“TAM THỐN KIM LIÊN” CÓ THẬT LÀ CHỈ CÓ BA
TẤC
Bàn
chân của các cô gái thời cổ sở dĩ được gọi là “kim liên” 金莲, phải bắt đầu nói từ tập tục bó chân của con gái thời
cổ. Thời Ngũ Đại, phi tử Yểu Nam
窅南của Nam
Đường Hậu chủ Lí Dục 李煜vì muốn lấy lòng Lí
Dục, bà đã bó đôi chân của mình có hình trăng non. Yểu Nương vốn thể thái nhẹ
nhàng, lại thêm có đôi bàn chân nhỏ nhắn, nên mỗi khi múa rất đẹp. Lí Hậu chủ
vô cùng yêu quý Yểu Nương, những phi tần khác cũng đua nhau bắt chước. Về sau tập
tục này truyền đến dân gian, thế là phong tục bó chân bắt đầu lưu hành. Đến thời
Bắc Tống, tục bó chân đại thịnh, mãi đến thời Dân Quốc mới bị phế bỏ.
Bàn
chân được bó của cô gái sở dĩ gọi là “kim liên”, có người cho rằng là do bởi Lí
Hậu chủ đương thời từng xây cho Yểu Nương một vũ đài, bên trên trang trí nhiều
hoa sen bằng vàng, để bà múa trên những hoa sen đó. Thế là mọi người quen gọi
bàn chân nhỏ nhắn của cô gái là “kim liên”. Nhưng một số học giả khác lại cho rằng,
nguyên nhân bàn chân nhỏ của cô gái được gọi là “kim liên” đại khái có liên
quan đến Phật giáo. Do bởi hoa sen mọc lên từ bùn lầy mà không vấy bẩn, trong
Phật môn xem đó là tượng trưng cho sự thanh tịnh cao khiết. Sau khi Phật giáo
truyền nhập vào Trung Quốc, sự sùng bái hoa sen cũng theo đến Trung Quốc. Mọi
người xem hoa sen là tượng trưng cho mĩ hảo, cao khiết, cát tường, trân quý. Mà
vào thời cổ, trong con mắt của các chàng trai, bàn chân nhỏ của cô gái vô cùng
quan trọng, cho đó là tượng trưng trọng yếu cho cái đẹp của con gái. Nhân đó, tự
nhiên đem bàn chân của cô gái liên hệ với hoa sen. Sở dĩ gọi là “kim liên” là
do vì người xưa quen thêm chữ “kim” 金trước những sự vật đẹp
và được quý trọng, như “kim khẩu” 金口, “kim loan điện” 金銮殿 ...
Còn như
“tam thốn kim liên” 三寸金莲 (gót sen ba tấc) chỉ là cách nói chung chung. Sự thực,
bó chân là hành vi dân gian thuần tuý, nó lấy việc ước định thành tục làm cơ sở,
hoàn toàn không có thước tấc nghiêm túc. “Tam thốn kim liên” chỉ là cách nói ca
ngợi cái đẹp đối với bàn chân cô gái. Chỉ cần bó chân, các cô gái đều có thể có
được “mĩ xưng”, chứ không nhất định phải là ba tấc.
Tri thức
liên quan
Gọi là
bó chân tức dùng vải bó chặt bàn chân lại,
sau đó bất luận là ban ngày hay ban đêm đều luôn bó. Bó chân là việc thông qua
ngoại lực cố ý ngăn trở sự phát triển bình thường của bàn chân, khiến bàn chân
thu nhỏ lại, từ đó có hình dạng kì dị. Trong quá trình bó chân, bàn chân thường bị sưng tấy,
thậm chí rướm máu, đối với các cô gái thời cổ, đó là sự tàn hại thân thể và tâm
lí một cách nghiêm trọng, có thể nói đó là một khốc hình. Đời sau, các học giả
nghiên cứu tục bó chân đã gọi đó là “nữ tử khốc hình triền túc”女子酷刑缠足. Thời cổ con gái bó chân, nhìn chung bắt đầu từ 5 đến
8 tuổi, mãi cho đến khoảng 20 tuổi.
Mục
đích của việc bó chân là để cho bàn chân trở nên đẹp, nhưng sự thực, bàn chân
sau khi bó có hình dạng kì dị, không đẹp. Tục bó chân đại khái bắt đầu từ thời
Ngũ Đại, thời Dân Quốc bị phế bỏ. Rất khó tưởng tượng rằng, hành vi hết sức sai
lầm này lại tồn tại đàng hoàng hơn 1000 năm ở Trung Quốc.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 08/11/2017
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật