SỰ PHÁT HIỆN GIÁP CỐT VĂN
Năm
1899 (năm Quang Tự 光绪thứ 25), Tế tửu Quốc tử giám (viên quan chủ quản trong
cơ cấu giáo dục trung ương đời Thanh) là Vương Ý Vinh 王懿荣
sinh bệnh. Thái y chẩn đoán đã cho toa, sau khi lấy thuốc về, Vương Ý Vinh phát
hiện vị thuốc gọi là “long cốt” 龙骨 có khắc những chữ
mà không nhận ra được.
Long cốt
là những hoá thạch xương răng của loài động vật có xương sống thời cổ, chủ yếu
dùng để trị các chứng bệnh như lo sợ, bị tả, ra mồ hôi trộm trong Trung y. Vào
thời xa xưa, trên những thứ này tại sao lại có chữ? Vương Ý Vinh vốn có hứng
thú với khảo cổ, lại là nhà Kim thạch học nổi tiếng, nên đối với việc này ông cảm
thấy kì lạ.
Vương Ý
Vinh sai người thăm dò một số tiệm thuốc nổi tiếng ở Bắc Kinh, mới biết vị thuốc
“long cốt” này là từ Hà Nam
chuyển đến. Sau đó lại tìm được một người buôn đồ cổ, Vương Ý Vinh đã bỏ vàng
ra mua hai ba trăm miếng “long cốt” có khắc chữ để nghiên cứu.
Kì thực,
“long cốt” có chữ này là phần yếm của rùa và xương thú mà chủ yếu là xương bả
vai của trâu, xương đầu của hươu. Văn tự được khắc ở trên đó, hợp lại gọi là
“quy giáp thú cốt văn tự” 龟甲兽骨文字, gọi tắt là
“giáp cốt văn” 甲骨文. Nó là sản vật của đời Thương.
Những
giáp cốt bị chôn lấp ở thôn Tiểu Đồn 小屯 phía tây bắc huyện
An Dương tỉnh Hà Nam này đã có hơn 3000 năm, mãi đến hơn 30 năm trước mới được
nông dân phát hiện. Khi họ đang xới đất bắt gặp những vật này, cho chúng là vị
thuốc có thể bán cho tiệm thuốc. Tiệm thuốc thu mua với giá rất thấp, một cân
chỉ có mấy đồng, và không cần có chữ. Thế là, những nông dân liền cạo bỏ chữ
trên bề mặt rồi đem bán; những mảnh nhỏ, chữ lại nhiều không dễ cạo bỏ, họ đem
vất xuống giếng khô.
Sự việc
này khiến một số thương nhân buôn đồ cổ biết được đã đến An Dương, bất kể trên
“long cốt” có chữ hay không có chữ, họ đều thu mua một số lượng lớn với giá thấp,
sau đó mang đến Bắc Kinh bán lại với giá cao. Vương Ý Vinh đã mua được một số từ
tay thương nhân.
Vương Ý
Vinh đoán định, long cốt có chữ này là văn vật cổ đại có giá trị, ông đã nói
cho một vài người bạn biết. Nhưng ông chưa bắt tay vào nghiên cứu thì năm sau
liên quân 8 nước do các liệt cường đế quốc chủ nghĩa tổ thành đã tiến vào thành
Bắc Kinh. Vương Ý Vinh không chịu sự lăng nhục của người nước ngoài, ông đã tự trầm trong ao ở hoa viên của
mình. Cả ngàn mảnh “long cốt” mà ông sưu tập được bó lại cất trên gác.
Vương Ý
Vinh có một người bạn tên là Lưu Ngạc 刘鹗, là một tiểu thuyết
gia, người này cũng rất quan tâm đến “long cốt”. Đầu năm 1902, người con của
Vương Ý Vinh đem bán cổ vật của nhà, Lưu
Ngạc đã mua lại số “long cốt” đó; tiếp đó lại nhờ người đi khắp nơi thu mua.
Sau hơn một năm, Lưu Ngạc đã tích luỹ được mấy ngàn mảnh. Nhưng, Lưu Ngạc vẫn không biết đích xác địa điểm phát hiện
“long cốt”, bởi vì những thương nhân giảo hoạt trước sau không hề nói cho
ông biết.
Bạn của
Lưu Ngạc là La Chấn Ngọc 罗振玉 rất có hứng thú đối
với việc nghiên cứu “long cốt”. Theo sự xúi giục của La Chấn Ngọc, năm 1903
cũng là năm mà Lưu Ngạc công bố quyển tiểu thuyết nổi tiếng Lão tàn du kí 老残游记, hơn 1000 mảnh
long cốt được chụp lại in thành sách, đặt tên là Thiết Vân tàng quy铁云藏龟. Sách này tuy chưa nói đến 2 chữ “giáp cốt”, cũng
không giải thích nội dung của giáp cốt văn, nhưng đã đem giáp cốt văn lần đầu
tiên viết thành sách, đó là một sự kiện lớn trong lịch sử văn hoá cận đại Trung
Quốc.
Về sau,
La Chấn Ngọc thu mua khắp nơi đồng thời chuyên tâm nghiên cứu “long cốt”, cũng
đã biết được những long cốt này được phát hiện tại Hà Nam. Qua nhiều năm khảo
chứng, tra ra được An Dương là vùng đất đô thành hậu kì đời Thương; “long cốt”
xuất hiện nơi đó, không còn nghi ngờ gì nữa, văn tự trên bề mặt “long cốt” chính
là văn tự đời Thương, đồng thời xác định những mảnh “long cốt” này là yếm rùa
và xương thú.
Từ năm
1910 đến năm 1916, La Chấn Ngọc biên soạn 6 bộ sách chuyên môn liên quan đến
giáp cốt văn, khảo thích được khoảng hơn 500 chữ trên giáp cốt, từ đó bắt đầu
nhận biết về giáp cốt văn.
Từ
trong những văn tự khảo thích được có thể biết, những yếm rùa và xương thú này
chủ yếu là thứ mà thiểu số kẻ thống trị và quý tộc đời Thương dùng để “chiêm bốc”
占卜. Gọi là “chiêm bốc” chính là dùng những thứ này để
suy đoán phúc hoạ cát hung. Người đời Ân rất mê tín, họ cho rằng tất cả những
gì trong cuộc sống đều cần phải tin theo số mạng nơi thượng thiên quỷ thần, cho
nên phàm là tế tự, nông nghiệp, săn bắn, xuất chinh, tật bệnh, mưa gió, sinh đẻ
v.v... đều phải chiêm bốc. Kết quả chiêm bốc, dùng văn tự khắc lên giáp cốt, những
văn tự này gọi là “giáp cốt văn”甲骨文, cũng gọi là “bốc
từ” 卜辞.
Thế
thì, chiêm bốc được tiến hành như thế nào?
Có người
chuyên môn về chiêm bốc, gọi là “bốc nhân”. Nếu dùng rùa để chiêm bốc, đầu tiên
giết chết rùa, lấy phần yếm, bôi lên một lớp dầu, sau đó mài phẳng. Tiếp theo,
xoi một cái lỗ bên trên, sau đó đục một đường rãnh dài như cái máng trên rộng
dưới hẹp. Đợi đến khi cần bói, lấy mảnh giáp cốt này hơ trên lửa.
Sau khi
hơ những mảnh giáp cốt, chung quanh chỗ đục sẽ nứt ra thành những đường vằn
khác nhau. Những đường vằn này biểu thị phúc hoạ cát hung. Người chiêm bốc sẽ
căn cứ theo đó mà quyết định sự kiện nào đó có nên làm hay không. Thường là một
sự kiện phải bói mấy lần, cuối cùng mới đưa ra quyết định.
Chiêm bốc
xong, ghi lại kết quả. Những ghi chép này dùng một loại công cụ khắc lên giáp cốt,
đó chính là giáp cốt văn. Trước tiên khắc dọc, sau đó khắc ngang. Có chữ lớn
hơn nửa thốn, chữ nhỏ bằng hạt mè, có chữ mạnh mẽ, có chữ tú lệ, là nghệ thuật
phẩm thư pháp sớm nhất.
Trừ
dùng vào việc ghi chép bốc từ ra, giáp cốt còn được dùng để ghi chép sự việc, như ghi chép lại lần xuất chinh
nào đó bắt được nhiều ít tù nhân, ghi chép lại lần đi săn bắn nào đó được nhiều
ít thú săn, một người nào đó hiến dâng nhiều ít vật phẩm, v.v...
Từ khoảng
15 vạn mảnh giáp cốt được phát hiện có thể biết, những điều mà giáp cốt văn phản
ánh là của 9 vương triều hậu kì nhà Thương từ Vũ Đinh 武丁đến
Đế Tân 帝辛 (tức
Trụ Vương 纣王) cũng tức là cuộc sống xã hội từ hơn năm 1300 trước
công nguyên đến hơn năm 1100 trước công nguyên. Nó là tài liệu quý giá về các
phương diện để nghiên cứu về tổ chức xã
hội, tình hình kinh tế đời Thương.
Do chịu
sự hạn chế về công cụ khắc, bút tích của giáp cốt văn phần nhiều là đường thẳng,
chỗ uốn cong cũng là góc cứng. Mặt trời vốn hình tròn, nhưng họ viết thành hình
tứ giác hoặc lục giác. Đó là tiền thân của chữ 日 (nhật) mà chúng
ta dùng ngày nay.
Cách thức
viết của giáp cốt văn rất đặc biệt. Nói chung, nó được viết thành hàng dọc, đọc
từ trên xuống. Nhưng chuyển hàng không phải hướng cố định; phía trên bên trái
chuyển về bên phải, phía trên bên phải chuyển về bên trái, nhìn chung là hướng
vào bên trong. Nhưng nếu gần những đường rạn gần trung tâm, thì nhất luật hướng
ra bên ngoài. Nếu một mặt khắc không đủ, sẽ khắc ở phản diện.
Thế
thì, một mảnh giáp cốt có bao nhiêu chữ? Điều này rất khó nói, có mảnh chỉ có 3
đến 5 chữ, nhiều nhất là 180 chữ.
Giáp cốt
văn từ lúc phát hiện đến nay đã hơn 80 năm. Từ sau khi công khai, không chỉ tạo
nên sự hứng thú của các học giả trong nước, mà còn khiến học giả nước ngoài chú
ý. Một vài người trong số họ đến Trung Quốc tìm đủ mọi cách sưu tập những mảnh
giáp cốt có bốc từ thời Ân. Theo thống kê, đại khái có 27000 mảnh giáp cốt lưu
lạc hải ngoại, trở thành vật trân tàng của một số viện bảo tàng nổi tiếng thế
giới.
Hơn 80
năm nay, trải qua sự lao động cần cù của học giả các đời ở Trung Quốc, việc
nghiên cứu giáp cốt văn đã có được những thành quả đáng mừng. Theo thống kê,
năm 1915 chỉ nhận biết khoảng 500 chữ, năm 1927 đạt đến 570 chữ, 1929 là hơn
870 chữ, 1934 là 1006 chữ. Trước mắt, trong giáp cốt văn, những chữ không trùng
lặp ước khoảng 4500 chữ, đã nhận biết được chừng 1500 chữ, tức chỉ chiếm 1/3. Tỉ
lệ này xem ra không lớn, nhưng đó là sự nhận biết đối với văn tự của 3000 năm
trước, thời đại cách quá xa, nhận biết được nhiều như thế quả là không dễ chút
nào.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 01/12/2017
Nguyên tác Trung văn
GIÁP CỐT VĂN ĐÍCH PHÁT HIỆN
甲骨文的发现
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản)
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật