“THIÊN TRI, ĐỊA TRI, NỄ TRI, NGÃ TRI”
ĐIỂN NÀY XUẤT PHÁT TỪ ĐÂU
Hàm
nghĩa của câu “thiên tri, địa tri, nễ tri, ngã tri” 天知,
地知, 你知, 我知 (trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết) là không có
người khác biết, hiện một số người giao dịch mua bán ngầm với nhau thường dùng
câu này. Ý nói là việc giao dịch giữa hai chúng ta trừ trời đất biết ra, chỉ
còn lại ông và tôi, ngoài đó ra không còn ai biết nữa. Nghĩa gốc của nó là
không phải là không ai biết, mà là có người biết. Điển này xuất xứ từ câu chuyện
“Dương Chấn cự kim” 杨震拒金.
Dương
Chấn 杨震, tự là Bá Khởi 伯起,
người Hoa Âm 华阴 Hoằng Nông 弘农(nay thuộc Thiểm Tây
陕西) thời Đông Hán. Lúc trẻ ông đã chuyên cần ham học, “đọc
nhiều biết rộng, không gì là không nghiên cứu”, là Nho sĩ học nhiều biết nhiều
lúc bấy giờ, mọi người xưng là “Quan Tây Phu tử Dương Bá Khởi” 关西夫子杨伯起. Lúc 50 tuổi,
Dương Chấn tiếp nhận sự tiến cử của Đại tướng quân Đặng Giá 邓驾, bước vào quan trường, lần lượt nhậm các chức Kinh
Châu Thứ sử 荆州刺史, Đông Lai Thái thú 东莱太守, sau lại làm Trác Quận Thái thú 涿郡太守. Năm Nguyên Sơ 元初thứ 4 đến triều nhậm
chức Thái bộc 太仆, Thái thường 太常.
Năm Vĩnh Ninh 永宁 thứ 1 Dương Chấn làm quan tới chức Tư đồ 司徒.
Tương
truyền, trên đường đi nhậm chức Đông Lai Thái thú, Dương Chân nghỉ qua một đêm
tại Cự Dã 巨野 Sơn
Đông 山东. Huyện lệnh nơi đó là Vương Mật 王密từng do được Dương Chấn tiến cử làm quan, để bày tỏ
lòng cảm tạ, Vương Mật mang theo bên mình 10 cân vàng đang đêm đến thăm Dương
Chấn. Hai người sau khi tương kiến, chuyện trò vui vẻ, lúc chia tay, Vương Mật
lấy 10 cân vàng ra làm lễ vật, đặt ở trên bàn. Dương Chấn trông thấy, nghiêm sắc
mặt nói rằng:
- Trước đây tôi tiến cử ông, là do bởi nhận biết
tài năng của ông. Tôi hiểu ông, sao ông lại không hiểu tôi?
Vương Mật
vội đáp rằng:
- Nay là ngoại lệ, chỉ bày tỏ chút tâm ý mà
thôi. Hơn nữa, nửa đêm nửa hôm, không có ai biết đâu!
Dương
Chấn nghe qua, nghiêm nghị bảo rằng:
- Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao
lại nói là không có ai biết?
Vương Mật
cảm thấy xấu hổ, đành lấy vàng lại và cáo từ.
Nguyên
ý của câu nói đó là: làm những việc không chính đáng, sao lại không có người biết?
Cho dù người khác không biết, thì hãy còn có trời đất, ông và tôi biết! Ý răn mọi
người nên khắc kỉ phụng công, liêm khiết tháo thủ. Nhưng người đời sau lại làm
ngược lại, mượn đó để biểu đạt ý người khác không thể biết được.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 12/5/2018
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật