Dịch thuật: Tại sao bại trận lại gọi là "bại bắc"

TẠI SAO BẠI TRẬN LẠI GỌI LÀ “BẠI BẮC”

          “Bại bắc” 败北chính là bại trận, cũng dẫn đến nghĩa làm việc không thành công, cạnh tranh thất bại. Thế thì, từ “bại bắc” rốt cuộc có nghĩa gì, có phải là sau khi thua trận tháo chạy về phía bắc?
         Nghĩa gốc của từ “bắc” 北 trong Hán ngữ cổ đại là “bội” 背 hoặc “tương bội” 相背. Thời cổ, hai bên giao chiến, nếu một bên bại rút lui thì “bội” (quay lưng lại) đối với bên thắng. Cho nên “bắc” có nét nghĩa thất bại.
          Trong Tôn Tử - Quân sự 孙子 - 军事có câu:
Dương bắc vật tùng
佯北勿从
(Giả vờ thua bỏ chạy chớ đuổi theo)
          “Bắc” ở đây cũng là “bại” hoặc “bại đào” 败逃, ý là quân địch giả vờ thua chạy, không nên đuổi theo.
          Giả Nghị trong Quá Tần luận 过秦论có câu:
Truy vong trục bắc
追亡逐北
          Ý là truy sát quân địch thua chạy.
          Trong Hán ngữ cổ đại Trung Quốc tồn tại một số lượng lớn từ vựng liên quan đến phương vị, rất nhiều từ đến từ hào từ quái từ ở Chu Dịch 周易, còn có một bộ phận đến từ sự quan sát và thể nghiệm của con người đối với tự nhiên. Khảo sát kĩ nguồn gốc những từ này, sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong việc lí giải văn hoá truyền thống. Lấy từ “bại bắc” mà nói, nếu chúng ta không biết nghĩa cổ của từ “bắc” là “bội” hoặc “tương bội”, thì rất khó lí giải tại sao không thể đem “bại bắc” đổi thành “bại đông” hoặc “bại tây”, lại còn có thể nghĩ rằng “bại bắc” có nghĩa là tháo chạy về phía bắc.

                                                   Huỳnh Chương Hưng
                                                  Quy Nhơn 23/11/2017

Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013
Previous Post Next Post