BÀN CANH DỜI ĐÔ
Bàn Canh 盘庚 tính Tử 子, tên là Tuần 旬, là vị đế
vương của vương triều Thương. Phụ thân Bàn Canh là Thương vương Tổ Đinh 祖丁. Sau khi phụ thân mất, Bàn Canh không được kế thừa
vương vị, mà là do Nam
Canh 南庚kế thừa. Nam Canh là con của Thương vương Ốc
Giáp 沃甲 – thúc phụ của phụ thân Bàn Canh. Sau
khi Nam Canh mất, cũng chưa đến lượt Bàn Canh, mà là do anh của Bàn Canh là
Dương Giáp 阳甲kế thừa vương vị. Mãi đến khi người anh
qua đời, Bàn Canh mới được kế thừa vương vị.
Ông
Thang 汤nhà Thương sau khi lật đổ sự thống trị của triều Hạ,
đã định quốc đô tại đất Bạc 亳 , cũng chính là vùng Thương Khâu 商丘 Hà Nam
河南 ngày nay, đặt tên cho vương triều của mình là
“Thương”. Bề tôi giỏi Y Doãn vẫn phò tá bên cạnh ông Thang, sau ông Thang, Y
Doãn trước sau phò tá 4 đời quân vương. Sự hiền minh năng cán của ông đã giúp
triều Thương từng bước phát triển dần trở nên lớn mạnh.
Nhưng
sau khi Y Doãn qua đời, triều Thương đã rơi vào thời kì xuống dốc. Quân vương đời
thứ 6 là Thái Canh 太庚 chìm đắm trong sự hưởng lạc, không ngó ngàng gì đến
triều chính.
Mấy vị
quân vương đời sau cũng đều bị cảnh thái bình trước mắt làm cho đầu óc mê muội,
nhìn triều Thương ngày càng suy yếu. Đương thời, giữa tầng lớp quý tộc và vương
thất không ngừng tranh đoạt, ngoài tranh đoạt quyền lợi ra, còn có việc nhòm
ngó vương vị. Cho nên để bảo đảm sự thống trị của mình, các quân vương không thể
không thu nạp biện pháp dời đô. Như vậy không chỉ đem theo bề tôi và kẻ thân
tín trung thành với mình, mà còn có thể thoát được thế lực uy hiếp vương vị của
mình.
Dưới sự
thống lĩnh của mấy đời quân vương, Thương vương bắt đầu từ Trọng Đinh 仲丁 , triều Thương đã trải qua 5 lần dời đô, cuối cùng
đem đô thành dời đến đất Yểm 奄 .
Và như
vậy, quân vương triều Thương đã đến đời thứ 20 là Bàn Canh. Bàn Canh suy tính
tình hình đô thành lúc bấy giờ, tuy đất Yểm lúc ấy tương đối phồn hoa, nhân khẩu
trong đô thành cũng đông, nhưng địa thế nơi đó rất thấp. Một khi gặp mưa lớn, cả
thành thị bị nhấn chìm, giao thông với bên ngoài bị gián đoạn rất bất tiện. Cho
nên, Bàn Canh đã nghĩ đến việc dời đô.
Ý kiến
vừa mới đưa ra, ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều quý tộc thượng
tầng. Có người nói là cần phải giữ tông miếu tổ tông, có người nói là việc dời
đô không có lợi, thậm chí còn có người cổ xuý bách tính gây rối. Kì thực, mục
đích dời đô lần này của Bàn Canh với mục đích của các vị tiên vương không như
nhau, ông hi vọng là vùng đất tốt có thể chỉnh đốn triều chính hiệu lệnh quần
hùng.
Đối mặt
với các trở ngại đến từ bên ngoài, Bàn Canh không hề dao động ý nghĩ dời đô, mà
ngay lập tức phát lệnh dời đô. Để diệt trừ những trở ngại, Bàn Canh nói tuyên
cáo với thiên hạ:
- Ta đã mời vu sư bói qua rất nhiều lần, việc
dời đô là thuận ứng với ý trời, cũng là có lợi cho sự ổn định của đất nước và hạnh
phúc của bách tính. Ta đã hạ quyết tâm, nếu ai dám phản đối, ta sẽ trừng phạt
không khoan nhượng.
Tuyên
cáo vừa ban ra, không ai dám đứng lên phản đối.
Thế là,
dưới sự kiên trì của Bàn Canh, vào thế kỉ 14 trước công nguyên, lần thứ 6 triều
Thương dời đô. Lần dời đô này, đã đem triều Thương phân làm 2 thời kì: Thương
và Ân.
Đúng
như Bàn Canh đã nghĩ, đến được đô thành mới là đất Ân, chính trị, kinh tế của
triều Thương đã xuất hiện một diện mạo mới.
Cho
nên, ngày nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều văn vật đời Thương phát hiện tại An
Dương Hà Nam, nơi đây chính là vùng đất Ân lúc bấy giờ. Từ những vật phẩm này
cũng có thể thấy được, triều Thương sau khi dời đô đã tiến vào thời kì vô cùng
phồn thịnh.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 06/11/2017
Nguyên tác Trung văn
BÀN CANH THIÊN ĐÔ
盘庚迁都
Trong quyển
TRUNG QUỐC LỊCH SỬ CỐ SỰ
中国历史故事
Biên soạn: Sơ Dương Tả Tả 初阳姐姐
Trường Xuân: Cát Lâm văn sử xuất bản xã, 2015.
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật