“SƠN HẢI KINH” – BỘ SÁCH ĐỊA LÍ NỔI TIẾNG
Người
Trung Quốc trong lúc nhàn tản nói chuyện về những kì văn dật sự, thường nhắc đến
Sơn hải kinh 山海经. Thế thì Sơn hải kinh là bộ sách như thế nào?
Sơn Hải kinh là bộ trứ thư về địa lí thời
cổ Trung Quốc. Nguyên sách đề là do Hạ Vũ 夏禹,
Bá Ích 伯益 viết ra, nhưng nhìn từ nội dung trong sách lại là tác
phẩm thời Xuân Thu Chiến Quốc, đồng thời do các Nho sinh đời Hán tăng bổ mà
thành. Nhân vì toàn sách là tổ hợp của Sơn
kinh và Hải kinh, nên được gọi là
Sơn hải kinh.
Sơn kinh chuyên thuật lại sự phân bố sơn
mạch các nơi ở Trung Quốc, đồng thời giới thiệu điểm đặc sắc của các núi. Nội
dung bao quát đường đi xa gần của các núi, sự phân bố giòng chảy các sông,
phong tục các dân tộc, động vật thực vật, dược vật trị bệnh, tôn giáo tế tự,
văn hoá giao thông, câu chuyện thần thoại cùng những kì văn dật sự v.v... Tổng
cộng 5 thiên, gọi là Ngũ tang sơn kinh 五臧山经.
Hải kinh chuyên thuật lại địa lí trong
và ngoài nước cũng những kì văn dật sự. Hải
ngoại kinh 海外经4 thiên, là tác phẩm của thời Xuân Thu Chiến Quốc;
Đại hoang
kinh 大荒经5 thiên, là tác phẩm đời Hán, cả hai đều là địa lí nước ngoài. Hải nội kinh 海内经4 thiên cũng là tác phẩm đời Hán, nói về giao thông
trong và ngoài nước cùng sản vật, dân tục và những câu chuyện thần thoại của các
nơi.
Toàn
sách ghi chép hơn 100 bang quốc, hơn 500 ngọn núi, hơn 300 giòng sông của các
nơi cùng phong thổ dân tình, sản vật trọng yếu có liên quan. Thông qua sự giới
thiệu về lịch sử các nơi, trong sách còn ghi chép hơn 100 nhân vật lịch sử, thuật
rõ hoạt động chủ yếu và thế hệ gia tộc của họ. Ngoài ra, sách còn bảo lưu rất
nhiều truyền thuyết thần thoại, đặc biệt là ở bộ phận Hải kinh, thần thoại đặc biệt nhiều, có thể nói sách là bộ thư tịch
tập trung nhất về thần thoại thời thượng cổ của Trung Quốc.
Sau đây
sẽ giới thiệu 2 câu chuyện thần thoại thời thượng cổ được bảo lưu trong Sơn hải kinh.
1- Tinh Vệ điền
hải 精卫填海 (Tinh Vệ lấp biển)
Tại huyện
Trường Tử 长子ở Sơn Tây 山西, có ngọn núi Phát
Cưu 发鸠. Trên núi có một loài chim, hình dạng giống quạ,
nhưng trên đầu có đốm hoa, chân màu đỏ, mỏ màu trắng, tên là “Tinh Vệ” 精卫. Tại sao loài chim đó được gọi là “Tinh Vệ”? Nhân vì
tiếng kêu của “tinh vệ” “tinh vệ” của nó, người ta liền lấy tiếng kêu đó để đặt
tên. Liên quan đến loại chim này còn có một câu chuyện thần thoại.
Thời cổ
có một đại nhân vật chuyên dạy mọi người trồng ngũ cốc, đó là Thần Nông thị 神农氏.
Nhân vì ông có những cống hiến kiệt xuất đối với nhân dân nên mọi người tôn
xưng là “Viêm Đế” 炎帝. Viêm Đế có một người con gái tên là Nữ Oa 女娃. Một lần nọ, Nữ Oa đến tắm ở đông hải, chẳng may bị chết chìm trong
biển nước, Về sau, Nữ Oa hoá thành chim Tinh Vệ, hàng ngày ngậm lấy những mẩu gỗ,
và hòn sỏi ở Tây sơn bay đến thả vào đông hải, mục đích muốn lấp biển đông, để
không còn có người chết chìm trong đông hải nữa.
Chim
thì nhỏ bé, những mẩu gỗ và hòn sỏi đương nhiên càng nhỏ hơn, nhưng vì điều lợi
cho mọi người, chim hàng ngày không ngừng lấp biển lớn mênh mông. Câu chuyện thần
thoại này đã phản ánh nhân dân Trung Quốc vì lợi ích của đại chúng mà không sợ
gian nan nguy hiểm, với tinh thần lao động quên mình không hề biết mệt.
2- Khoa Phủ trục
nhật 夸父逐日 (Khoa Phủ đuổi theo mặt trời)
Ngày
xưa tại nước Bác Phụ 博父có một người khổng lồ,
tên là “Khoa Phủ”. Ông chạy rất nhanh, thường trú tại núi Tải Thiên 载天 ở
Thành Đô 成都. Ông trang sức cũng rất kì lạ, hai tai đeo 2 con rắn,
xem đó là khuyên tai; hai tay nắm chặt 2 con đại hoàng xà, xem rất uy vũ.
Một
ngày nọ, Khoa Phủ muốn trời mở ra, tranh cùng mặt trời để xem thử ai chạy
nhanh. Ông chạy như bay đuổi theo mặt trời. Cứ chạy, chạy mãi đến khát khô cả cổ,
liền đến uống nước Hoàng hà và sông Vị. Nước hai sông uống sạch, lại chuẩn bị
đi uống nước Bắc hải. Nhưng, chưa kịp tới Bắc Hải, Khoa Phủ đã chết vì khát.
Trước khi chết, Khoa Phủ vất chiếc gậy của mình. Kết quả, chiếc gậy hoá thành một ngọn núi, đó chính là Đại biệt sơn 大别山 nằm ở giao giới Hồ Nam và Hồ Bắc, mọi người gọi nơi
này là “Đặng lâm” 邓林.
Câu
chuyện thần thoại Khoa Phủ đuổi theo mặt trời, tuy có chỗ phê bình Khoa Phủ
“không tự lượng sức mình”, nhưng tinh thần chủ yếu của câu chuyện là ca tụng vị
anh hùng truy cầu lí tưởng tối cao. Để thực hiện lí tưởng tối cao của mình, có
thể không ngại hi sinh mà phấn đấu nỗ lực.
Sơn hải kinh là bộ sách về địa lí, chỉ
là khi giới thiệu nhân tình phong tục các nơi mới phụ ghi chép ngắn gọn những
truyền thuyết thần thoại. Nhưng nó đã bảo tồn cho chúng ta một số lượng lớn những
thần thoại thượng cổ, trở thành điển tịch quan trọng trong văn hoá sử Trung Quốc.
Thế
thì, những núi những sông mà Sơn hải kinh
giới thiệu có chính xác không? Ở đây cần phải có quan điểm lịch sử. Có nơi, ví
dụ như vùng lưu vực Hoàng hà, về cơ bản là chính xác. Ví dụ như nói đến Bán Thạch
sơn 半石山 ở
huyện Yển Sư 偃师 Hà Nam
河南, sông chảy về phía tây đổ vào Y thuỷ 伊水, sông chảy về phia bắc đổ vào Lạc thuỷ 洛水, là chính xác. Phía đông Bán Thạch sơn 50 dặm có Thiếu
Thất sơn 少室山(ngọn núi phía tây của Tung sơn 嵩山), phía đông Thiếu Thất sơn có Thái Thất sơn 泰室山 (ngọn núi chính của Tung Sơn 嵩山)
v.v... cũng chính xác.
Nhưng,
khi nói đến địa lí khu vực biên viễn, đặc biệt là địa lí hải ngoại, về cơ bản đều
không có căn cứ. Cho nên, nhiều người hoài nghi nó không phải là bộ sách địa
lí, mà là tập thành những thần thoại và truyền thuyết, chỉ là mượn danh nghĩa
sông núi mà thôi.
Ảnh hưởng
của Sơn hải kinh cực kì to lớn. Nó
không chỉ gợi mở cho người đời sau tính tính cực khi khảo sát địa lí, mà còn khiến
cho con người dùng trí tưởng tượng phong phú, về thực tế là một loại lí tưởng
hùng vĩ của người dân thời cổ muốn chinh phục tự nhiên.
Học giả
nước ngoài nghiên cứu Sơn hải kinh rất
nhiều và cũng có nhiều thành tích. Ví dụ như trong Sơn hải kinh có ghi chép liên quan đến mặt trời mọc nơi Đại hiệp cốc
大峡谷 phía đông. Đại hiệp cốc này, tại Nhật Bản ,
Philippines , Indonesia
đều tìm không thấy cho nên có người cho Sơn
hải kinh nói không chính xác. Nhưng một học giả người Mĩ lại nói, tình cảnh
mà Sơn hải kinh miêu tả, giống hệt với
cảnh tượng xem mặt trời mọc tại khu phong cảnh Đại hiệp cốc nước Mĩ. Điều này
đã đặt ra cho chúng ta vấn đề, thời Chiến Quốc hoặc thời Tây Hán, có phải người
Trung Quốc đã đến châu Mĩ? Đây là một luận đề nghiên cứu khoa học có ý nghĩa
sâu xa.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
29/11/2017
Nguyên tác
Trung văn
ĐỊA LÍ DANH TRỨ “SƠN HẢI KINH”
地里名著 “山海经”
Trong quyển
VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN
Biên soạn: Vũ Nhân 羽人
Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật