TẠI SAO CÁC ĐẠI THẦN XƯNG HOÀNG ĐẾ LÀ “BỆ
HẠ”
Xưng vị
của các hoàng đế cổ đại rất nhiều, hoàng đế tự xưng là “quả nhân” 寡人, “trẫm” 朕, phi tần đại thần
xưng là “hoàng thượng” 皇上, “vạn tuế gia” 万岁爷 ...
Từ mặt chữ có thể thấy, những xưng vị này đều hàm nghĩa tôn sùng kính sợ, cầu
phúc chúc tụng. Nhưng đại thần gọi hoàng đế là “bệ hạ”, vì sao như thế?
Theo sử
liệu ghi chép, hoàng cung thời cổ được thiết kế tương đối kĩ lưỡng. Bảo toạ của
hoàng đế ở trên cao, từ dưới nhìn lên bảo toạ có một hệ thống bậc cấp. Những bậc
cấp này, người xưa gọi nó là “bệ”. Hứa Thận trong Thuyết văn giải tự 说文解字 có nói:
Bệ, thăng cao giai dã. Tùng phụ, bỉ
thanh.
陛, 升高阶也. 从阜, 坒声.
(Bệ là bậc cấp đi lên cao. Chữ hình thanh, 阜 là hình phù, 坒 là thanh phù)
Để bảo
vệ sự an toàn của hoàng đế. Thị vệ chia ra đứng hai bên bậc cấp. Lúc triều hội,
các đại thần đứng phía dưới. Khi bề tôi dâng lời, không dám gọi trực tiếp thiên
tử, cho nên gọi “bệ hạ” 陛下, bản ý là “tôi muốn
nói với hoàng thượng, nhờ thị vệ dưới bậc cấp chuyển lời”, để biểu thị người có
địa vị thấp hướng đến hoàng thượng tôn quý dâng lời. Thái Ung 蔡邕trong Độc đoán 独断 có ghi một sự thực
lịch sử:
Vị chi bệ hạ giả, quần thần dữ thiên tử
ngôn, bất cảm chỉ xích thiên tử, cố hô tại bệ hạ giả nhi cáo chi, nhân ti đạt
tôn chi ý dã.
谓之陛下者, 群臣与天子言, 不敢指斥天子, 故呼在陛下者而告之, 因卑达尊之意也.
(Gọi là
bệ hạ, tức quần thần khi nói với thiên tử, không dám chỉ trích thiên tử, cho
nên nói với người dưới bệ để chuyển lời, ý là người có địa vị thấp hướng đến
người có địa vị tôn quý)
Nhân
đó, “bệ hạ” trở thành danh từ chỉ hoàng đế, chỉ việc đại thần đợi ý chỉ dưới bệ,
hoàng đế ngồi trên bệ cao, “bệ hạ” cũng trở thành một trong những tôn xưng chỉ
hoàng đế.
Có sử
còn cho biết, “bệ hạ” ngoài chỉ hoàng đế ra, nó còn có ý nghĩa tôn xưng người
hành sử hoàng quyền. Theo ghi chép trong Hán
thư 汉书, triều Hán đời Nguyên Đế 元帝, hoàng hậu Vương
Chính Quân 王政君từng được Vương Mãng 王莽 tôn
xưng là “bệ hạ”.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 21/02/2018
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật