“QUAN”
VÀ “MIỆN” CÓ GÌ KHU BIỆT
Thời cổ,
khi con trai đến 20 tuổi phải cử hành “quán lễ” 冠礼
(lễ đội mũ), từ lúc đó, con trai bắt đầu đội một loại trang sức trên đầu gọi là
“quan” 冠. “Quan” cũng là một loại trang sức mà con trai thành
niên của giới quý tộc phải chuẩn bị. Nhìn chung, trẻ em, bình dân, tội phạm, dị
tộc thì không đội quan. Cho nên, “quan” được xem như là tiêu chí phân định về địa
vị đẳng cấp thời cổ. Nhưng đế vương lúc đăng cơ, thường nói là “gia miện” 加冕, mà không nói là “gia quan” 加冠,
lẽ nào “miện” còn tôn quý hơn “quan”? “Quan” và “miện” có gì khu biệt?
Theo truyền
thuyết, “quan” và “miện” đều là một loại mũ. Theo ghi chép trong Hậu Hán thư 后汉书:
Thượng cổ ý mao nhi mạo bì.
上古衣毛而冒皮
(Thời thượng cổ người ta mặc áo làm bằng lông thú và đội
mũ làm bằng da thú)
Người đời
sau khi chú thích có nói: “mạo” 冒 chỉ “mạo tử” 帽子 (cái
mũ).
Cho nên có quan điểm cho rằng, vào thời thượng cổ đã
xuất hiện “mạo tử”. Lúc bấy giờ, nó là một loại công cụ dùng để ngăn lạnh giữ ấm,
che nắng che mưa. Theo sự phát triển của sức sản xuất, kiến lập chế độ đẳng cấp
mới xuất hiện sự phân loại “quan” và “miện”.
Quan
không chỉ là vật trang sức trên đầu, mà còn tượng trưng cho thân phận, lễ nghi.
Quan không giống như cái mũ của chúng ta ngày nay, nó chỉ che một bộ phận nhỏ
trên đỉnh đầu. Người xưa dùng quan trùm lên búi tóc trên đỉnh đầu, dùng cây kê
để cố định. Có loại quan 2 bên có có 2 sợi dây, cũng dùng để cố định quan. Theo
sử liệu ghi chép, từ việc có hay không có trang sức loại quan trên đỉnh đầu có
thể thấy được đẳng cấp tôn quý hay thấp kém, còn có thể từ loại quan đang đội
phân biệt được thân phận. Thời cổ, theo địa vị cao thấp, có thể chia “quan” ra
làm “thông thiên quan” 通天冠 và “tiến đức quan”
进德冠. Thông thường,
“thông thiên quan” là loại quan của đế vương đội, “tiến đức quan” là loại quan
của các trọng thần trong triều đội.
Theo sự
khảo chứng, sự xuất hiện của “miện” sớm hơn “quan”, được xem là một loại “lễ
quan” tôn quý nhất. Lúc ban đầu, miện chỉ có đế vương phong kiến cùng sĩ đại
phu trở lên mới có thể đội. Sau thời Nam Bắc triều, miện trở thành một loại
chuyên dành cho hoàng đế. Nhìn chung, miện bên ngoài thì đen, bên trong thì đỏ,
bên trên có một tấm ván mỏng hình chữ nhật, gọi là “diên” 延. Với miện thì trước thấp sau cao; ở 2 đầu phía trước
và sau của “diên” có mấy chuỗi hạt châu, lấy ý nghĩa để mắt không nhìn tà vạy.
Hai bên “miện” có 2 sợi dây tơ, lấy ý nghĩa để tai không nghe những lời sàm tấu.
Có một số sử liệu ghi chép, miện của thiên tử trước và sau có những chuỗi dây gắn
hạt châu, gọi là “lưu” 旒. Nhân vì trước và
sau mỗi phía có 12 lưu, nên miện của thiên tử còn được gọi là “thập nhị lưu miện”
十二旒冕. Đội lưu miện là tượng trưng cho đế vương, nên việc kế
thừa hoàng vị có cách nói là “gia miện” 加冕.
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 27/11/2017
Nguyên tác Trung văn
Trong quyển
THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN
趣味文化知识大全
Thanh Thạch 青石 biên
soạn
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã,
2013
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật