“KINH ĐƯỜNG MỘC” KHI QUAN HUYỆN THẨM ÁN SỬ
DỤNG
LÀ VẬT GÌ
Trong
các phim cổ trang Trung Quốc, chúng ta thường thấy quan huyện khi thẩm án, bên
cạnh tay luôn có một khối gỗ. Một khi hiềm nghi phạm bên dưới không thành thực,
hoặc giả trong đại đường nhân vì hai bên tranh tụng gây ồn ào náo loạn, quan
huyện giơ cao khối gỗ gõ mạnh xuống mặt án, hiềm nghi phạm sẽ biến sắc, cả đại
đường phút chốc nghiêm túc lại, quan huyện từ chỗ bị động trở thành chủ động.
Khối gỗ ấy chính là “kinh đường mộc” 惊堂木.
Từ thời
Xuân Thu, phủ quan các cấp đã bắt đầu sử dụng kinh đường mộc, mãi cho đến pháp
quan thời Dân Quốc vẫn từng dùng qua vật này. Kinh đường mộc là một khối gỗ cứng
hình chữ nhật có góc cạnh, lớn nhỏ thường là vừa tay người cầm. Trước thời Đường,
kinh đường mộc không có đồ án. Từ Đường Thái Tông 唐太宗về
sau, để được mĩ quan, trên kinh đường mộc có chạm khắc đồ án động vật rồng, sư
tử, hổ. Thời Võ Tắc Thiên 武则天, triều đình quy định
đồ án trên kinh đường mộc là hình rồng, lấy ý rồng tượng trưng cho hoàng quyền.
Các triều đại sau noi theo đó. Còn như chất liệu để chế tạo, thường tuyển dụng
gỗ tốt như hoàng hoa lê 黄花梨, gỗ tử đàn 紫檀. Những loại gỗ này cứng, sớ mịn, khi gõ xuống án tiếng
rất vang. Ngoài ra, ở phương bắc còn dùng loại gỗ cây dâu, cây táo, cây hắc hoè
để chế tạo kinh đường mộc
Thời cổ
chức quan khác nhau, danh xưng cụ thể của kinh đường mộc cũng có khác. Kinh đường
mộc mà hoàng đế sử dụng gọi là “chấn sơn hà” 震山河;
kinh đường mộc của Tể tướng quan viên nhất nhị phẩm gọi là “tá triều cương” 佐朝纲; còn của nguyên soái, tướng quân võ quan các cấp thì
gọi là “kinh hổ đảm” 惊虎胆, chỉ có khối gỗ nhỏ
nhỏ mà quan viên phổ thông cấp dưới sử dụng mới gọi là “kinh đường mộc” 惊堂木.
Ngoài
ra, nhìn từ công dụng thực tế của kinh đường mộc, không phải là vật mà quan
viên chuyên dụng, các ngành nghề khác cũng có loại tương tự. Ví dụ tăng đạo
dùng “giới quy” 戒规, “tỉnh mộc” 醒木để tỉnh thần; nghệ
nhân thuyết thư dùng “tỉnh mộc” 醒木, “chỉ ngữ” 止语để làm người nghe chú ý; các thầy giáo tư thục dùng
“hô xích” 呼尺, “tỉnh ngộ” 醒误để duy trì trật tự kỉ
luật trên lớp. Tuy danh xưng và tác dụng khác nhau, có sự khu biệt với kinh đường
mộc mà quan viên sử dụng, nhưng về bản chất đều có tác dụng “kinh đường” khiến
mọi người chú ý. Nhân đó phải nói là, kinh đường mộc hoàn toàn không phải là vật
chuyên dụng của quan viên.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/3/2018
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật