Chu
Công周公, tính Cơ 姬, danh Đán 旦, nhân vì thái ấp tại Chu
nên xưng là Chu Công (thái ấp là vùng đất mà vị quân chủ ban thưởng cho quý tộc,
thân tín, thần thuộc trong xã hội phong kiến). Chu Công có đức, học rộng, là
quân sự gia, chính trị gia, tư tưởng gia, giáo dục gia nổi tiếng trong lịch sử,
và cũng là người đi tiên phong về văn hoá Nho học của Trung Quốc, được người đời
sau tôn xưng là “Nguyên Thánh” 元圣.
Sau khi
Chu Vũ Vương 周武王kiến lập vương triều Chu ,
hai năm sau bị bệnh và qua đời. Con là Cơ Tụng 姬诵kế
thừa vương vị, đó chính là Chu Thành Vương 周成王.
Lúc bấy giờ Chu Thành Vương chỉ mới 13 tuổi, lại thêm vương triều Chu vừa mới
kiến lập vẫn chưa được vững vàng, thế là người em của Chu Vũ Vương là Chu Công
Đán phụ giúp Thành Vương nắm giữ đại sự quốc gia, trên thực tế là thay thế chức
quyền của thiên tử. Trong lịch sử thường không gọi tên của Chu Công Đán mà chỉ
gọi là Chu Công.
Đất
phong của Chu Công tại nước Lỗ, nhân vì ông ở lại kinh thành xử lí chính sự,
không thể đi đến đất phong, cho nên đợi người con của ông là Bá Cầm伯禽 trưởng thành, mới phái Bá Cầm thay mình đến nước Lỗ
làm quốc quân.
Trước
khi Bá Cầm đi có hỏi phụ thân dặn dò điều gì không. Chu Công nói rằng:
- Ta là con của Văn Vương, em của Vũ Vương,
nay là thúc phụ của thiên tử, con nói thử địa vị của ta như thế nào?
Bá Cầm
đáp rằng:
- Đương nhiên là rất cao.
Chu
Công bảo:
- Đúng vậy! Địa vị của ta quả thực rất cao,
nhưng ta mỗi khi gội đầu gặp phải việc gấp, liền lập tức ngừng gội, tóc còn nắm
trong tay vội đi làm việc; mỗi khi ăn cơm, nghe nói có người cầu kiến, cũng
không kịp nuốt cơm, vội đi tiếp kiến người đó. Ta làm như vậy, mà vẫn còn sợ
nhân tài trong thiên hạ không chịu đến với ta. Con đến nước Lỗ, chẳng qua là một
vị quốc quân, không nên kiêu ngạo.
Bá Cầm
liên tục gật đầu, biểu thị nhất định ghi nhớ lời chỉ dạy của phụ thân.
Chu
Công tận tâm tận ý phụ giúp Thành Vương, quản lí quốc sự, nhưng em trai của Chu
Công là Quản Thúc 管叔, Thái Thúc 蔡叔lại rêu rao bên
ngoài rằng Chu Công có dã tâm muốn soán đoạt vương vị.
Con của
Trụ Vương 纣王là Vũ Canh 武庚tuy được phong làm
Ân Hầu 殷侯 nhưng chịu sự giám sát của triều Chu, cảm thấy không
được tự do, chỉ mong triều Chu phát sinh nội loạn, sẽ khôi phục vương vị Ân
Thương của mình, liền cùng với Quản Thúc, Thái Thúc ngầm thông nhau, liên lạc một
số quý tộc cũ của Ân Thương, lại còn kích động mấy bộ lạc trong Đông Di gây phản
loạn.
Vũ Canh
và bọn Quản Thúc tạo ra lời đồn, làm cho Hạo kinh 镐京ầm
ĩ sục sôi, ngay cả Thiệu Công Thích 召公奭nghe qua cũng hoài
nghi. Thành Vương còn nhỏ không rõ chuyện, không phân biệt được là thật hay là
giả, đối với vị thúc phụ phụ giúp mình cũng có chút nghi ngờ.
Chu
Công trong lòng rất buồn, trước tiên ông dãi gan ruột nói với Thiệu Công Thích
rằng ông tuyệt đối không có dã tâm, xin Thiệu Công Thích nghĩ đến đại cục,
không nên tin những lời đồn thổi. Thiệu Công Thích cảm động trước những lời
thành khẩn của Chu Công, và đã dẹp bỏ sự hiểu lầm, cùng hợp tác lại với Chu công. Sau khi Chu Công ổn định nội bộ, không chút do
dự điều động đại quân, đích thân thống lĩnh đại quân đông chinh.
Lúc bấy
giờ, phương đông có mấy bộ lạc như Hoài Di 淮夷,
Từ Nhung 徐戎 ... đều phối hợp với Vũ Canh, rục rịch hành động. Chu
Công hạ lệnh cho Thái Công Vọng 太公望, trao quyền cho
ông ta, với các nước chư hầu, nước nào không phục triều Chu
đều do Thái Công Vọng chinh phạt. Như vậy, Thái Công Vọng khống chế phương
đông, còn ông dốc toàn lực đối phó Vũ Canh.
Mất 3
năm, cuối cùng Chu Công bình định được loạn Vũ Canh, giết kẻ cầm đầu phản loạn
là Vũ Canh. Quản Thúc thấy Vũ Canh thất bại, tự mình cảm thấy không còn mặt mũi
nào gặp anh và cháu, bèn treo cổ tự sát. Chu Công bình định phản loạn, cách chức
Hoắc Thúc 霍叔, còn Thái Thúc cho sung quân.
Trong
quá trình Chu Công đông chinh, một số lớn quý tộc triều Thương trở thành tù
binh. Nhân vì họ phản kháng triều Chu , cho nên
gọi bọn họ là “ngoan dân” 顽民 (dân cứng đầu ngoan
cố). Chu Công cảm thấy để cho họ lưu lại vùng đất cũ không yên tâm; đồng thời cảm
thấy Hạo kinh ở phía tây, muốn khống chế khu vực trung nguyên rộng lớn phía đông không tiện
lợi, nên cho xây một toà đô thành ở phía
đông, gọi đó là Lạc Ấp 洛邑(nay là thành phố Lạc
Dương 洛阳Hà Nam 河南), đem nhóm “ngoan
dân” triều Thương dời ra nơi đó, phái binh giám sát.
Từ đó,
triều Chu có 2 toà đô thành, phía tây là Hạo Kinh, gọi là Tông Chu 宗周; phía đông là Lạc Ấp, gọi là Thành Chu 成周.
Chu
Công phụ giúp Thành Vương chấp chính 7 năm, củng cố sự thống trị của vương triều
Chu . Ông còn chế định ra những điển chương chế
độ cho triều Chu . Năm Thành Vương 20 tuổi, Chu
Công giao chính quyền lại cho Thành Vương.
Từ Chu
Thành Vương đến con là Khang Vương 康王2 đời, trước sau hơn
50 năm, là thời kì triều Chu cường thịnh và thống nhất, trong lịch sử gọi đó là
“Thành Khang chi trị” 成康之治.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 10/4/2018
Nguyên tác Trung văn
周公辅政
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật