“QUAN CHỈ” TRONG “CỔ VĂN QUAN CHỈ” NGHĨA
LÀ GÌ
Cổ văn quan chỉ 古文观止 là một trong
những tuyển bản tản văn cổ đại lưu hành lưu hành rộng rãi từ đời Thanh đến nay.
Hai chữ “quan chỉ” 观止 xuất xứ từ Tả
truyện – Tương Công nhị thập cửu niên 左传 - 襄公二十九年, công tử Quý
Trát 季札 nước Ngô thưởng thức âm nhạc của Chu vương thất tại nước
Lỗ, khi xem vũ đạo “Thiều tiêu” 韶箾 (1), đã khen
rằng:
Đức chí hĩ tai! Đại hĩ (2).
德至矣哉! 大矣.
(Đức đã đến chỗ tột cùng! Lớn vậy thay.)
Ông cho
rằng bài múa này không gì là không đẹp, tiếp đó lại nói:
Quan chỉ hĩ! Nhược hữu tha nhạc, ngô bất
cảm thỉnh dĩ.
观止矣! 若有他乐, 吾不敢请已.
Ý nói,
những vũ điệu âm nhạc này hay đẹp đến cực điểm, những nhạc khác đều không cần phải
xem. Người đời sau bèn lấy hai chữ “quan chỉ” để khen tặng nét tận thiện tận mĩ
của sự vật trông thấy, hay đẹp đến mức không thể thêm thứ gì vào được. Cổ văn quan chỉ ý chỉ văn chương ở đây
là hay nhất trong cổ văn, những văn chương khác đều không thể vượt qua.
Sự thực,
về chỉnh thể những bài văn được tuyển chọn trong Cổ văn quan chỉ quả thực đã đại biểu cho trình độ cao nhất trong tản
văn văn ngôn Trung Quốc, cũng là xứng đáng với hai chữ “quan chỉ”. Bộ sách này
do hai chú cháu là Ngô Sở Tài 吴楚材và Ngô Điều Hầu 吴调侯 người Thiệu Hưng 绍兴
Triết Giang 浙江cùng tuyển chọn biên tập lại mà thành vào khoảng thời
Khang Hi 康熙nhà Thanh. Hai người này là thầy dạy học, bản Cổ văn quan chỉ được dùng làm giáo trình
để dạy học sinh viết văn.
Toàn
sách Cổ văn quan chỉ thu thập 222
thiên văn chương ưu tú của các đời từ đời Chu
đến cuối đời Minh, đại thể phản ánh diện mạo chỉnh thể của sự phát triển tản
văn từ thời Tiên Tần đến cuối đời Minh. Những bài được chọn đưa vào đều là những
giai tác với ngôn ngữ tinh luyện, sắc bén tiện cho việc truyền tụng. Trong đó, từ
thời Tây Hán trở về trước, Tả truyện 左传 của Tả Khâu Minh
左丘明 chọn 34 thiên, thêm những tác phẩm thời Tiên Tần
khác, tác phẩm thời Tiên Tần tổng cộng có 70 thiên, chiếm 1/3 toàn sách Cổ văn quan chỉ; đối với văn chương thời
lưỡng Hán, người biên soạn tương đối coi trọng Sử kí 史记của Tư Mã Thiên 司马迁,
tuyển chọn 14 thiên; văn chương thời Đường lấy Hàn Dũ 韩愈,
Liễu Tông Nguyên 柳宗元 trong “Đường Tống bát đại gia” 唐宋八代家 làm chính; văn thời Tống lấy Âu Dương Tu 欧阳修, Tô Thức 苏轼 làm trọng điểm; văn chương thời Tần chỉ chọn 1 thiên của
Lí Tư 李斯, văn chương thời Lục Triều chọn 6 thiên, đời Nguyên 1
thiên (chưa chọn); đời Minh chọn 18 thiên.
Tuyển bản
cổ văn trước Cổ văn quan chỉ đa phần
theo thể lệ Văn tuyển 文选 của Chiêu Minh
thái tử Tiêu Thống 萧统, phân loại rối rắm, thường lấy điều mục làm tuyến
chính, khi đọc rất không tiện. Cổ văn
quan chỉ lấy thời đại làm cương, lấy tác giả làm mục, khi đọc rất thuận tiện,
tra cứu cũng nhanh. Hơn 300 năm sau khi ra đời, trở thành tuyển bản cổ văn sơ học
lưu hành nhất và cũng có ảnh hưởng nhất, thường được làm bản đọc cho lớp vở
lòng tại các tư thục. Ngoài ra, tại giữa bài hoặc cuối bài trong sách, người chọn
có một số phê chú, đối với người mới học có sự trợ giúp nhất định.
Chú của người
dịch
1- Trong nguyên tác in là “Thiều Tiễn” 韶箭, bản Cổ văn
quan chỉ do Thiên Tân cổ tịch xuất bản xã, in năm 2004 là “Thiều tiêu” 韶箾. Tôi theo bản này sửa lại là “Thiều tiêu”.
2- Câu này ở Tả truyện – Tương Công nhị thập cửu niên左传 - 襄公二十九年, trong nguyên tác in nhầm là “thập cửu niên”
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 01/01/2018
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật