra định xem kĩ, nào ngờ hạt châu từ trong tay ông rơi xuống đất, theo tiếng róc rách của tiếng sóng lăn đi, phút chốc lăn vào giữa Đà giang.
          Lão bộc nhìn thấy xuất thần, đột nhiên “ầm” một tiếng, nơi mà hạt châu rơi xuống, một vầng sáng cầu vồng từ trong sóng nước nổi lên, trong cầu vồng, thấy có một người đội mũ cao, mặc áo dài bay lên trên không.
          Về sau lão bộc đem sự việc nhìn thấy nói với mọi người. Mọi người đều cho rằng Trường Hoằng là người tốt sẽ không bao giờ chết, ông ấy lên trời làm thần tiên. Ttheo truyền thuyết trong khúc sông này thường có ánh sáng từ dưới nước chiếu lên, đó chính là hạt châu do máu của Trường Hoằng hoá thành đang toả sáng.

Tư liệu bổ sung
          Trường Hoằng chân thực trong lịch sử
          Sử kí 史记có ghi, năm 518 trước công nguyên, Khổng Tử đi đến Đông Chu thăm Lão Tử thỉnh giáo về lễ chế, trong thời gian đó cũng đã đến thăm Trường Hoằng, hướng đến Trường Hoằng thỉnh giáo tri thức về “nhạc”, có thể thấy học thức của Trường Hoằng rất uyên bác.
          Hiện tại có các thành ngữ như “Trường Hoằng hoá bích” 苌弘化碧, “Trường Hoằng bích huyết” 苌弘碧血đều từ truyền thuyết này mà ra.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 14/5/2018


Previous Post Next Post