DANH SƯ TRUYỀN ĐẠO GIẢI HOẶC
Sau khi
định cư tại làng Hiển Vũ显武ở Mậu Lăng 茂陵chẳng bao lâu, một ngày nọ, Tư Mã Đàm rời triều về
nhà, vui mừng nói rằng:
- Này Thiên nhi, cha muốn con bái tiên sinh Khổng
An Quốc 孔安国làm thầy, con thấy như thế nào?
- Khổng tiên sinh là ai vậy, thưa cha?
- Ông ấy là cháu đời thứ 12 của Khổng Tử, hiện
đang nhậm chức Gián nghị đại phu trong triều, là bậc đại sư về kinh học cổ văn
nổi tiếng nhất.
- Con nghe nói qua về người này, người ta nói
rằng, ông ta đem những kinh điển của “Cổ văn thượng thư” 古文尚书phiên dịch, từ đó mà thành quyền uy về điển tịch cổ văn.
- Đúng vậy, chính là ông ta đó. Thời Cao Hoàng
Đế, nguyên Bác sĩ Phục Sinh đời Tần truyền ra 28 thiên Thượng thư, viết theo kiểu
chữ lệ. Trước đây mấy năm, Lỗ Cung Vương Lưu Dư 刘余cho phá gian
nhà cũ của Khổng Tử, từ nơi vách tình cờ phát hiện nhiều trúc giản. Văn tự trên
những trúc giản đó rất cổ quái, không biết viết những gì, ông cũng chẳng để ý
gì đến. Về sau tiên sinh Khổng An Quốc nhìn thấy những văn tự này, cho rằng đó
là văn tự khoa đẩu mà trước đây từng dùng qua, đọc kĩ nội dung, nhiều thiên phù
hợp với Thượng thư;
Thế là ông
đem những văn tự khoa đẩu đó dùng văn tự đang lưu hành dịch ra, được mọi người
gọi là “Cổ văn thượng thư” 古文尚书, còn bộ do
Phục Sinh viết theo kiểu chữ lệ, được gọi là “Kim văn thượng thư” 今文尚书. “Cổ văn thượng thư so” với “Kim văn thượng thư” nhiều
hơn 28 thiên. Nghiên cứu “Cổ văn thượng thư” trở thành một môn học độc lập, còn
tiên sinh Khổng An Quốc là Tông sư của môn học này. Nguyên bản “Cổ văn thượng
thư”, đến nay vẫn trân tàng tại Khổng phủ, nếu con có thể theo học cùng Khổng
tiên sinh, tất sẽ được hưởng thụ vô cùng.
- Ông ấy sẽ thu nhận con làm học trò chứ?
- Nếu con bằng lòng bái ông ấy làm thầy, cha sẽ
đi sắp xếp, xin Khổng tiên sinh tiếp nhận con làm học trò của ông ấy.
Qua sự
nỗ lực của phụ thân, Tư Mã Thiên trở thành học trò của Khổng An Quốc, bắt đầu học
tại Khổng phủ. Tư Mã Thiên thông minh ham học, rất được sự khen ngợi của Khổng
An Quốc. Vị Kinh học đại sư này chuyên tâm giảng giải những điểm nghi ngờ ở các
thiên trong Thượng thư cổ văn 尚书古文, Luận ngữ 论语cùng Nghiêu
điển 尧典, Vũ Cống 禹贡, Hồng phạm 洪范, Vi Tử 微子... Đối với nội
dung văn chương, Tư Mã Thiên lĩnh hội sâu sắc, vị thầy gợi mở cho ông, ông có
thể từ một điểm mà thông hiểu, có thể học một biết ba. Khổng An Quốc rất hài
lòng người học trò này.
Khổng tiên
sinh dạy học rất nghiêm khắc, yêu cầu cũng rất cao. Ông bảo học trò đọc thuộc,
lí giải kĩ lưỡng, còn quy định phải luyện tập viết tự thể cổ văn. Tư Mã Thiên
trước đó luyện viết chữ lệ, cũng chính là chữ viết lúc này. Cổ văn lại có đến mấy
loại, như kim văn, đại triện, tiểu triện ...
Tư Mã
Thiên một mặt dựa theo cổ văn trên trúc giản tiến hành luyện tập viết chữ, một
mặt nối chữ thành câu, ra sức đọc, ghi nhớ, lí giải. Phương pháp này quả là nhất
cử lưỡng tiện. Sau khi nhiều lần luyện chữ, đoạn văn cũng được ghi lại. Về sau,
trong Thái Sử Công tự tự 太史公自序, ông có nói
:”năm 10 tuổi đã thông cổ văn”. Chính là giai đoạn theo Khổng tiên sinh học tập
“Cổ văn thượng thư”.
Tư Mã
Đàm dốc lòng bồi dưỡng người con trở thành một người có tri thức uyên bác, tư
tưởng trác việt. Ông thường kiểm tra việc học của con, nhìn thấy con không ngừng
tiến bộ dưới sự chỉ dạy của Khổng tiên sinh, trong lòng Tư Mã Đàm vô cùng vui mừng.
Đồng thời, Tư Mã Đàm còn tuyển chọn các thầy ưu tú, hi vọng con không nên câu nệ
vào học vấn của một nhà, một học phái, mà phải học tập tinh hoa của các loại học
vấn, mở rộng tầm mắt, tăng trưởng kiến thức, trở thành người có sự nghiệp lớn.
Đại học
giả Nho gia Đổng Trọng Thư 董仲舒trở thành đối tượng
mà Tư Mã Đàm chọn làm thầy cho con.
(còn tiếp)
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 03/5/2018
Nguồn
TƯ MÃ THIÊN
司马迁
Tác giả: Đặng
Tương Tử 邓湘子
Triết Giang thiếu niên nhi đồng xuất bản xã, 2006.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật