DANH SƯ TRUYỀN ĐẠO GIẢI HOẶC
(tiếp theo)
Mặc dù
Tư Mã Đàm tôn sùng Đạo gia, nhưng đối với học thuyết của các nhà ông đều nghiên
cứu, biết rõ Đổng Trọng Thư 董仲舒học vấn cao thâm,
văn chương xuất chúng, quả thực là vị lương sư đầu tiên mà ông chọn.
Đổng Trọng Thư nghe nói Tư Mã
Đàm muốn con của ông bái mình làm thầy, ông cảm thấy khó xử. Tư Mã Đàm là học
giả nổi tiếng lúc đó, văn chương ông viết ra khí thế hùng vĩ, kết cấu chặt chẽ,
lí luận khúc chiết, phân tích thấu triệt, nhưng trước sau Tư Mã Đàm không tán
thành chủ trương “độc tôn Nho thuật” của mình. Nay, ông lại muốn con ông bái
mình làm thầy, e giữa thầy và trò sẽ phát sinh sự xung đột về tư tưởng. Nhưng,
Đổng Trọng Thư thấy thái độ khẩn thiết của Tư Mã Đàm, lại nghe nói Tư Mã Thiên
con ông thông minh ham học, cuối cùng đồng ý, nói rằng:
- Thôi được, bảo nó đến.
Đổng Trọng
Thư tiên sinh là vị Nho gia học giả nổi tiếng lúc bấy giờ, học vấn tinh thâm
bác đại, sở trường về truyền dạy Công
Dương Xuân Thu 公羊春秋. Tư Mã Thiên đến Đổng phủ nghe giảng bài đầu tiên, Đổng
tiên sinh giảng cho Tư Mã Thiên về đạo lí “thiên nhân cảm ứng”. Ông nói rằng:
- Căn cứ vào ghi chép ở “Xuân Thu”, sự biến
hoá của thiên tượng và sự tình nhân gian là hưởng ứng hỗ tương.
Tư Mã
Thiên cảm thấy mới lạ liền nói:
- Thật vậy sao thầy?
Chưa kịp
suy nghĩ nhiều, lại nghe Đổng tiên sinh nói tiếp:
- Tại sao nói như vậy? Các con xem, trên thế
gian mỗi khi phát sinh động loạn xã hội, trên trời trước tiên sẽ dùng tai hoạ
hoặc hiện tượng quái dị để tiến hành cảnh cáo. Chỉ cần thế đạo nhân gian lúc bấy
giờ không xa thiên đạo, trời sẽ phò trì, nhưng con người tự mình phải tích cực
cố gắng mới được.
Tư Mã
Thiên như có điều suy nghĩ, nghĩ đến lúc chăn trâu ở quê nhà có nghe người ta nói
đến một số hiện tượng nhân quả báo ứng, nên dường như đã lĩnh hội chút ít.
Đổng Trọng
Thư giảng giải rằng:
- Thế nào là Đạo? Đạo chính là con đường mà quốc
gia hướng tới để đi đến chỗ đại trị. Nhân nghĩa lễ nhạc là công cụ để thực hành
Đạo. Bậc thánh vương cổ đại đã mất, nhưng con cháu đời sau của họ có thể trường
cửu an ninh đến mấy trăm năm, đó đều là công hiệu của lễ nhạc giáo hoá.
Nghe Đổng
tiên sinh giảng giải, thời gian dần dài, những nghi vấn trong lòng Tư Mã Thiên
cũng dần được sáng tỏ, cảm thấy một số vấn đề tưởng như đơn giản nhưng kì thực
không hề đơn giản, đã nhận được một số gợi mở. Hoá ra là bộ Xuân Thu 春秋mà Khổng Tử viết, hoàn toàn không phải là bộ sách lịch
sử giản đơn. Khổng Tử cũng không muốn đơn thuần ghi chép lại lịch sử, mà là
thông qua những sự kiện ghi chép trong Xuân Thu, chỉ ra cho thấy tiêu chuẩn đạo
đức chung cực – Đạo.
Tư Mã
Thiên nhận thức được rằng, “Đạo” mà Đổng tiên sinh giảng, là tiêu chuẩn duy nhất
để giám biệt những thị phi. So với hoàng quyền chí cao vô thượng nó còn cao
hơn. Một khi hoàng quyền tuân theo “vương đạo” mới là quyền uy tuyệt đối, nếu
xa rời “vương đạo” sẽ bị thiên hạ rời bỏ. Như vậy xem ra, những ghi chép trong Xuân Thu về 36 cuộc chính biến, 52 chính
quyền diệt vong chính là lời lí giải tốt. Xuân
Thu như bộ pháp điển, đề xuất người trong thiên hạ nên cùng tuân theo những
quy phạm hành vi, bình dân có quy phạm hành vi bình dân. Quy phạm hành vi phù hợp
cũng chính là hợp với “lễ”, “lễ” được quán triệt, thì sẽ không có hiện tượng xã
hội phạm tội, xã hội sẽ được yên ổn.
Suy
nghĩ và nghiên cứu hàm nghĩa chân thực của Xuân
Thu, khiến Tư Mã Thiên chấn động, có được rất nhiều cảm ngộ.
Tư Mã
Thiên dần cảm thấy, lịch sử giống như một chiếc kính đầy ma lực, người nào đến
trước kính cũng đều lộ nguyên hình, thiện hay ác, tốt hay xấu đều hiển hiện bản
lai diện mục. Cho dù là đế vương cũng sẽ bị sự thẩm sát của lịch sử ...
Từ đó,
dưới sự chỉ dạy của hai vị danh sư, Tư Mã Thiên ra sức học tập, và đã tiến bộ rất
nhanh.
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 04/5/2018
Nguồn
TƯ MÃ THIÊN
司马迁
Tác giả: Đặng
Tương Tử 邓湘子
Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật