Dịch thuật: Vương Lăng (Tể tướng Trung Quốc)

VƯƠNG LĂNG

          Vương Lăng 王陵 (? – năm 181 trước công nguyên), Tể tướng của Huệ Đế, Lữ Hậu thời Tây Hán, mất vì bệnh.

          Vương Lăng王陵 người huyện Bái (nay là huyện Bái tỉnh Giang Tô江苏), lúc ban đầu là hào cường ở huyện Bái, rất có thế lực. Đương thời, Lưu Bang 刘邦  hãy còn là một dân thường nghèo hèn, từng nương tựa ở Vương Lăng, tôn ông như bậc huynh trưởng.
          Sau khi Lưu Bang khởi binh phản Tần, Vương Lăng cũng tụ tập hơn mấy ngàn người khởi nghĩa, chiếm lĩnh Nam Dương 南阳. Ban đầu, Vương Lăng coi thường Lưu Bang, không chịu quy phụ. Sau, Lưu Bang công diệt triều Tần, cùng Hạng Vũ 项羽 triển khai chiến tranh Hán Sở tranh đoạt thiên hạ, Vương Lăng mới dẫn quân về với Lưu Bang. Hạng Vũ cả giận, bắt mẹ của Vương Lăng đưa về trong quân để ép Vương Lăng quy phụ mình. Vương Lăng phái sứ giả đến giao thiệp, khi sứ giả về, mẹ Vương Lăng lén tiễn, bà khóc và nói rằng:
          - Xin chuyển lời đến Vương Lăng, bảo nó một lòng theo Hán Vương (Lưu Bang). Hán Vương là bậc trưởng giả trung hậu, chớ có vì ta mà ba lòng hai ý. Ta sẽ lấy cái chết để kiên định quyết tâm theo Hán Vương của nó.
          Nói xong bèn đoạt lấy kiếm tự vẫn. Hạng Vũ xấu hổ thành giận, cho nấu thi thể mẹ Vương Lăng. Từ đó, Vương Lăng kết mối thâm cừu với Hạng Vũ, một lòng theo Lưu Bang nam chinh bắc chiến, giúp Lưu Bang công diệt Hạng Vũ, đoạt lấy thiên hạ.
          Sau khi Lưu Bang xưng đế luận công ban thưởng, nhân vì ban đầu Vương Lăng không chịu quy phụ, lại cùng với kẻ thù của mình là Ung Xỉ 雍齿 kết bạn, nên đã xếp Vương Lăng phía sau, phong làm An Quốc Hầu 安国侯.
          Tháng 10 năm Hán Huệ Đế 汉惠帝thứ 6 (năm 189 trước công nguyên), Vương Lăng được Huệ Đế phong làm Hữu thừa tướng, cùng với Tả thừa tướng Trần Bình 陈平cùng nắm giữ triều chính. Hai năm sau, Huệ Đế bệnh và qua đời, Lữ Hậu 吕后lâm triều xưng chế. Lữ Hậu muốn phong em và cháu của mình làm Vương, Vương Lăng trực ngôn phản đối, nói rằng:
          - Cao Hoàng Đế lúc sinh tiền từng với các đại thần đính lập lời thề Bạch mã (1), thề rằng: ‘Nếu không phải là họ Lưu mà lập làm Vương, thì sẽ bị thiên hạ cùng đánh.’ Nay phân phong cả nhà họ Lữ làm Vương đó là trái với lời thề.
          Lữ Hậu không vui, ngay tại triều hỏi Trần Bình và Thái Uý Chu Bột 周勃. Hai người đều thuận tùng, nói rằng:
          - Cao Hoàng Đế bình định thiên hạ, phân phong con em làm Vương; nay Thái hậu xưng chế, phân phong em và cháu mình làm Vương sao lại không được?
          Thái hậu bèn chuyển giận làm vui.
          Sau khi thoái triều, Vương Lăng giận dữ trách hỏi Trần Bình, Chu Bột:
        - Ban đầu khi Cao Hoàng Đế cùng chúng ta cắt máu minh thề, hai ông không có ở đó sao? Nay Cao Hoàng Đế tạ thế, Thái hậu nắm quyền, muốn phân phong em và cháu làm Vương, hai ông lại hùa theo phụ hoạ, vứt bỏ lời thề, còn mặt mũi nào mà ăn nói với vong linh hoàng đế!
          Trần Bình với ý vị sâu xa đáp rằng:
          - Tại triều đường can gián trước mặt, tôi không bằng ông; còn như bảo toàn xã tắc, phò trợ cho con cháu đời sau của họ Lưu thì ông lại không bằng tôi.
          Tháng 11 năm Cao Hậu thứ nhất (năm 187 trước công nguyên), Thái hậu dùng thủ pháp minh thăng ám gián, phong Vương Lăng làm Thái phó, tước đoạt quyền Tể tướng của ông. Vương Lăng cáo bệnh về nhà, bế môn bất xuất.
          Năm 181 trước công nguyên, Vương Lăng bệnh và qua đời.

Chú của người dịch
1- Lời thề Bạch mã,  tức Bạch mã chi minh 白马之盟:
          Trung tuần tháng 3 năm Hán Cao Tổ thứ 12 (năm 195 trước công nguyên), cách lúc Hán Cao Tổ Lưu Bang qua đời khoảng 1 tháng, Cao Tổ bệnh nặng, ông gọi các trọng thần cùng Lữ hậu đến, cho giết một con ngựa trắng, thề với trời. Đây chính là “lời thề Bạch mã” có ảnh hưởng cực lớn trong lịch sử triều Hán. Bạch mã chi minh có 2 nội dung:
          Thứ nhất, đối với đại thần thề rằng:
Quốc dĩ vĩnh tồn, thi cập miêu duệ
国以永存, 施及苗裔
(Chỉ cần nhà Hán mãi tồn tại, con cháu đại thần vĩnh viễn được ấm no)
          Thứ hai:
          Phi Lưu thị nhi Vương giả, thiên hạ cộng kích chi; nhược vô công Thượng sở bất trí nhi Hầu giả, thiên hạ cộng tru chi.
          非刘氏而王者, 天下共击之; 若无功上所不置而侯者, 天下共诛之.
          (Nếu không phải là họ Lưu trong hoàng tộc, mà được phong Vương thì sẽ bị thiên hạ cùng đánh; nếu không có công lao, chưa được hoàng thượng sách phong mà xưng Hầu, sẽ bị thiên hạ tru diệt)
     Hai nội dung của lời thề Bạch mã cấu thành một chỉnh thể. Sự hậu đãi của nhà Hán đối với các đại thần vừa là sự báo đáp công lao trước đây, lại là cơ sở để thực hiện lời thề “Phi Lưu thị nhi Vương giả, thiên hạ cộng kích chi”, điều thứ hai mới chính là mục đích cuối cùng ở “Bạch mã chi minh” của Lưu Bang.

                                                        Huỳnh Chương Hưng
                                                        Quy Nhơn 25/01/2018

Nguyên tác Trung văn
VƯƠNG LĂNG
王陵
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH ĐẠI TỂ TƯỚNG LỤC
中国历代宰相录
Chủ biên: Dương Kiếm Vũ 杨剑宇
Thượng Hải văn hoá xuất bản xã, 1999
Previous Post Next Post