Dịch thuật: Hoa Đà cầu học

HOA ĐÀ CẦU HỌC

          Hoa Đà 华佗 lúc đầu hành nghề y, bản lĩnh cũng chưa cao lắm. Nhân vì Hoa Đà khiêm tốn học hỏi người khác, từng chút từng chút một, cuối cùng trở thành một danh y. Sau khi thành danh y, Hoa Đà không quên thỉnh giáo ở các bậc cao minh. Dưới đây sẽ giới thiệu câu chuyện Hoa Đà khiêm tốn cầu học.
          Một ngày nọ, có một người thanh niên đến xin Hoa Đà trị bệnh. Hoa Đà xem qua mạch, nói với người bệnh rằng:
          - Anh mắc phải chứng “đầu phong” 头风. Thuốc thì có nhưng thuốc để dẫn thì không.
          - Cần thuốc dẫn gì?
          - Não của người sống.
          Bệnh nhân vừa mới nghe lấy não của người sống làm chất dẫn đã hoảng kinh, nghĩ rằng không thể nào tìm được, đành quay về nhà.
          Qua mấy ngày sau, bệnh nhân nọ lại tìm đến vị thấy thuốc già. Thầy thuốc hỏi anh ta:
          - Với bệnh “đầu phong” của anh, anh đã tìm thầy xem qua chưa?
          Bệnh nhân đáp rằng:
          - Đã tìm đến Hoa Đà, ông ấy bảo cần não người sống để làm chất dẫn. Tôi không có cách gì đành không chữa trị.
          Thầy thuốc cười lớn, nói rằng:
          - Không cần dùng não của người sống đâu, hãy tìm 10 chiếc mũ cỏ cũ sắc lên uống là được. Chỉ có điều phải nhớ là tìm mũ cỏ mà người ta đã đội được nhiều năm mới được.
          Bệnh nhân làm theo lời, quả nhiên thuốc vào thì bệnh lui. Ngày nọ, Hoa Đà gặp lại anh thanh niên mắc bệnh hôm nọ, nhìn thấy anh ta đầy sức sống, không giống như người mắc bệnh, liền hỏi:
          - Chứng “đầu phong” của anh hết rồi à?
          Anh thanh niên cười đáp rằng:
          - Vâng, may nhờ một thầy thuốc già trị cho.
          Hoa Đà lại hỏi uống thuốc gì, thứ gì làm thuốc dẫn. Anh thanh niên đáp rằng:
          - Dùng mũ cỏ sắc lên.
          Hoa Đà vừa nghe qua, vội hỏi thầy thuốc già đó hiện ở đâu. Anh thanh niên nói cho Hoa Đà biết.
          Hoa Đà về nhà suy nghĩ, người ta tích luỹ bao nhiêu năm kinh nghiệm mới có được phương thuốc. Lẽ nào lại dễ dàng truyền lại, mình chỉ có đến nhà ông ta cầu học mới được. Thế là Hoa Đà cải trang thành một người bình thường đến làm học trò, học một mạch đến 3 năm.
          Ngày nọ, người thầy ra ngoài trị bệnh. Hoa Đà cùng sư đệ ở nhà luyện thuốc. Lúc bấy giờ ngoài cửa có một người mắc chứng bụng to đến, bụng anh ta to như cái sàng, chân thô như cái đấu. Bệnh nhân nói là cố tình đến xin thầy trị bệnh. Thầy không có ở nhà, sư đệ của Hoa Đà không dám tuỳ tiện tiếp đãi, bèn bảo bệnh nhân hôm khác đến. Bệnh nhân van nài năn nỉ:
          - Xin thầy giúp chữa trị cho tôi! Nhà tôi cách đây rất xa, đi một chuyến không dễ dàng gì.
          Lúc bấy giờ Hoa Đà bước ra, thấy người ấy quả thực bệnh nặng, không thể chần chừ được, liền nói rằng:
          - Tôi sẽ chữa cho ông. Ông cầm lấy 2 lạng tì sương này, chia đều thành 2 phần để uống, không thể uống một lần.
          Bệnh nhân cầm lấy thuốc luôn miệng cám ơn rồi ra về.
          Sau khi bệnh nhân đi khỏi, sư đệ trách Hoa Đà:
          - Anh biết loại thuốc đó rất độc, uống vào chết người làm sao?
          Hoa Đà bảo rằng:
          - Người đó mắc chứng cổ trướng, cần phải dùng loại thuốc đó, đó gọi là lấy độc trị độc.
          Sư đệ nói rằng:
          - Trị chết người ta, ai gánh lấy trách nhiệm đây?
          Hoa Đà cười bảo rằng:
          - Không chết đâu, mà nếu có xảy ra sự cố ta sẽ chịu trách nhiệm.
          Lại nói về bệnh nhân nọ. Khi ông ta cầm thuốc vừa ra khỏi ngoài thôn, đúng lúc gặp vị thầy thuốc già trở về, bệnh nhân bước đến xin thuốc. Thầy thuốc nhìn qua bệnh nhân rồi nói:
           - Bệnh của ông cũng dễ chữa thôi, mua 2 lạng tì sương chia đều làm 2 phần để uống, uống một lần rất nguy hiểm. Mau về đi.
          Bệnh nhân nghe qua, bèn giơ tay ra, nói rằng:
          - Học trò của thầy đã cho tôi 2 lạng tì sương. Ông ấy cũng dặn chia làm 2 phần để uống.
          Người thầy cầm lấy thuốc xem qua, quả nhiên bên trên viết rất rõ ràng. Người thầy nghĩ bụng: Nghiệm phương của mình trừ lão đạo nhân ở chùa Hộ Quốc và Hoa Đà ra, còn có người khác biết sao? Mình chưa truyền cho học trò nào cả mà!
          Về đến nhà, người thầy trách hai học trò:
          - Lúc nãy, thuốc chữa trị cho người mắc chứng bụng to là do ai phát?
          Sư đệ chỉ vào Hoa Đà và nói:
          - Là sư huynh, con nói thuốc đó có độc, sư huynh không nghe.
          Hoa Đà bên cạnh từ tốn nói rằng:
          - Thưa thầy! người đó mắc chứng cổ trướng, trong bụng có độc, tì sương cũng có độc, lấy độc trị độc, bệnh nhân uống vào có lợi chứ không có hại.
          - Ai chỉ cho con điều này?
          - Lão đạo nhân chùa Hộ Quốc. Con đã học thuốc ở đó mấy năm.
          Người thầy lúc này hiểu ra, người học trò này chính là Hoa Đà, liền nói:
          - Này Hoa Đà! Sao con lại đến chỗ ta cầu học?
          - Thưa thầy! Thầy nhìn lầm người rồi!
          - Không đâu. Phương thuốc bí truyền của ta người khác không thể biết được.
          Lúc bấy giờ Hoa Đà đành phải nói rõ lí do cầu học của mình.
          Người thầy nghe xong liền nắm lấy tay Hoa Đà bảo rằng:
         - Con đã nổi tiếng khắp gần xa mà còn đến chỗ làng quê hẻo lánh của ta để chịu khổ nhọc, ta đã có lỗi với con!
          Hoa Đà nói rằng:
          - Thưa thầy, tài năng của con người có cao có thấp, nhưng mỗi người đều có sở trường riêng. Con không có gì nên phải đến thầy cầu học, người hành nghề y phải như thế.
          Người thầy cảm động đến mức muốn rơi nước mắt, bèn đem những phương thuốc riêng của nhà mình truyền dạy cho Hoa Đà.

                                                         Huỳnh Chương Hưng
                                                         Quy Nhơn 14/12/2017

Previous Post Next Post