Dịch thuật: Đơn vị hoá tệ thời cổ ở Trung Quốc là gì


ĐƠN VỊ HOÁ TỆ THỜI CỔ Ở TRUNG QUỐC LÀ GÌ

          Tiền Nhân dân tệ Trung Quốc đang lưu hành lấy “nguyên” làm đơn vị, phụ thêm vào có “giác” và “phân” . Đơn vị hoá tệ thời cổ là gì? Đơn vị hoá tệ “nguyên” này được sản sinh như thế nào?
          Từ đời Thương trở về trước đều dùng rộng rãi vật tự nhiên để làm vật trao đổi ngang giá, cũng chính là mai rùa và vỏ sò. Trong giáp cốt văn phát hiện tại Ân Khư 殷墟 có một số lượng lớn những ghi chép về việc mua bán như thế này, đơn vị tính toán lúc bấy giờ là “bằng” (1).
          Về sau sản sinh ra hoá tệ bằng kim loại, trở thành vật ngang giá dùng để trao đổi mua bán, có vàng, bạc, đồng. Trong đó, loại tương đối dễ phát hiện và khai thác là đồng, cho nên tiền được đúc thời Xuân Thu Chiến Quốc đều là tiền đồng. Tiền các nước không thống nhất, các loại hình dạng đều có. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 thống nhất 6 nước đã ban lệnh thực hành thống nhất chế độ đo lường, hoá tệ cũng được thống nhất, lúc bấy giờ mới có đơn vị tính toán là “lượng” 两 và “văn” .
          “Lượng” và “văn” chiếm địa vị chủ đạo trong một thời gian dài của xã hội phong kiến Trung Quốc. Từ “nguyên” 元 được sản sinh vào trung và hậu kì thời Minh. Khoảng thời Vạn Lịch 万历, hoá tệ bằng bạc lưu hành phổ biến ở Âu Mĩ đã truyền nhập vào Trung Quốc, thông hành nhất có ngân viên 银圆 (tiền bằng bạc) của Mexico , trên bề mặt của ngân viên có hình con chim ưng, cho nên cũng được gọi là “ưng dương”. Do bởi chất liệu bằng bạc, có dạng hình tròn nên có tên gọi như thế. 1 đồng gọi là 1 “viên” . “Viên” vừa là danh xưng hoá tệ, vừa là danh xưng đơn vị. Về sau để cho tiện khi viết, người ta đã mượn chữ “nguyên” để thay chữ “viên” (2). Từ đó, tuy sử dụng qua nhiều loại hoá tệ, đơn vị “nguyên” vẫn được dùng.
          Có thể thấy, “nguyên” lúc ban đầu đến từ  “viên” , là từ hình dạng hoá tệ bằng kim loại.

Chú của người dịch
1- Bằng : theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, 5 vỏ sò là 1 bằng. Một số tư liệu trên mạng thì cho rằng, lấy 5 vỏ sò làm 1 xâu, 2 xâu là 1 bằng.
2- Chữ “viên” và chữ “nguyên” 元 trong tiếng Bắc Kinh hiện đại đọc như nhau, bính âm của cả 2 là “yuan” (thanh 2).

                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 05/01/2018

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post