Dịch thuật: Chu U Vương phong hoả hí chư hầu (tiếp theo)


CHU U VƯƠNG PHONG HOẢ HÍ CHƯ HẦU
(tiếp theo)

          Bao Tự 褒姒tuy mặc lụa là, ăn mĩ vị, nhưng trên khuôn mặt chưa hề có nụ cười. Chu U Vương tìm mọi cách để nàng cười nhưng đều không đạt được mục đích. Cuối cùng, một ngày nọ U Vương nghĩ ra một cách để chọc cho Bao Tự cười, đó chính là diễn màn kịch “Chu U Vương phong hoả hí chư hầu” 周幽王烽火戏诸侯 (Chu U Vương nổi lửa phong hoả đài giễu chư hầu).
          Nguyên là vào thời cổ giao thông bất tiện, để kịp thời cảnh báo, nhiều phong hoả đài cao lớn được xây trên đỉnh núi, bên trên chuẩn bị nhiều phân chó sói, củi lửa, đồng thời phái binh sĩ trấn giữ trên đài. Một khi phát hiện có địch, binh sĩ trấn giữ phong hỏa đài ban ngày sẽ đốt phân chó sói, luồng khói trắng bay thẳng lên trời, từ nơi rất xa có thể nhìn thấy, cho nên thời cổ gọi ngoại địch xâm lược là “lang yên tứ khởi” 狼烟四起; ban đêm sẽ đốt lửa, từ xa có thể nhìn thấy lửa sáng một góc trời, cũng có thể biết phát sinh tình hình quân sự, đó chính là điều mà gọi là “phong hoả báo cảnh” 烽火报警. Hôm đó Chu U Vương đưa Bao Tự đến phong hoả đài, đốt lửa lên, đồng thời khua trống vang trời. Chu U Vương từng cùng với các chư hầu quốc giao ước rằng: chư hầu phải là “phên giậu của nhà Chu”. Các chư hầu nhìn thấy khói lửa bốc lên, tưởng rằng ngoại địch đến xâm phạm kinh đô nhà Chu, liền thống lĩnh binh mã đến Hạo kinh 镐京. Nhưng khi đến nơi, chỉ thấy Chu U Vương cùng Bao Tự yến ẩm vui chơi trên đài, không hề phát sinh quân tình đặc biệt gì mới biết đã bị lừa, các chư hầu giận dữ kéo binh về...
          Bao Tự trên đài cao nhìn thấy chư hầu các nước bị lừa, cảm thấy vô cùng vui, không ngăn được cười lớn lên. Chu U Vương thấy cách này cuối cùng đã khiến cho Bao Tự cười, trong lòng rất vui mừng. Để có thể làm cho Bao Tự tiếp tục cười, U Vương theo đó thực hiện qua mấy lần, kết quả, các nước chư hầu “cần vương” giảm dần. Về sau, khi U Vương đốt lửa một lần nữa, căn bản không còn ai quan tâm đến nữa.
          Để bóc lột càng nhiều tài phú nhằm hưởng lạc, U Vương còn đề bạt Quắc Thạch Phủ 虢石父, kẻ “giỏi nịnh hám lợi” làm khanh sĩ cho vương triều, từng bước tăng thêm gánh nặng cho quần chúng, điều này đã gây nên sự bất mãn của  nhân dân cả nước. Thân Hậu 申后 bị U Vương phế trừ là con gái của Thân Hầu 申侯 tính Khương . Đối với việc đó, Thân Hầu vô cùng giận, năm 771 trước công nguyên, Thân Hầu liên hiệp cùng nước Tăng hưng binh hỏi tội vương triều Chu. Thân Hầu sợ lực lượng của mình còn mỏng nên đã câu kết với tộc Khuyển Nhung cùng tấn công Chu U Vương. Chu U Vương hoảng sợ vội đốt lửa phong hoả đài để báo với các nước chư hầu. Nhưng, các nước chư hầu lúc thường bị U Vương lừa quen rồi, lần này họ cho rằng cũng đang bị giễu, nên không nước chư hầu nào phái binh đến “cần vương”. Hạo kinh dễ dàng bị liên quân của Thân, Tăng và Tây Nhung công phá, Chu U Vương dẫn Bao Tự đào thoát, đến dưới chân Li sơn (nay là Lâm Đồng Thiểm Tây 陕西) bị người Nhung đuổi theo giết chết, Bao Tự cũng bị bắt làm chiến lợi phẩm. Hạo kinh phồn hoa bị người Nhung thiêu đốt cướp bóc, trở nên tàn phá. Những báu vật châu ngọc mà vương triều Chu thu được cũng bị người Nhung lấy sạch.
          Từ Chu Vũ Vương diệt Thương đến Chu U Vương bị giết, triều Tây Chu tổng cộng được 11 đời với 12 vị vương. Vương triều Tây Chu thống trị khoảng 257 năm đã bị diệt vong như thế. (Hết)

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 13/02/2018

Nguyên tác Trung văn
CHU U VƯƠNG PHONG HOẢ HÍ CHƯ HẦU
周幽王烽火戏诸侯
Trong quyển
 TÂY CHU SỬ THOẠI
西周史话
Tác giả: Vương Vũ Tín 王宇信
Trung Quốc quốc tế quảng bá xuất bản xã, 2007
Previous Post Next Post