LẬP XUÂN
Lập
xuân 立春 khoảng trước sau nguyên đán, là tiết xuân của người
xưa. Mọi người thích mùa xuân, mùa xuân muôn vật bừng tỉnh dậy, mặt đất bao phủ
một màu xanh mới, cho nên Lập xuân trước giờ là một lễ tiết trọng yếu, kinh
sư và trong cung đều có hoạt động nghinh
xuân, nghinh khí.
Thời
Đông Hán, sứ giả nghinh xuân cầm cờ phan màu xanh, đầu vấn khăn xanh, đi đến
phía đông ngoại thành long trọng nghinh xuân. Trước khi sứ giả nghinh xuân đến,
có một đồng nam trẻ đẹp, mặc áo xanh, đầu trùm khăn xanh, giả đóng vai tượng
trưng cho mùa xuân, đứng tại cánh đồng phía đông ngoại thành. Sau khi sứ giả
nghinh xuân đến, đồng nam xuất hiện, biểu minh cho mùa xuân đã giáng lâm, sứ giả
nhìn thấy liền quỳ xuống lễ bái, sau đó đưa mùa xuân về. Thế là kinh thành đầy
sắc xanh, cung cấm đầy sắc xanh, cả một một sức sống tràn trề.
Lập xuân đến, đất nước nông
nghiệp Trung Quốc liền bận rộn việc xuân canh. Thời Bắc Tống và Nam Tống cực kì
coi trọng lễ tiết Lập xuân này. Lúc Lập xuân, quan địa phương của kinh thành
đem “xuân ngưu” 春牛dâng hiến lên cung cấm của triều đình, dùng làm “tiên
xuân” 鞭春(1) biểu
thị khuyến nông. Thời Bắc Tống phủ Khai Phong 开封 dâng tặng đại xuân
ngưu, thời Nam Tống do phủ Lâm An 临安 dâng tặng. “Xuân ngưu” được làm từ gỗ, cũng còn gọi là
“thổ ngưu” 土牛. Trong Tuý Ông
đàm lục 醉翁谈录có nói, thời Tống, các xuân ngưu làm ra thì xuân ngưu của phủ Chân Định
真定 là lớn nhất.
Chẳng
qua, xuân ngưu làm ra và dâng lên là do phủ Khai Phong hoàn thành. Trong sử thư
có nói, trước Lập xuân một ngày, phủ Khai Phong tiến dâng xuân ngưu đưa vào
cung để làm lễ “tiên xuân”. Ở hai huyện Khai Phong 开封và
Tường Phù 祥符thì đưa xuân ngưu đến trước phủ. Sáng sớm hôm đó, phủ
liêu thực hiện “đả xuân”, nghi thức cũng giống như các châu quận. Bên trái bên
phải của phủ, bách tính bán những tiểu xuân ngưu. Ngày xuân, Tể chấp, thân
vương bách quan đều tặng những phan thắng 幡胜 (2) bằng vàng hoặc bạc. Nơi nội đình, hoạn quan còn dùng
dây tơ ngũ sắc đánh vào tiên ngưu, đó chính là sự kiện mà gọi là “đả xuân” 打春.
Đời Tống,
ngày Lập xuân hoàng đế cũng ban thưởng các loại phan thắng cho các cận thần ở
kinh thành. Phan thắng là vật trang sức có màu sắc được làm từ những mảnh vàng
bạc mỏng và lụa, thịnh hành vào đời Đường, đặc biệt cực thịnh vào đời Tống.
Trong Tuý Ông đàm lục 醉翁谈录có nói: ngày
hôm đó, từ Lang quan, Ngự sử, Tự giám trưởng, nhị trở lên đều tặng xuân phan thắng,
dùng lụa làm thành. Cận thần đều được tặng thêm ngân thắng. Sau khi phủ Khai
Phong làm lễ “tiên ngưu”, các quan cùng nhau yến ẩm, sau đó vào triều bái tạ.
Chú của người
dịch
1- Tiên xuân 鞭春: cũng gọi là
“tiên xuân ngưu” 鞭春牛, “tiên ngưu” 鞭牛,
đây là một dân tục truyền thống đặc biệt vùng Ngô Việt. Ngày Lập xuân hoặc bắt
đầu xuân tiết, người ta làm ra những con trâu đất nhằm mục đích khuyến nông. Châu
huyện cùng nông dân dùng roi đánh vào trâu đất tượng trưng cho vụ cày cấy mùa
xuân bắt đầu, lấy điềm được mùa, khuyến khích cày cấy. “Tiên xuân ngưu” cũng gọi
là “tiên thổ ngưu” có khởi nguyên tương đối sớm. Trong Chu lễ - Nguyệt lệnh 周礼 - 月令có ghi:
Xuất thổ ngưu dĩ tống hàn khí (3)
出土牛以送寒气
(Làm trâu đất để tống khí lạnh)
Về sau theo đó mà bảo lưu, nhưng đổi lại vào mùa xuân,
thịnh hành vào hai đời Đường và Tống, đặc biệt là từ sau khi Tống Nhân Tông ban
bố Thổ ngưu kinh 土牛经, phong tục
“tiên thổ ngưu” càng quảng bá rộng rãi, trở thành nội dung trọng yếu trong văn
hoá dân tục truyền thống.
2- Phan thắng 幡胜: một loại vật
trang sức được làm từ những mảnh vàng bạc mỏng hoặc từ lụa. Nhân vì có hình dạng
giống cờ phan nên có tên là “phan thắng”. Vào ngày xuân phan thắng được dùng để
trang sức hoặc dùng làm quà tặng nhau.
3- Câu này được chép vào tháng Mạnh đông trong Lễ kí - Nguyệt lệnh 禮記 - 月令, không phải ở Chu lễ 周礼.
Huỳnh Chương Hưng
Quy
Nhơn 04/02/2018
Lập xuân 19 tháng Chạp năm Đinh Dậu
Nguồn
HOÀNG TRIỀU ĐIỂN CỐ KỈ VĂN
皇朝典故纪闻
Tác giả: Hướng Tư 向斯
Bắc Kinh: Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2002
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật