Dịch thuât: Vương Tiễn (tiếp theo kì 4) (Hổ chi uy)

VƯƠNG TIỄN
(tiếp theo kì 4)

          Quân Tần vào Sở, Hạng Yên tại Đông Cương 东冈cự địch. Sở Vương lại xuất 20 vạn binh, mệnh cho Cảnh Kì 景骐làm tướng chi viện Hạng Yên. Vương Tiễn đồn binh tại núi Thiên Trung 天中, Hạng Yên hàng ngày sai người ra khiêu chiến, Vương Tiễn không xuất chiến. Hạng Yên cười bảo rằng:
          - Vương Tiễn già rồi!
          Quân Tần uống rượu vui đùa, Vương Tiễn còn tự thân dạy quân Tần ném đá: dùng đá tảng 12 cân, ném vào một khúc gỗ đặt cách một cự li nhất định, người nào ném trúng khúc gỗ xa hơn sẽ được trọng thưởng.
          Vương Tiễn còn hạ lệnh đem nhiều thanh gỗ đặt nằm ngang cao cao, bảo quân sĩ nhảy qua, người nào nhảy cao hơn là thắng sẽ được trọng thưởng. Hàng ngày có người chuyên phụ trách ghi lại tỉ số thắng thua. Cứ như vậy, quân Tần không ngừng luyện binh.
          Tần Vương Chính định kì sai người thám thính tin tức. Một số người thừa cơ hội nói với Tần Vương Chính:
          - Nếu Vương Tiễn tự lập làm vương, nước Tần sẽ mất!
          Tần Vương Chính sai sứ giục Vương Tiễn xuất chiến. Vương Tiễn hồi tin đáp rằng:
          - Đại vương đã dốc hết binh lực cả nước cho lão thần, hà tất còn hoài nghi lão thần! Lão thần tuy chưa xuất chiến, nhưng cũng không có tổn thất. Nếu đại vương hoài nghi lão thần, thì triệu lão thần về triều. Lão thần đã không xuất binh thì thôi, động binh tất diệt Sở! Lão thần tự biết không bằng danh tướng thời cổ là Nhạc Dương 乐羊 (1), nhưng đại vương hơn Văn Hầu 文侯! Sao đại vương không bắt chước theo Văn Hầu đem những tấu chương gièm pha lão thần bỏ vào rương khoá lại, đợi thần thắng trận quay về sẽ phong thưởng cho thần!
          Tần Vương Chính rất cảm động, đem ngự tửu ban tặng cho Vương Tiễn.
          Trọn một năm, quân hai bên yên ổn vô sự. Một ngày nọ Vương Tiễn mở đại yến trong toàn quân, phát binh diệt Sở. Quân Sở phòng bị lỏng lẻo, đại bại bỏ chạy. Vương Tiễn dẫn quân truy sát, lại đánh bại quân Sở tại thành Vĩnh An 永安. Quân Tần chiếm lĩnh Tây Lăng, Vương Tiễn chia binh ra một nửa giao cho
Mông Vũ, trấn giữ các nơi ở Hồ Nam 湖南. Vương Tiễn đích thân dẫn 30 vạn quân đánh Hoài Nam 淮南, thẳng hướng đến Thọ Xuân 寿春. Hạng Yên tháo chạy đến  Hoài Thượng 淮上chiêu binh mãi mã, Vương Tiễn thừa cơ công phá Thọ Xuân, nước Sở diệt vong.
          Hạng Yên chiêu mộ 3 vạn dũng sĩ, đến Từ thành 徐城tìm đến vương huynh Xương Bình Quân 昌平君, dẫn quân vượt qua Trường giang, lập Xương Bình Quân làm Sở Vương.
          Vương Tiễn lệnh cho Mông Vũ tại châu Anh Vũ 鹦鹉đóng thuyền, huấn luyện thuỷ binh. Một năm sau, Vương Tiễn thống lĩnh thuỷ binh thuận theo giòng nước xuống phía nam, tiến thẳng đến Giang Nam 江南. Sau khi lên bờ, Vương Tiễn đóng 10 vạn binh tại Hoàng sơn 黄山, chặn giang khẩu. Chủ lực quân Tần bao vây Lan Lăng 兰陵. Hạng Yên dốc hết binh trong thành giao chiến cùng quân Tần. Quân Tần chủ động triệt thoái, Hạng Yên vừa lui quân, không ngờ quân Tần phản công lại. Quân Hạng Yên đại bại, tử thủ Lan Lăng.
          Xương Bình Quân đích thân thủ thành bị lạc tên bắn chết. Hạng Yên tuyệt vọng, rút kiếm tự vẫn. Trong thành đại loạn, quân Tần phá thành, nước Sở diệt vong.
          Vương Tiễn đến Cô Tô 姑苏, thủ quân nơi đó đầu hàng. Việt Vương nghe quân Tần lớn mạnh cũng vội đến đầu hàng. Năm Tần Vương Chính thứ 25, Vương Tiễn về đến Hàm Dương 咸阳. Tần Vương Chính ban thưởng ngàn dật (2) vàng, sai phá Yên. Vương Tiễn nói rằng:
          - Thần năm nay đã 81 tuổi rồi, thể lực suy nhược, quả thực không thể nhận lãnh nhiệm vụ to lớn. Xin cho thần được về Tần Dương 频阳dưỡng lão.
          - Sau khi tướng quân đi, ai có thể thay quả nhân phạt Yên?
          Vương Tiễn đáp rằng:
          - Mông Vũ, Vương Bôn đều có thể làm tướng!
          Tần Vương Chính bái Vương Bôn làm Đại tướng, công đánh Liêu Đông 辽东. Quân Tần vượt qua sông Áp Lục 鸭绿, đạp bằng Bình Nhưỡng 平壤, bắt Yên Vương Hỉ 燕王喜. Vương Bôn lại dẫn quân truy đến Miêu Nhi trang 猫儿庄, bắt Đại Vương 代王.
         Vương Bôn dẫn 10 vạn quân về đến Yên sơn 燕山. Tề Vương xuất binh giữ biên giới phía tây. Vương Bôn giữ lấy cầu Đạo Ngô 道吴, tiến vào Tế Nam 济南. Những nơi quân Tần đến đều không gặp sự kháng cự nào. Trong thành Lâm Tri 临淄 hỗn loạn, Tề Vương Kiến 齐王建dâng thành đầu hàng.
          Năm Tần Vương Chính thứ 26, nước Tần thống nhất thiên hạ, Tần Vương Chính cải xưng Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇, phong Vương Tiễn làm Thập vạn hộ Vũ Thành Hầu 十万户武成侯. Uý Liêu cùng đệ tử Vương Ngao, chẳng từ biệt mà ra đi. Có người nói rằng, Uý Liêu và đệ tử Vương Ngao rời khỏi Hàm Dương, từng đi ngang qua nhà Vương Tiễn. Tần Thuỷ Hoàng hỏi Vương Tiễn, Vương Tiễn đáp rằng:
          - Không có.
          Tần Thuỷ Hoàng không trách tội, hỏi thêm:
          - Tại sao Uý Liêu bỏ trẫm ra đi?
          Vương Tiễn đáp rằng:
          - Nay nghiệp lớn của bệ hạ đã thành, tôn hiệu cũng đã định, mưu thần công huân quy ẩn là đại thế hướng đến. Mong đại vương lấy giang sơn xã tắc làm trọng, không nên quá nghĩ đến tình cũ.
          Vương Tiễn dâng thư, cáo lão về quê.
          Năm Tần Thuỷ Hoàng thứ 33 (năm 214 trước công nguyên), Vương Tiễn qua đời, hưởng niên 90 tuổi. (hết)

Chú của người dịch
1- Nhạc Dương 乐羊:
          Nhạc Dương tướng nước Nguỵ lãnh binh đi đánh nước Trung Sơn 中山. Lúc bấy giờ con của Nhạc Dương đang ở Trung Sơn. Quốc quân Trung Sơn sai đem người con của Nhạc Dương nấu thành canh rồi đưa cho Nhạc Dương. Nhạc Dương ngồi trong trướng điềm nhiên bưng bát canh lên ăn hết. Nguỵ Văn Hầu 魏文侯 nói với Đổ Sư Tán 睹师赞rằng:
          - Nhạc Dương vì đất nước của ta mà ăn bát canh thịt con mình.
          Đổ Sư Tán nói rằng:
          - Ngay cả thịt của con mình mà Nhạc Dương còn ăn được thì thịt của người nào mà ông ta không dám ăn!
          Sau khi Nhạc Dương công chiếm Trung Sơn, Nguỵ Văn Hầu tuy ban thưởng cho Nhạc Dương nhưng lại hoài nghi tâm địa của ông.
2- Dật: theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, “dật” là một phép cân đời xưa tức là 20 lạng bây giờ.

                                                                Huỳnh Chương Hưng
                                                                Quy Nhơn 11/01/2018

Nguyên tác
VƯƠNG TIỄN
王翦
Trong quyển
HỔ CHI UY
虎之威
Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文
Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.
Previous Post Next Post