THẾ NÀO LÀ “PHONG KIẾN”
NỘI HÀM BAN ĐẦU CỦA NÓ CÓ NHẤT TRÍ VỚI
CÁCH
LÍ GIẢI HIỆN NAY KHÔNG
Giở những
tư liệu lịch sử, chúng ta thường thấy những cụm từ như “phong kiến xã hội”,
phong kiến chế độ”, nó là một loại hình thái xã hội căn cứ theo cách phân định
của lí luận chủ nghĩa Mác, hàm nghĩa khác với “phong kiến” mà Trung Quốc cổ đại
nói đến. Thế thì vào thời cổ, hàm nghĩa của “phong kiến” là gì?
Từ
“phong kiến” 封建được thấy sớm nhất trong Thi – Thương tụng – Ân vũ 诗 - 商颂 - 殷武:
Mệnh vu hạ quốc
Phong kiến quyết phúc
命于下国
封建厥福
(Thiên tử mệnh lệnh các chư hầu quốc
Kiến lập nên phúc lộc lớn lao)
nó chỉ một loại chế độ chính trị phân phong của Trung
Quốc cổ đại.
Gọi là “phong kiến” chính là
“phong thổ kiến quốc” 封土建国, tức đế vương cổ
đại đem tước vị, đất đai ban cho thân thích hoặc công thần, để họ kiến lập nên
bang quốc trong khu vực của mình. Tương truyền Hoàng Đế 黄帝 là người thực hiện phong kiến đầu tiên, đến đời Chu chế độ bắt đầu hoàn bị.
Thời
Chu thực hành chế độ phân phong chủ yếu là nghĩ đến việc bảo vệ chính quyền
trung ương. Theo ghi chép trong Tả truyện
– Hi Công nhị thập tứ niên 左传 - 僖公二十四年:
Cố phong kiến thân thích, dĩ phiên bình
Chu
故封建亲戚,以蕃屏周
Khổng Dĩnh Đạt 孔颖达đã
sớ rằng:
Cố phong lập thân thích vi chư hầu chi quân,
dĩ vi phiên li, bình tế Chu thất.
故封立亲戚为诸侯之君, 以为蕃篱, 屏蔽周室.
(Cho
nên phong lập thân thích làm quân chủ chư hầu, để làm phên giậu. che chắn cho Chu thất)
Nhưng
phát triển đến hậu kì, mối quan hệ thân thích giữa các chư hầu dần lạnh nhạt,
hai thời kì Xuân Thu và Chiến Quốc, các chư hầu chinh chiến liên miên không dứt,
chế độ phân phong chỉ danh tồn mà thực vong.
Sau khi
Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇thống nhất Trung Quốc, đã phế bỏ chế độ phân phong,
thiết lập quận huyện để quản lí quốc gia. Nghiêm Phục 严复trong
Luận Trung Quốc giáo hoá chi thoái 论中国教化之退 có nói:
Tần tính thiên hạ, canh cổ chế, phế tỉnh điền
khai thiên mạch, phế phong kiến nhi trí quận huyện, truất Nho thuật nhi nhậm
Danh pháp (1).
秦并天下, 更古制, 废井田开阡陌, 废封建而置郡县, 黜儒术而任名法.
(Nhà Tần
thôn tính thiên hạ, thay đổi chế độ cũ, phế tỉnh điền, bỏ bờ ruộng để mở rộng diện tích, phế bỏ phong kiến
lập ra quận huyện, bãi truất Nho thuật mà theo Danh pháp.)
Đầu thời
Hán từng thực hành qua “quận quốc tịnh hành chế” 郡国并行制 (2) một thời gian, nhưng sau đó bị phế bỏ. Có thể thấy,
chế độ “phong kiến” chỉ là chế độ chính trị cơ bản thời Tiên Tần, nó khác xa với
“phong kiến” mà chúng ta thường nói.
Chế độ
phong kiến mà hiện tại chúng ta thường nói là một loại hình thái xã hội, nó lấy
đất đai làm tư liệu sản xuất chủ yếu, đồng thời kết hợp với thủ công nghiệp, là
hình thức kinh tế tiểu nông lấy gia đình làm đơn vị sản xuất, mang tính độc lập,
phong bế. Trong đó giai cấp địa chủ chiếm hữu đất đai, nông dân bị trói buộc
vào đất đai, mối quan hệ giữa giai cấp địa chủ với nông dân là mối quan hệ sản
xuất giữa bóc lột và bị bóc lột.
Chú của người
dịch
1- Nguyên tác ghi:
Tần tính thiên hạ, canh cổ chế, canh tỉnh điền nhi vi thiên mạch, phế
phong kiến nhi trí quận huyện, truất Nho thuật nhi nhậm Danh pháp.
秦并天下, 更古制, 更井田而为阡陌, 废封建而置郡县, 黜儒术而任名法.
Ở đoạn
“canh tỉnh điền nhi vi thiên mạch” (đổi tỉnh điền mà làm thiên mạch”, theo các
tư liệu trên mạng đều là “phế tỉnh điền, khai thiên mạch”.
Trước
thời Thương Ưởng 商鞅, ruộng được chia thành những mảnh nhỏ. Mỗi mảnh là
100 mẫu, giữa các mảnh có phong giới để làm đường ranh giới, tức đường bờ ruộng,
đường nam bắc gọi là “thiên”, đường đông tây gọi là “mạch”, hợp xưng là “thiên
mạch”.
Trong Sử kí quyển II, bản dịch của Phạm Văn Ánh, phần có liên quan trong Thương Quân liệt truyện dịch là:
“Các
khu ruộng bỏ bờ, mở rộng diện tích...”
Nhận thấy
“phế tỉnh điền, khai thiên mạch” phù hợp, nên tôi sửa lại như trên.
2- Quận quốc tịnh
hành chế 郡国并行制: tức chế độ quận huyện và chế độ phân phong cùng song
hành.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 31/5/2018
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật